Bảo hiểm nông nghiệp, rắc rối chuyện bồi thường
13:57' 25/11/2003 (GMT+7)

Rắc rối xảy ra khi bên mua bảo hiểm kê khai thiếu chính xác số lượng cá chết. Phía công ty bảo hiểm cho rằng bên được bảo hiểm không trung thực nên không bồi thường. Hai bên cứ giằng co kéo dài, báo hại người nuôi cá đã lỗ càng thêm lỗ.

Ông Triều đang buồn bã bên bè cá của mình vì bị một vố quá đau.

Rủi ro

Tháng 3/2003, ông Mai Trung Triều (ở phường 5, thị xã Vĩnh Long) có ký hợp đồng với Công ty TNHH Bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam (xin được gọi tắt là Công ty Groupama) để bảo hiểm cho bè cá 58.000 con. Theo hợp đồng, ông Triều trả phí bảo hiểm là 4.896.000 đồng, phía Công ty Groupama bảo hiểm trọn gói cá tra nuôi bè của ông Triều với số tiền là 480.000.000 đồng. Thời gian bảo hiểm từ ngày 9/3/2003 đến 8/11/2003.

Ngày 29/8/2003, cá trong bè phát bệnh, ông Triều lập tức báo ngay với Công ty Groupama. Ngày 12/9/2003, công ty cử giám định viên Nguyễn Quang Dương Nguyên đến kiểm tra. Kết quả cho thấy: cá phát bệnh chết 107 con. Sau đó giám định viên hướng dẫn ông Triều cách điều trị cụ thể.

Đến ngày 27/9/2003, cá vẫn chết ngày càng nhiều. Giám định viên của Công ty Groupama tiếp tục đến giám định để đánh giá thiệt hại. Biên bản giám định ghi rõ: "Lượng cá chết đã quá nhiều nên ngưng điều trị. Số lượng chết đến ngày 27/9 khoảng 28.500 con. Nguyên nhân do môi trường nuôi lúc này không thuận lợi nên khả năng hồi phục của cá rất khó, nếu để càng lâu cá càng chết nhiều nên đề nghị cho bán ngay. Khi bán, chủ ao (bè) thông báo cho công ty biết, gửi lại hóa đơn và địa chỉ người mua để công ty đối chiếu và tính chi phí bồi thường".

Ngày 7/10/2003, ông Triều bán hết cá trong bè trước sự chứng kiến của giám định viên Nguyễn Quang Dương Nguyên. Sau đó, ông cung cấp toàn bộ hóa đơn chứng từ cho Công ty Groupama để tính chi phí bồi thường theo qui định.

Không bồi thường vì...

Luật sư Trần Văn Sỹ (Đoàn Luật sư Vĩnh Long) cho biết chính những quy định (1.5.5 và 1.3.2) trong điều khoản bảo hiểm nông nghiệp ngay từ đầu đã gây bất lợi cho ngư dân. Nếu phía công ty bảo hiểm thiếu cái “tâm” một chút thì bất cứ ngư dân (hoặc nông dân) nào cũng bị “sập bẫy”.

Trong thực tế, trình độ của bà con mình đâu thể lúc nào cũng ghi chép được chính xác đến từng con số. Do đó mọi sai sót đều có thể xảy ra. Chỉ cần một lỗi nhỏ, phía công ty bảo hiểm có thể quy đó là lỗi “mọi khai báo không chính xác do vô ý hay cố ý” là bà con mình “chịu chết” liền.  

Thật bất ngờ, ngày 23/10/2003, Công ty Groupama gửi văn bản thông báo cho ông Triều biết: "Ông không được hưởng bồi thường theo quy định của hợp đồng, vì ông đã khai báo không trung thực về hậu quả của tổn thất".

Theo lý lẽ của Công ty Groupama, ông Triều đã ghi tăng số lượng cá chết (trong ngày 12/92003) từ 309 con lên 793 con. Trong sổ theo dõi cá chết hàng ngày, ông Triều đã ghi "hai lần cho tháng 5" với số lượng hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, số lượng cá thả nuôi là 58.000 con chứ không phải 46.000 con như kê khai.

Theo điều 1.5.5 của "điều khoản bảo hiểm nông nghiệp", “trong trường hợp cố ý khai báo không đúng sự thật về tính chất, nguyên nhân, hoàn cảnh hoặc hậu quả của tổn thất, người được bảo hiểm sẽ không được hưởng tiền bồi thường...".

Không đồng ý với văn bản này, ông Triều đã đến giải thích với công ty và cung cấp thêm tài liệu ghi nhận cá chết, để chứng minh rằng việc ghi chép hai lần trong tháng năm là do "ghi chép nhầm lẫn" chứ không phải "cố ý khai báo không đúng sự thật". Số lượng cá chết lúc đầu ghi là 309 con, sau tăng lên 793 con là đúng sự thật chứ không gian dối.

Về phần chênh lệch 12.000 con khi thả cá, ông Triều cho rằng trong thực tế số cá khi thả nuôi so với số cá khi thu hoạch có sai số vài ngàn là chuyện bình thường, do tỷ lệ hao hụt rất lớn. Không thể lấy số cá chết cộng với số cá khi thu hoạch bằng đúng với số cá thả ban đầu. Mặt khác, nếu muốn gian lận, ông Triều cứ kê luôn số cá chênh lệch 12.000 con để được bồi thường luôn phần này, chứ mắc gì ông kê thiếu làm chi để không được hưởng?

Ngày 30/10/2003, Công ty Groupama tiếp tục trả lời ông Triều. Lần này công ty lại ra lý do là "phát hiện ông Triều đã thả cá vào ngày 21/1/2003" (trước thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm gần hai tháng) nên kết luận: "Ông đã không khai báo đầy đủ tại thời điểm giao kết hợp đồng, các tài liệu ông cung cấp có quá nhiều mâu thuẫn và không trung thực". Groupama viện dẫn điều 1.3.2 của điều lệ bảo hiểm nông nghiệp "mọi khai báo không chính xác do cố ý hay vô ý, mọi khai báo sai sót đều có thể khiến Groupama Việt Nam tuyên bố hợp đồng vô hiệu". Do đó, công ty chỉ hoàn lại cho ông Triều số phí bảo hiểm đã đóng chứ không bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.

Văn bản này đã thật sự làm cho ông Triều bị "sốc". Ông cho rằng không phải ông "không khai báo đầy đủ tại thời điểm giao kết hợp đồng" mà vì phía công ty không yêu cầu điều này trong các mẫu kê khai. Vậy thì làm sao ông biết công ty muốn gì để mà khai? Công ty Groupama đã thiếu thiện chí khi giải quyết vấn đề. Thực tế ông chỉ có một sơ sót duy nhất là "ghi chép hai lần trong tháng 5", nhưng phía công ty đã tìm mọi cách đổ lỗi cho ông từ "cố ý" cho tới "không trung thực".

Cuối cùng, khi ông đã chứng minh được mình không có lỗi thì công ty lại ràng buộc bằng "hợp đồng vô hiệu". Ông tâm sự: "Thú thật, trước khi mua bảo hiểm tôi đã không biết rõ có điều khoản này. Chứ nếu biết nó vô lý như vậy, có lẽ không chỉ riêng tôi mà còn nhiều ngư dân khác đã không thèm mua bảo hiểm nông nghiệp".

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi