Hàng Việt Nam sang Campuchia:
Nhất cự ly, nhì thương hiệu
14:27' 24/11/2003 (GMT+7)

Campuchia hấp dẫn DN không chỉ do đây là thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm năng, mà còn là cánh cửa đưa hàng đi các nước ASEAN. Nhiều DN mong đứng vững tại thị trường này để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Nhiêu khê đường tiểu ngạch

Hàng thực phẩm chế biến Việt Nam sản xuất được bán ở Phnom Penh.

Hàng Việt Nam vào thị trường Campuchia hiện nay chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch. Thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, nhiều chuyến hàng nợ gối đầu 2-3 chuyến mới trả. Mối quan hệ làm ăn dựa trên sự quen biết, tin tưởng nhau.

Một số DN lý giải: chọn đường tiểu ngạch vì hàng hóa sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu, giá hàng sẽ rẻ hơn đi đường chính ngạch, cạnh tranh được trên thị trường. Tình hình buôn hàng qua Campuchia theo đường tiểu ngạch được xem là khá thuận lợi, nhưng chỉ là những đơn hàng nhỏ.

Mỗi tháng xuất khoảng 3-4 container đồ chơi nhựa theo đường tiểu ngạch, trị giá 7.000 USD, Công ty Nhựa Chợ Lớn (Q.8, TP.HCM) đã có nhiều mặt hàng nhựa được người tiêu dùng Campuchia mua như xe trẻ em chạy điện, xe hình thú, cầu tuột, đu quay, thùng đựng rác... Trước đây những mặt hàng này tại thị trường Campuchia chỉ có của Trung Quốc và Thái Lan chiếm lĩnh. Nhựa Chợ Lớn bán bằng đường tiểu ngạch mới mong cạnh tranh lại hai "chàng khổng lồ"  trên.

Buôn bán theo đường chính thức, đến Phnom Penh giá thành cao hơn đi đường tiểu ngạch đến 20-30%. Giám đốc Võ Văn Đức Tám vẫn mong ước: "Hy vọng sắp tới phía Campuchia có những chính sách tốt hơn cho hàng Việt Nam để có thể xuất qua đường chính ngạch, bán được đơn hàng số lượng lớn hơn".

Cả trăm mặt hàng thực phẩm chế biến của Vissan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã có mặt tại các chợ Campuchia: xúc xích, thịt heo, bò, gà đóng hộp... Tuy nhiên, thuế nhập khẩu Campuchia đánh trên mặt hàng này lên đến 50% nên Vissan cũng chưa thể vào bằng đường chính ngạch. Hình thức mua bán là thương lái Campuchia đến Công ty Vissan mua hàng hoặc Vissan giao hàng tại biên giới.

"Thị trường đã có, nhưng mở đại lý chính thức thì rất khó, phương thức mua bán giữa hai bên còn nhiều gút mắc. Nhưng thị trường mở rộng được hay không cũng còn tùy thuộc thuế nhập khẩu có giảm hay không", ông Võ Văn Em, Giám đốc Vissan, cho biết.

Hiện có rất ít DN xuất khẩu qua Campuchia bằng đường chính ngạch như Công ty Thép miền Nam (Q.1, TP.HCM). Trong 9 tháng đầu năm, công ty này đã xuất sang Campuchia 25.000 tấn thép, trị giá 8 triệu USD.

Lúc đầu Thép miền Nam cũng mua bán trên đường biên giới: xe chở hàng đến cửa khẩu Mộc Bài, cẩu hàng qua xe nhà nhập khẩu Campuchia, thanh toán bằng tiền mặt. Về sau mua bán thép số lượng lớn nên Thép miền Nam chọn đường chính ngạch, thanh toán qua ngân hàng để tránh rủi ro.

Thép được xuất chủ yếu qua cửa khẩu đường thủy ở An Giang, chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ. Thép miền Nam đã cạnh tranh về giá hiệu quả với hàng Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Campuchia. Ngoài Thép miền Nam còn có ba DN sản xuất thép khác là Pomina, Thép Tây Đô, Sunsteel cũng xuất khẩu thép bằng đường chính ngạch sang Campuchia.

Mở thêm cửa

Công ty Dệt Toàn Thịnh mới chỉ bán hàng cho thương lái ngay tại Việt Nam để họ tự đưa hàng vào thị trường Campuchia. Các DN ở TP.HCM và Lâm Đồng như Công ty Khuôn mẫu nhựa Đào Tiên, Công ty Bếp gas Vinh Phát, Công ty Trà Tâm Châu... đều bán cho thương lái Tây Ninh đến mua và vận chuyển bán qua biên giới Campuchia; DN hoàn toàn không biết hàng hóa được phân phối như thế nào.

