Thị xã Lào Cai cách thị trấn Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) bởi con sông Hồng và sông Nậm Thi. Do đó, dùng thuyền nan vận chuyển hàng lậu vượt sông ở 2 bên cánh gà cửa khẩu quốc tế là con đường "truyền thống" của dân buôn lậu.
Những chuyến đò đêm
|
Hàng Trung Quốc nhập lậu tràn lan tại chợ Lào Cai. |
Tại khu nhà nổi trên sông Hồng thuộc thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc. Gần 5 giờ chiều, đã có 6-7 người Việt Nam nằm, ngồi ngả ngốn trên những bao tải hàng chờ thuyền sang đón. Cả một chiếc xe tải loại nhỏ và gần một chục tay cửu vạn người Trung Quốc cùng ngồi đợi. Đối diện bên kia sông Hồng là khu vực Gốc Nhót thuộc phường Duyên Hải, thị xã Lào Cai, một trong hai điểm nóng về buôn lậu ở khu vực biên giới.
Một phụ nữ đang đôi co với một người đàn ông Trung Quốc nói giọng Việt lơ lớ về số tiền nộp của mỗi bao hàng. Số hàng hóa gồm: khăn, găng tay, tất len... đang tập kết ở đây là của nhiều người và họ đi bằng hai con đò khác nhau về Việt Nam. Theo quy ước, thuyền của nhà nào sẽ về "bến" của nhà ấy. Những bến đò trên sông Nậm Thi tập trung ở một khu vực có cái tên là Phố Tèo. Trên một đoạn bờ sông Nậm Thi khoảng 100m, ước tính có cả chục bến của những hộ gia đình gần đó. Thực chất các bến đò chỉ là những con đường mòn dẫn xuống sông. Khác với ở Gốc Nhót, Phố Tèo còn thêm "chức năng" là nơi đưa lậu người sang Trung Quốc. Một người khách du lịch đi đường chính ngạch qua các công ty du lịch ở cửa khẩu phải mất tối thiểu 90.000 đồng thì đi ở Phố Tèo bằng thuyền nan sang Trung Quốc chỉ hết có 30.000 đồng mà chẳng cần giấy tờ “lằng nhằng” gì.
Việc đi lại ở các bến này hoàn toàn công khai, đến nỗi một cán bộ của Toà án thị xã Lào Cai hứng chí buổi tối đi lậu sang Trung Quốc chơi chẳng may lúc về bị đắm thuyền tử nạn. Vụ việc còn đang gây xôn xao dư luận nhưng dường như chẳng làm ảnh hưởng gì đến hoạt động của các bến đò.
Cuộc chiến cam go
Phương thức buôn lậu ở Lào Cai không có gì lạ. Các đầu nậu không bao giờ ra mặt mà thuê cửu vạn vận chuyển hàng qua biên giới bằng mọi cách, trong đó có sự tiếp tay rất lớn của các bến đò chui. Hàng lậu sau khi qua sông ngay lập tức phân tán về một số nhà dân gần đó hoặc dùng xe phân khối lớn đưa đi. Để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, chúng thường xuyên thay đổi địa điểm gom hàng, dùng các loại phương tiện gọn nhẹ, thậm chí cả xe đặc chủng để ngụy trang đưa hàng về xuôi. Số hàng mỗi lần vận chuyển cũng ngày càng được xé nhỏ để tránh rủi ro. Khi bị phát hiện, chúng phóng xe với tốc độ cao bất chấp nguy hiểm để tẩu tán. Có cả trường hợp dùng hung khí tấn công lại lực lượng chống buôn lậu.
Trước sự liều lĩnh của bọn buôn lậu, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai cho biết: lực lượng chống buôn lậu thì mỏng, không thể rải đều quân cho tất cả các đêm. Thiết bị còn nhiều hạn chế, anh em đi chống buôn lậu nhưng xe máy, điện thoại đều của cá nhân, chế độ đãi ngộ cũng chưa hợp lý. Mặc dù vậy, chỉ tính trong 10 tháng năm 2003, lực lượng chống buôn lậu của Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai đã xử lý gần 140 vụ, phạt hành chính 98 vụ, thu hơn 100 triệu đồng, tịch thu số hàng trị giá trên 760 triệu đồng. Nhưng xem ra hàng lậu sẽ còn dễ dàng tuồn vào Lào Cai khi các bến đò chui vẫn ngang nhiên tồn tại.
Dẹp bỏ những bến đò này không phải là chuyện khó nếu như có sự phối hợp và thực hiện kiên quyết giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương.
(Theo DĐDN)
|