Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 11/9
08:35' 11/09/2004 (GMT+7)

1.Thị trường phân bón bất ổn, do đâu?

2.Không cần hội đồng định giá DN cổ phần hóa

3.Ngành thương mại, dịch vụ TPHCM: Thiếu định hướng phát triển

4.Thuế thu nhập cao: Chưa công bằng!

5.Thị trường xe hơi cuối năm tăng nhiệt

Thị trường phân bón bất ổn, do đâu?

Vận chuyển phân bón về ĐBSCL tại bến Tân Qui 1. Trước đây nhộn nhịp, nay chỉ còn lác đác vài tàu (ảnh chụp chiều 10-9) - Ảnh: H.Đ. TT - Sáng 7-9, giá phân urê tại chợ đầu mối phân bón Trần Xuân Soạn được chào bán 3.950-4.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với mức giá cuối tháng tám.

Tại các khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ, các đại lý bán sỉ cũng nâng giá phân urê lên 4.100-4.200đ/kg và khi đến tay người nông dân, giá phân urê có thể bị đẩy lên 4.400-4.500đ/kg. Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, “chúng tôi đâu còn phân bón để bán, hàng đã tiêu thụ hết từ cuối tháng trước rồi...”. Không chỉ hết hàng, nhiều đầu mối nhập khẩu cũng cho biết chưa có kế hoạch ký kết hợp đồng nhập khẩu phân urê.

Ai đẩy giá lên?

“Nếu các doanh nghiệp (DN) vẫn không sớm đàm phán để ký kết hợp đồng nhập khẩu phân bón, chuyện thiếu phân bón sẽ xảy ra...”, ông Nguyễn Hạc Thúy - quyền chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN - lo lắng nói.

Từ đầu tháng 9-2004 đến nay, giá urê trên thị trường thế giới đã tăng 10-15 USD/tấn, hiện giá urê về đến cảng VN đã lên tới 242 USD/tấn; nếu tính cả cước phí vận chuyển về kho và thuế VAT, giá phân urê về đến kho DN đã lên tới 4.100đ/kg. “Chúng tôi không dám nhập urê vì giá quá cao. Nhưng hiện nay Nhà máy đạm Phú Mỹ bán phân urê với giá 3.600đ/kg, làm sao chúng tôi cạnh tranh được...”, giám đốc một DN nhập khẩu phân bón nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hợp Tác - trưởng phòng phân bón và sử dụng đất, Cục Nông nghiệp - nhận định rằng sản lượng của Nhà máy phân đạm Phú Mỹ rất ít, chỉ 200.000 tấn (nhu cầu cần cho vụ đông xuân lên đến 900.000 tấn), nó chỉ góp phần ổn định thị trường trong tình hình khan hiếm phân urê hiện nay chứ chưa giữ vai trò quyết định giá cả thị trường. Nguyên nhân thật sự của việc giá phân tăng nằm ở đâu?

Tại cuộc họp bàn biện pháp ổn định thị trường phân bón diễn ra vào cuối tháng 7-2004, ông Nguyễn Quốc Tuấn - giám đốc Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao - đã từng khẳng định: “Chuyện giá phân bón trên thị trường thế giới tăng tác động đến giá trong nước là có thật, nhưng nguyên nhân chính của hiện tượng giá phân bón trong nước tăng vọt là do chúng ta tự đẩy lên...”.

Thông tin tại buổi họp cũng cho biết hầu hết lượng phân urê được các nhà nhập khẩu bán ra với giá 3.950-4.000đ/kg, tương đương mức giá nhập 230 USD/tấn, được lấy từ nguồn hàng nhập trước đó với giá chỉ vào khoảng 185-190 USD/tấn!

Đạm Phú Mỹ không được bán phân?!