Các DN này đang nóng lòng muốn tìm hiểu thị trường Campuchia chuộng những mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc gì để sản xuất theo đúng thị hiếu người tiêu dùng. Được sự đồng ý và hỗ trợ của UBND tỉnh Tây Ninh, Công ty Tư vấn đầu tư AF (Q.11, TP.HCM) phối hợp cùng một số công ty ở Tây Ninh và TP.HCM tổ chức khảo sát thị trường, chuẩn bị mở "chợ phiên biên giới" tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát và Mộc Bài.

Ông Trần Hoàng Ngà, Phó giám đốc AF, cho biết: "AF làm nhiệm vụ cầu nối cho chương trình hợp tác làm ăn và xuất hàng sang Campuchia. Chúng tôi sẽ giúp DN tìm hiểu kỹ về nhu cầu sử dụng hàng hóa Việt Nam của người tiêu dùng Campuchia, tìm được đối tác tại thị trường này".

Việc kết hợp những nhóm DN đi tìm hiểu thị trường Campuchia thật sự cần thiết, tạo sức mạnh của nhiều nhóm hàng hóa khác nhau. Tham gia chuyến khảo sát của AF, Công ty Dệt Toàn Thịnh không chỉ muốn chào bán sản phẩm sợi và vải vào Campuchia. "Chúng tôi muốn kết hợp với các làng nghề truyền thống của Kampong Cham để sản xuất những sản phẩm lụa tơ tằm với những hoa văn truyền thống phù hợp phụ nữ Campuchia", Giám đốc Toàn Thịnh cho biết.

Theo đề nghị của ông Chiêng Ôm, Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Cham, DN Việt Nam có thể tính chuyện đầu tư sản xuất những mặt hàng tiêu dùng ngay tại tỉnh biên giới này. Kampong Cham đang có kế hoạch hợp tác cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các tiểu cụm công nghiệp để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Thêm nhiều chính sách tiếp sức

Thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào Campuchia thời gian qua còn nhiều khó khăn. Buôn bán giữa hai nước chủ yếu trao đổi bằng tiền mặt và chỉ dựa trên quan hệ quen biết, không thông qua ngân hàng nên dễ thất thoát và khó thanh toán nợ.

Do không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng nên DN không được hoàn thuế VAT và hưởng các chế độ ưu đãi xuất khẩu. Một số DN cho rằng cần có chính sách hỗ trợ về thuế cho các DN xuất khẩu vào Campuchia.

Mới đây, Chính phủ đã cởi bỏ nút thắt khó khăn này bằng việc cho phép các DN xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang Campuchia thu ngoại tệ mạnh bằng tiền mặt được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0%, được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (với điều kiện DN phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép nộp USD tiền mặt vào tài khoản).

Theo một quan chức ở Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại, bộ này đang xem xét một số cửa khẩu địa phương giữa Việt Nam và Campuchia để công nhận hàng hóa chính ngạch cũng có thể đi qua, nếu địa phương hai bên biên giới thỏa thuận với nhau được và có nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới.

Hiện Bộ Thương mại đang trình Chính phủ thông qua để sớm ban hành quy chế về biên mậu nâng cao hiệu quả của các khu kinh tế cửa khẩu như: gia công chế biến, lắp ráp, đóng gói, tạo thành đầu mối cho xuất nhập khẩu. Quy chế này được ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn rất lớn cho DN xuất hàng sang thị trường Campuchia.

Theo khuyến cáo của Bộ Thương mại, DN cần gấp rút chủ động xây dựng một mạng lưới phân phối xuyên suốt, tận dụng ưu thế cự ly để nhanh chóng cung cấp hàng hóa, đồng thời tạo thế cạnh tranh bằng thương hiệu, chất lượng sản phẩm để giảm áp lực cạnh tranh về giá cả. Thời gian không còn nhiều cho cuộc chạy đua giành thị phần trên đất Campuchia của DN Việt Nam!

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Cơ hội giới thiệu sản phẩm tại Campuchia
Khai thác tiềm năng phát triển vùng biên giới Việt - Lào - Campuchia
An Giang xuất khẩu điện sang Campuchia
Nhiều doanh nghiệp An Giang xông đất thị trường Campuchia
''Hàng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ở Campuchia''
Đưa 126 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia về nước
Ra mắt Tập đoàn phát triển kinh tế Campuchia - Việt Nam
Cơ hội tìm hiểu thị trường Campuchia
Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Campuchia và Lào
Thép Việt xuất sang Campuchia
Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Campuchia
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia tăng vọt
Campuchia: Được và mất khi gia nhập WTO