Sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký (5/15/2003), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhận định: sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không quốc tế đang khai thác trên đường bay từ Mỹ đến khu vực Bắc Á.
|
Yếu tố thuận lợi nhất đối với việc thiết lập đường bay thẳng Việt - Mỹ là nhu cầu đi lại giữa hai quốc gia rất lớn. |
Hiệp định hàng không Việt - Mỹ được coi là một trong những bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế hai nước tiếp sau Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Theo điều tra thị trường của Vietnam Airlines, yếu tố thuận lợi lớn nhất đối với việc thiết lập đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ là nhu cầu đi lại giữa hai quốc gia rất lớn. Cụ thể năm 2002 đã có tới 280.000 hành khách đi lại giữa hai nước, trong đó Việt kiều chiếm 75%. Với việc khai thác những loại máy bay hiện đại như Boeing 767, 777, Vietnam Airlines chỉ cần đảm bảo chất lượng dịch vụ ngang với các hãng đang khai thác là có thể tạo ra hình ảnh "đi tàu nhà" đối với những người Việt đang xa Tổ quốc. Đây là ý kiến của Việt kiều với các nhân viên của Vietnam Airlines trong các chiến dịch tiếp thị của hãng tại Hoa Kỳ thời gian vừa qua. Cùng với những lợi thế đó trong khoảng thời gian gần đây, với sự nâng cấp các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vietnam Airlines hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc mở rộng hợp tác vận tải hàng không.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, thuận lợi đã được khẳng định như vậy, nhưng "khó khăn cũng không ít". Rất may là ngay từ bây giờ khi mà đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ chưa vận hành, Vietnam Airlines đã tiên liệu và nhận diện được những khó khăn này. Theo ông Minh, mặc dù Vietnam Airlines đã từng thành công tại thị trường khó tính là châu Âu nhưng những điều luật chặt chẽ bảo vệ quyền lợi của khách hàng đang được áp dụng tại Hoa Kỳ là một trong những "cửa ải" mà Vietnam Airlines sẽ phải vượt qua.
Theo đó nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ tiến hành đánh giá, thẩm định tư cách, trình độ của hãng hàng không sẽ tham gia phục vụ hành khách tại Hoa Kỳ để phân loại theo hai cấp độ. Nếu đạt được cấp độ 1, hãng hàng không sẽ được hoạt động đúng theo tinh thần của Hiệp định. Trong trường hợp đạt cấp độ thấp hơn, nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ kiểm tra từng chuyến bay để quyết định cho bay hay không. Đây sẽ là trở ngại lớn khi thâm nhập thị trường này.
Do đã được tham khảo biểu thẩm định, nên với những chuẩn bị kỹ lưỡng ông Minh cho rằng: "Vietnam Airlines sẽ đạt cấp độ cao nhất khi vận hành các chuyến bay thẳng đi Hoa Kỳ".
Khó khăn thứ hai của Vietnam Airlines khi khai thác thị trường này là, trong suốt thời gian qua có tới 50% số hành khách vào Việt Nam đi qua Đài Loan, nên chắc chắn phải cạnh tranh với hãng hàng không Chine Airlines và các liên doanh bay với hãng này. Để có thể tồn tại được trong môi trường đó, cách duy nhất là Vietnam Airlines phải có 7 chuyến bay mỗi tuần và như vậy Vietnam Airline sẽ phải cần một lượng vốn lên đến 120 triệu USD, cùng 3 chiếc máy bay mới. Đây là tính toán hoàn toàn thực tiễn, vì khi Vietnam Airline mở đường bay thẳng đi Frankfurt (Đức), với tần suất bay 3 chuyến/tuần, thời gian bay ngắn hơn những Vietnam Airlines đã phải đầu tư tới gần 60 triệu USD.
Khó khăn là vậy song ông Minh khẳng định rằng, một khi Vietnam Airlines thực hiện Hiệp định, chắc chắn họ sẽ thành công. Một dẫn chứng là Vietnam Airlines đã phải tăng tải khi mở đường bay thẳng từ TP.HCM đi Sydney (Australia) chỉ trong một thời gian ngắn khai thác, số lượng khách của hãng đã tăng gấp đôi so với khi chưa có đường bay thẳng.
Hy vọng vào cuối năm 2005, khi Vietnam Airlines tham gia khai thác thị trường hàng không Hoa Kỳ, với nỗ lực vượt qua chính mình, kết quả thực tế sẽ như những tính toán của họ hôm nay.
(Theo Đầu Tư)
|