Trở lại những vấn đề mà dư luận gần đây phản ảnh rằng Nhà máy đạm Phú Mỹ “bán phá giá” và Bộ Thương mại không cho phép sản phẩm Nhà máy đạm Phú Mỹ lưu thông trên thị trường, ông Đinh Hữu Lộc - phó giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí (đơn vị quản lý Nhà máy đạm Phú Mỹ) - bức xúc cho rằng đây là những thông tin vô căn cứ: “Chúng tôi định giá bán sản phẩm căn cứ trên tính toán giá thành, có lãi chúng tôi mới bán”. Trao đổi với chúng tôi, TS Phùng Hà - vụ phó Vụ Cơ khí, luyện kim và hóa chất, Bộ Công nghiệp - cho biết trong cuộc họp vào ngày 6-9 bộ này đã chỉ đạo cho Nhà máy đạm Phú Mỹ tiếp tục bán sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên phải tổ chức hệ thống tiêu thụ sao cho sản phẩm được bán trực tiếp cho người nông dân, hạn chế tình trạng nâng giá của khâu trung gian, đồng thời phải ổn định sản lượng sản xuất 2.200 tấn sản phẩm/ngày.

(Theo Tuổi Trẻ)

Về đầu trang 

Không cần hội đồng định giá DN cổ phần hóa

Ngày 9-9 tại cuộc hội thảo về định giá và quản trị doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa, ông Lê Hoàng Hải, Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp- Cục Tài chính DN- Bộ Tài chính, cho biết: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án sửa đổi bổ sung cơ chế xác định giá trị DN cho phù hợp với những yêu cầu mới.

Theo đó, sẽ bỏ việc xác định giá trị DN cổ phần hóa thông qua hội đồng. Cơ quan quyết định cổ phần hóa lựa chọn tổ chức có chức năng định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố để ký hợp đồng xác định giá trị DN cổ phần hóa, không phải đấu thầu lựa chọn như trước đây. Đối với DN có giá trị tài sản theo sổ sách kế toán dưới 20 tỉ đồng (chiếm khoảng 50%) thì không nhất thiết phải thuê định giá. Việc tổ chức xác định giá trị các tổng công ty cổ phần vẫn sẽ do các bộ, UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm nhưng việc thẩm tra và ra quyết định công bố giá trị tổng công ty để cổ phần hóa sẽ do Bộ Tài chính thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng...

(Theo NLĐ)

Về đầu trang 

Ngành thương mại, dịch vụ TPHCM: Thiếu định hướng phát triển

Trong một thời gian rất ngắn, ngành thương mại TP có sự chuyển biến khá mạnh, nhiều hình thức kinh doanh mới đã hình thành. Nhưng xét về mặt chuyên môn thì sự phát triển này mới chỉ dừng ở mức tự phát.

Thêm nhiều địa điểm mua sắm mới

Chỉ trong 10 năm, TP đã có tới 65 siêu thị và trung tâm thương mại lớn, nhỏ hoạt động khá hiệu quả. Điều này cho thấy hình thức kinh doanh văn minh hiện đại đã chiếm ưu thế so với hệ thống các chợ truyền thống.

Những tháng cuối năm 2003 và đầu năm 2004, ngành thương mại tiếp tục chuyển biến mạnh. Một số khu kinh doanh tập trung đã bắt đầu hình thành như khu chuyên doanh quần áo có Zen Plaza; Trung tâm giày Việt đường Lý Chính Thắng.

Gần 10 siêu thị, cửa hàng tự chọn bán hàng đồng giá đã ra đời chưa kể hệ thống siêu thị điện thoại di động và điện máy. Nhiều con đường đã gắn với tên của từng ngành hàng như Nguyễn Đình Chiểu chuyên bán giày dép và đồ cưới hỏi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa chuyên bán gốm sứ và hàng mây tre đan, máy tính và linh kiện máy tính tập trung chủ yếu ở khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thị Minh Khai…

Trưởng phòng Kinh tế ở một quận nhìn nhận, trong một thời gian rất ngắn, ngành thương mại – dịch vụ của TP đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Tuy vậy, nếu xét về bản chất thì sự phát triển này mới chỉ ở góc độ tự phát, còn manh mún, thiếu một bàn tay quản lý chuyên nghiệp.

Quản lý chưa theo kịp sự phát triển?

Nhược điểm này thể hiện rõ nhất qua mạng lưới các chợ, một mảng tối trong văn minh thương mại của TPHCM. Mặc dù TP đã chỉ đạo rất kiên quyết, các quận huyện cũng rất nỗ lực trong việc giải tỏa chợ tự phát, nhưng số chợ này vẫn tồn tại song song với các chợ đã được công nhận.

Phố ăn Chợ Lớn khi mới khai trương đã thu hút rất nhiều thực khách nhưng sau đó vắng khách rất nhanh vì chất lượng món ăn, giá cả, chỗ ngồi... không ổn định. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đây là hệ quả tất yếu của việc thả lỏng công tác quản lý, thiếu một chiến lược phát triển thương mại. Năm 2002, TP mới hoàn thành đề án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn (nhưng đến thời điểm này, hầu như đề án này vẫn chưa đi vào cuộc sống).

Cần phải nói, ngoài những khiếm khuyết của chợ tự phát, thì sự ra đời của nó đều xuất phát từ nhu cầu có thực của người dân.

Chính nó đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc lưu chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân đang từ 2,5 triệu người (năm 1975) lên đến hơn 5 triệu người hiện nay theo con số thống kê chính thức, nhưng thực tế có thể lên đến trên 7 triệu người.

Sự quản lý yếu kém còn thể hiện qua thực tế có tới 70% số chợ được công nhận của TP đã bị xuống cấp, chợ bỏ không, nhưng các sở, ngành vẫn chưa tìm được cách khắc phục.

Gần đây, hiện tượng các phố mua sắm, phố ẩm thực (gọi chung là chợ đêm) được hình thành hàng loạt, trên nhiều địa bàn khác nhau, tạo cho người dân có thêm cơ hội kinh doanh, ngành du lịch có thêm sản phẩm du lịch mới.

Nhưng vì nhiều nguyên nhân như thả nổi giá bán, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, bán hàng bát nháo, chung quy lại là thiếu định hướng phát triển đã khiến cho các chợ này bị... chết yểu hoặc lâm vào tình trạng kẻ bán đông hơn người mua.

Một nhược điểm khác trong công tác quản lý thương mại đó là sự phát triển hệ thống các chợ, siêu thị thiếu tính hài hòa ngay trong các quận nội thành. Quận Bình Thạnh là một ví dụ. Đây là một trong những quận có diện tích lớn nhất TP, mật độ dân cư dày đặc, nhưng mới có duy nhất một siêu thị ở đường Đinh Tiên Hoàng.

Vào ngày cuối tuần, lượng khách đến mua hàng thường bị quá tải, phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt tính tiền.

Quận cũng chỉ có một chợ đạt tiêu chuẩn cấp TP là chợ Bà Chiểu. Tiếc thay, cả 2 địa điểm mua sắm này đều nằm giáp ranh với quận 1 và Phú Nhuận. Năm 1994, chợ Văn Thánh được xây dựng với kinh phí gần 200 tỷ đồng, nhưng lại không phát huy được công năng. Toàn bộ mặt tiền ngôi chợ này đã được trưng dụng làm nơi quảng cáo cho sản phẩm sữa “Cô gái Hà Lan”.

Trái ngược với Bình Thạnh, đến tháng 11-2004 tới, quận 5 sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại An Đông 2, khách hàng có thêm một địa điểm mua sắm mới, còn những hộ kinh doanh ở chợ An Đông thì tiếp tục phàn nàn vì quận đã có quá nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, khiến thị phần của họ tiếp tục bị chia nhỏ...

Lý giải cho những vấn đề bất cập nêu trên, một cán bộ trong ngành thương mại cho biết: Sở dĩ TP chậm ban hành đề án quy hoạch phát triển ngành thương mại là vì chờ Bộ Thương mại hướng dẫn.

Cán bộ của một phòng kinh tế cấp quận thì lại bảo, từ trước đến nay TP không chú ý đến mảng thương mại nội địa, chỉ chăm chú việc tìm đường xuất khẩu, rồi thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đến khi đối tác nước ngoài “nhảy” vào tổ chức hệ thống bán buôn ngon lành mới vỡ lẽ, hệ thống phân phối của chúng ta còn rất manh mún, phải làm lại từ đầu!...

Cần phải làm gì và bao giờ TPHCM mới có những địa điểm mua sắm xứng tầm của cả nước và trong khu vực? Câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan chức năng của TP.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Thuế thu nhập cao: Chưa công bằng!

Qua những quy định về sắc thuế thu nhập cá nhân, ngành thuế muốn “nắm đằng chuôi”, khấu trừ trước thuế thu nhập cá nhân cho... chắc, vì không tìm ra được phương pháp thu nào hợp lý, hiệu quả hơn. Kiểu “tận thu” này khiến rất nhiều người có thu nhập thấp bị thiệt thòi. Nếu muốn lấy lại tiền hoàn thuế bị “thu oan” trước đó, cũng khó hơn lên trời!

Dầu khí là một ngành có người đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều nhất hiện nay ở VN

Hơn 500 đại diện các cơ quan, doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã tham dự buổi tập huấn và giải đáp thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Tổng cục Thuế tổ chức vào sáng 10-9. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2004, sau hơn 2 tháng “áp” vào thực tế, những quy định về sắc thuế này đã bộc lộ không ít kẽ hở và còn nhiều bất hợp lý, làm “khổ” cả cơ quan thuế lẫn cá nhân chịu thuế.

“Bít” hoài nhưng không hết “hở”.- Kẽ hở được cho là “lộ liễu” nhất mà những văn bản pháp quy về thuế TNCN chưa “bít” được, đó là quy định “tạm thời chưa thu thuế TNCN đối với các khoản thu nhập về lãi tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi tiền cho vay vốn, lãi mua tín phiếu, cổ phiếu...”. Ngay bà Đỗ Thị Thìn, Trưởng Ban Thuế TNCN – Tổng cục Thuế, cũng thừa nhận: “Tạm chưa thu thuế các khoản khác thì được, riêng tiền lãi cho vay vốn nay vẫn chưa nằm trong diện chịu thuế, xem như đó là một lỗ hổng”. Theo bà Thìn, thực tế hiện nay, có rất nhiều DN đang cho vay lấy lãi. Đó chính là một hoạt động kinh doanh tài chính, có khoản lãi hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng vẫn nằm ngoài diện chịu thuế.

Thêm một kẽ hở nữa mà những văn bản quy định về sắc thuế này dù sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn thiện được, đó là “thực hiện khấu trừ thuế 10% trên tổng thu nhập đối với các khoản chi trả cho cá nhân có thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên mà khoản thu nhập này có được từ các hoạt động đại lý hưởng hoa hồng, môi giới (kể cả tiền thưởng); tiền nhuận bút, tiền giảng dạy; tiền bản quyền sáng chế, dịch vụ tư vấn, hoạt động biểu diễn, hoạt động thể dục thể thao...”. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động: “Trong trường hợp đơn vị chi trả “câu kết” với người được chi trả để chia nhỏ số thu nhập, bằng cách lập nhiều chứng từ sao cho mỗi lần chi không quá 500.000 đồng để lách thuế, cơ quan thuế đối phó thế nào?”, bà Đỗ Thị Thìn cho rằng đây là vấn đề “cũng khá nan giải”. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế phần lớn là “chịu thua” trong trường hợp này, chỉ biết yêu cầu đơn vị chi trả có trách nhiệm tự giác thu thuế TNCN. Nếu bị phát hiện, sẽ bị phạt vì hành vi khai man, trốn thuế. Nhưng, nhiều cán bộ thuế nhìn nhận một cách công bằng rằng, nếu các đơn vị chi trả đồng loạt “chơi” kiểu đó thì cơ quan thuế bó tay vì “hơi đâu mà kiểm tra cho hết”!

Chỉ nắm được “người có tóc”.- Trong lúc rất nhiều lao động có thu nhập thấp VN phải nai lưng chịu đánh thuế thu nhập... cao theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” (thu trước cho chắc, cuối năm tính lại, thấy “không thuộc diện chịu thuế” thì trả), vẫn còn hàng trăm lao động nước ngoài tại VN vẫn ung dung né thuế TNCN (mức khởi điểm chịu thuế TNCN của lao động nước ngoài là trên 8 triệu đồng/tháng). Theo số liệu từ Cục Thuế TPHCM, tại TP hiện có hơn 9.500 lao động nước ngoài thuộc diện nộp thuế TNCN, chiếm hơn 66% tổng nguồn thuế TNCN thu được hằng năm. Tuy nhiên, con số này lẽ ra phải lớn hơn nhiều, nhưng do ngành thuế địa phương bị “qua mặt” vì rất nhiều lao động nước ngoài sử dụng một số thủ thuật gian lận thuế, như là: Khai man thu nhập phát sinh tại VN rất thấp (có người khai không có thu nhập); thông đồng với công ty “mẹ” tại nước ngoài để nhờ xác nhận giúp mức thu nhập thấp so với thực tế; không lĩnh lương tại VN mà lĩnh lương tại công ty “mẹ”... Gần đây, Cục Thuế TPHCM dù mới kiểm tra “sơ sơ” 44 văn phòng đại diện của Đài Loan cũng đã thu thêm gần 1,5 tỉ đồng tiền thuế TNCN bị “trốn”.

Theo quy định hiện hành, những lao động nước ngoài có thời gian cư trú tại VN từ 182 ngày trở lên, được xem là đối tượng cư trú tại VN, mới chịu thuế TNCN. Như vậy “đối với những lao động nước ngoài dưới danh nghĩa chuyên gia, giám sát, cố vấn kỹ thuật sang VN vài ba ngày, nhưng có mức thù lao hàng ngàn USD, như vậy thì cách thu thuế TNCN đối với những cá nhân này ra sao?”. Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên viên thuế Cục Thuế TPHCM thừa nhận: “Không thể nắm hết được!”. Ngay cả quy định trong Thông tư 81/BTC ngày 13-8: “Cá nhân có trách nhiệm lập bảng kê số ngày cư trú tại VN...” cũng không rõ ràng và thiếu hẳn tính hiệu quả. Cơ sở nào đánh giá sự tự giác của lao động nước ngoài trong việc “tự” khai thời gian cư trú? Ai theo dõi, quản lý số ngày cư trú tại VN của họ? Những câu hỏi này vẫn còn bị bỏ ngỏ...

“Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành” là ai?.- Lao động trong nước có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng đã phải chịu thuế TNCN (khấu trừ 10%). Nhưng, những đối tượng có thu nhập kếch sù như ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh... chỉ bị buộc nộp thuế trên lý thuyết (25%), còn trên thực tế chỉ là con số 0. Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng Thuế TNCN – Cục Thuế TPHCM, ngành thuế TP “chưa thu được đồng nào những ngôi sao ca nhạc, ngôi sao sân khấu”. Nguyên nhân chính là thiếu những quy định chặt chẽ, đồng thời do “cánh tay” của ngành thuế vươn chưa tới. Cũng theo ông Sơn, Phòng Chức năng của Cục Thuế TPHCM đã từng gửi công văn cho hàng chục ca sĩ, diễn viên... đang hoạt động nghề nghiệp tại TP, yêu cầu đến Cục Thuế để làm việc về nghĩa vụ thuế TNCN, nhưng chẳng ai tới. Như ca sĩ ngôi sao M.T chẳng hạn, theo ông Sơn, chỉ có hòm thư liên lạc, không có địa chỉ. Ngành thuế đã gửi văn bản yêu cầu mà ca sĩ này không phản hồi thì “chẳng biết phải làm thế nào”!

Chưa hết, về những đối tượng trên, ngay trong quy định của Thông tư 81/BTC ngày 13-8 cũng còn những điểm chưa rõ ràng: “Riêng đối với ca sĩ như diễn viên thanh nhạc biểu diễn các loại hình nghệ thuật ca-nhạc kịch, cải lương, tuồng, chèo, dân ca; nghệ sĩ xiếc, múa, cầu thủ bóng đá; vận động viên chuyên nghiệp có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, được trừ 25% thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế”. Rõ ràng, cụm từ “cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành” là rất mơ hồ. Bà Đỗ Thị Thìn cũng trả lời rất chung chung khi được yêu cầu giải thích rõ cụm từ này: “Đã có quy định của Bộ VHTT rồi (?!)”. Cục Thuế TPHCM cho biết hiện nay, các đối tượng nộp thuế nêu trên chưa ai có giấy xác nhận của “cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành”, nên không thu thuế được! Vì vậy, một khi Tổng cục Thuế chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đề nghị cấp giấy xác nhận và quy định rõ “cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành” là những đơn vị nào, thì hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên có thu nhập hằng tháng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, còn ung dung “bỏ qua” tiền thuế của Nhà nước!

Hoàn thuế: Vẫn còn gian nan!

Theo cách làm hiện hành, cá nhân bị tạm khấu trừ thuế TNCN sẽ được cấp một mã số thuế TNCN và số tiền bị tạm khấu trừ sẽ được đưa vào tài khoản tạm thu của người đó tại cơ quan thuế. Chậm nhất là ngày 28-2 năm sau, cá nhân có tổng thu nhập của năm trước không quá 60 triệu đồng/năm, muốn được hoàn thuế thì phải nộp đầy đủ cho cơ quan thuế... 6 loại giấy tờ. Đó là: Đơn đề nghị thoái trả theo mẫu số 15/TNCN của Tổng cục Thuế; chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (bản photocopy); tờ khai quyết toán thuế; chứng từ khấu trừ thuế thu nhập, biên lai thuế thu nhập (bản chính); chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc, như: quyết định nghỉ hưu, quyết định thôi việc, biên bản thanh lý hợp đồng, bảng kê xác định ngày cư trú...; giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thoái trả tiền thuế. Theo đại diện Tổng cục Thuế, thu như vậy đã được... giản đơn rất nhiều so với trước đây (?!). Nhưng theo cảm nhận của nhiều người, lấy lại số tiền hoàn thuế TNCN từ cơ quan thuế thật không dễ chút nào. Chuẩn bị chu tất 6 loại giấy tờ trên đã là khá rườm rà, chưa nói đến những phiền toái, nhiêu khê khi chạy tới chạy lui, xếp hàng rồng rắn tại “cửa quan” để xin được hoàn thuế, bởi số người trong diện chịu thuế TNCN hiện nay đâu phải là ít. Riêng ở TPHCM đã gần 90.000 người.

Ngay cả cơ quan thuế cũng gặp khó. Cụ thể là, theo quy định: Các khoản tạm khấu trừ 10% trên thu nhập chi trả từ 500.000 đồng/lần trở lên được nộp vào tài khoản tạm thu của cơ quan thuế. Nhưng, tài khoản này là tài khoản nào?

 

(Theo NLĐ)

Về đầu trang 

Thị trường xe hơi cuối năm tăng nhiệt

Cuối năm 2003, cơn sốt xe hơi diễn ra trong bối cảnh thuế nhập khẩu linh kiện và thuế tiêu thụ đặc biệt đều tăng. Năm nay cũng vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ nâng từ 24% lên 40%. Chính vì vậy mà ngay từ cuối tháng 8, đã có tình trạng khan hiếm xe trên thị trường.

“Mua xe Camry 2.4 bây giờ phải đợi tới tháng 12/2004 hoặc tháng 1/2005 mới có xe”, một nhân viên bán hàng của Toyota Hùng Vương ở Tp.HCM trả lời. Giá xe giao trong tháng 12/2004 là 46.000 USD nhưng qua tháng 1/2005 giá có thể khác, nhân viên này nói.

Nóng vì thuế

Tình trạng khan hiếm xe vào đầu tháng 9/2004 này chỉ có ở Toyota, trong khi các thành viên trong 11 liên doanh lắp ráp xe hơi tại Việt Nam đều bình thường. Có ý kiến cho rằng đây là một “kỹ xảo” kinh doanh nhằm tăng sức mua.

Tuy nhiên, ông Lâm Chí Quang, Phó tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính là do nhu cầu mua xe tăng đột biến của khách hàng trong những tháng cuối năm và tâm lý mua xe trước khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 40% vào đầu năm 2005. Ðể đáp ứng nhu cầu khách hàng, Toyota Việt Nam đã phải tăng công suất lên 35 xe/ngày, so với 24 xe/ngày như trước.

Hiện tượng này khiến các liên doanh lắp ráp xe hơi đưa ra dự báo thị trường xe hơi những tháng cuối năm sẽ sôi động hơn. Ông Nguyễn Văn Quý, phó giám đốc Vidamco khẳng định, thị trường xe hơi sẽ tiếp tục nóng vì thuế. Thông thường, trong những tháng cuối năm, lượng xe tiêu thụ tăng 20-30% so với những tháng trước. Tuy nóng, nhưng số xe tiêu thụ năm nay chắc chắn không bằng năm ngoái. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe tiêu thụ trong năm 2004 ở mức 32.000 xe, giảm 26% so với 2003.

Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ở mức 40%

Tại hội thảo bàn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam diễn ra tại Tp.HCM ngày 3/9, đại diện 11 liên doanh lắp ráp xe hơi Việt Nam lo ngại tình hình tiêu thụ xe sẽ xấu đi trong những năm tới khi thuế tăng. Ông Nguyễn Văn Quý, phó giám đốc Vidamco cho biết, thông thường thuế cứ tăng lên 1 lần thì thị trường giảm 2 lần. Nghĩa là khi thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng 16% vào năm 2005, số xe bán ra sẽ giảm 32%.

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành xe hơi, Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi số xe bình quân đầu người ở mức 142 người/xe, ở mức thấp so với Malaysia là 4-5 người/xe và Thái Lan là 10 người/xe. Nếu tiếp tục tăng thuế, số người có khả năng mua xe sẽ giảm. Ngoài ra, việc tiêu thụ xe trong khối hành chính sự nghiệp cũng bị giới hạn bởi quy định hạn mức chi tiêu mua xe.

Ông Quách Ðức Pháp, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đã có lộ trình rõ ràng. Từ năm 1999, thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhập khẩu xe nguyên chiếc là 100%, trong khi xe lắp ráp chỉ là 5%. Lộ trình chấm dứt ưu đãi đã được thông báo trước là đến năm 2003 sẽ kết thúc bảo hộ.

Tuy nhiên, theo ông Pháp, nếu chấm dứt ngay bảo hộ sẽ gây sốc nên áp dụng mức giảm dần ưu đãi. Nghĩa là năm 2003, mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ nâng lên 24%, mỗi năm kế tiếp sẽ ở mức 40%,50% và 70%, chấm dứt ưu đãi vào năm 2007.

Ông Pháp cho biết sẽ chuyển kiến nghị xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt lên Chính phủ. Theo ông, có thể chưa áp dụng ngay mức thuế 40% trong năm tới để “nuôi dưỡng” công nghiệp xe hơi. Hiện nay, khi các liên doanh chỉ hoạt động 30% công suất, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 80% thì không cạnh tranh nổi, ông Pháp thừa nhận.

Tìm hướng mới

Trong 6 tháng đầu năm, các liên doanh lắp ráp xe hơi tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để “khuấy động” thị trường như tung ra các mẫu xe mới, khuyến mãi bằng cách hỗ trợ phí trước bạ.

Bên cạnh đó, có hãng như Toyota bắt tay thực hiện việc xuất khẩu phụ tùng, từ tháng 7 đến nay, Toyota đã xuất được 12 container phụ tùng, trị giá 1,3 triệu USD.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lắp ráp xe tải có nhiều thuận lợi hơn với việc cấm nhập xe tải đã qua sử dụng. Doanh số của các công ty như Hino, Suzuki, Daihatsu đạt mức tăng trưởng từ 15 - 20% trong nửa năm đầu trong khi các đơn vị khác đều có doanh số giảm.

(Theo SGTT)

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi