1.Gửi VND vẫn lợi nhất
2.Chuyển hóa bất động sản thành tài sản tài chính còn rất yếu
3.TP Hồ Chí Minh: Khởi động thị trường lịch Ất Dậu
4.Kinh tế châu Á trước sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu
5.Khi thứ trưởng phải đi đòi nợ...
6.Gas đã ở mức kỷ lục: 12.500đ/kg
Gửi VND vẫn lợi nhất
Đó là nhận định của Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM qua phân tích diễn biến lãi suất, tình hình tiền gửi tại các NH thương mại trên địa bàn TP.HCM.
Lãi suất VND trong ba tháng qua giảm nhẹ; trong khi lãi suất USD lại nhích lên; nhưng tốc độ tăng trưởng vốn huy động hằng tháng bằng VND luôn cao hơn 2,5-4 lần so với tốc độ tăng tiền gửi USD. Chênh lệch lãi suất giữa VND với USD ở mức 4-4,4%/năm đủ để VND tiếp tục hấp dẫn người gửi tiền.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Chuyển hóa bất động sản thành tài sản tài chính còn rất yếu
|
Hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Viện phó Viện Khoa học tài chính (Bộ Tài chính) Đỗ Đức Minh đã đưa ra nhận định này tại buổi thuyết trình trước các DN về chủ đề “Thị trường bất động sản: một kênh huy động vốn” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Một trong những lý do cơ bản, theo ông Minh, xuất phát từ việc qui định về thế chấp hiện vẫn bắt buộc người vay vốn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi tiến độ cấp giấy chứng nhận này hiện vẫn rất chậm. Nếu khắc phục được hạn chế cơ bản này cùng với việc tiếp tục phát triển hệ thống thông tin về bất động sản, các tổ chức tư vấn, môi giới, định giá..., ông Minh khẳng định: nguồn vốn huy động cho hoạt động sản xuất thông qua thị trường bất động sản sẽ tăng đáng kể, không hề thua kém những gì đã đạt được thông qua việc góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất (trên 3 tỉ USD, tương đương 50.000 tỉ đồng).
Ngoài những hạn chế này, theo cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Xa, để thị trường bất động sản thật sự phát triển còn cần phải tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
“Những qui định cho DN nhà nước được ưu đãi hơn DN ngoài quốc doanh về giao đất, giá đất, hỗ trợ vốn đã dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản” - ông Xa nhận xét.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
TP Hồ Chí Minh: Khởi động thị trường lịch Ất Dậu
|
Chọn mua lịch tại nhà sách. |
Hơn một tuần qua, tại chợ Bình Tây (Q.6), nhiều tiểu thương ở các tỉnh đã bắt đầu đóng hàng lịch Ất Dậu 2005; một số nhà sách, cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo... cũng đã bày bán đủ loại lịch Ất Dậu 2005.
Lịch tờ Ất Dậu tập trung vào các chủ đề: nhà đẹp, diễn viên điện ảnh, cây kiểng (nhất là các loại bonsai). Lịch blốc chủ yếu được làm từ chất liệu giấy cứng và sơn mài với những hình ảnh chủ đạo là Thần Tài phát lộc, Phước-Lộc-Thọ, thư pháp... Giá lịch năm nay tăng từ 5 - 7% so với năm ngoái. Giá bán một số loại lịch tờ thông dụng hiện nay: lịch cuốn: 12.000đ/cuốn (5 tờ, loại nẹp thiếc); 16.000đ/cuốn (7 tờ, loại nẹp thiếc); 17.500đ - 21.000đ/cuốn (lịch tờ giấy cao cấp, nẹp lò xo). Giá một số loại lịch blốc: 4.500đ/blốc (10,5cm x 15cm); 10.000đ/blốc (loại khổ trung, in đen trắng trên giấy thường) và 22.500đ/blốc (in màu trên giấy tốt); 45.000đ/blốc (khổ đại, giấy tốt)...
(Theo Thanh Niên)
Về đầu trang
Kinh tế châu Á trước sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu
|
Hiện nay, xuất khẩu của châu Á có thể được coi là “hàn thử biểu” đối với nền kinh tế thế giới. |
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nền kinh tế châu Á đã đột ngột tăng trưởng chậm lại. Đây là dấu hiệu cho thấy giá dầu mỏ tăng cao đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Còn nhớ, mới vài tháng trước, hoạt động xuất khẩu của khu vực này còn được đánh giá là sôi động nhất trong những năm gần đây.
Mặc dù hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của khu vực này, từ linh kiện ô tô đến điện thoại di động, vẫn tăng trưởng, song tốc độ đã giảm mạnh. Các nhà phân tích cho rằng, đó là bằng chứng cho thấy, các nền kinh tế châu Á đã vượt qua đỉnh điểm tăng trưởng trong giai đoạn có thể dự báo được, đồng thời, một số chuyên gia đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực này trong năm 2005. Hoạt động xuất khẩu của châu Á được coi là một chỉ số ngày càng quan trọng hơn đối với “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới. Trong những năm gần đây, rất nhiều công ty trên khắp thế giới đã chuyển cơ sở sản xuất tới châu Á để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, nên khu vực này đóng vai trò là một nhà cung cấp chiếm ưu thế đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng. Chính vì lẽ đó, việc xuất khẩu của châu Á chậm lại sẽ là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn.
Theo số liệu của Hãng tư vấn Goldman Sachs, diễn biến này diễn ra trên khắp khu vực, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Đông Nam Á. Tại Hàn Quốc, nếu như xuất khẩu trong quý I năm nay đạt tốc độ tăng trưởng hơn 60%, thì trong quý vừa qua, chỉ tiêu này chỉ đạt 3,1%. Tương tự, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Đài Loan đã giảm còn 11,6% trong tháng 9 so với mức 46% trong tháng 2 năm nay. Theo tính toán của Công ty Global Insight, xuất khẩu của các nước châu Á (không kể Trung Quốc và Nhật Bản) hiện chỉ tăng khoảng 1 tỷ USD/tháng so với mức tăng 5 tỷ USD/tháng đầu năm nay.
Trong những năm gần đây, chính phủ nhiều nước châu Á đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của mình nhằm tránh bị xáo trộn khi có những biến động ở bên ngoài. Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các nước còn nỗ lực đẩy mạnh chi tiêu của người dân để kích thích nhu cầu trong nước đối với hàng nội địa. Tuy nhiên, theo một số tính toán, mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á vẫn có xu hướng tiếp tục tăng cao. Tại Trung Quốc, xuất khẩu hiện chiếm 41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 21% năm 1996. Tại Thái Lan, xuất khẩu hiện chiếm 66% GDP, so với mức 39% năm 1996. Tỷ trọng của xuất khẩu trong GDP của Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc cũng đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
Nhiều nhà kinh tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á, chủ yếu vì lo ngại nhu cầu ở bên ngoài khu vực này giảm. “Sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu đang thật sự là “gót Asin” đối với các nền kinh tế châu Á”, nhà kinh tế Sung Won Sohn thuộc Hãng Wells Fargo cảnh báo.
(Theo Đầu Tư)
Về đầu trang
Khi thứ trưởng phải đi đòi nợ...
Đó là chuyện thật như đùa của ông Phạm Thế Minh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tuần qua, bộ đã cử ông trực tiếp đi đòi nợ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Chỉ kể số nợ tồn đọng tính đến hết năm 2003 mà các chủ đầu tư hiện đang nợ các doanh nghiệp (DN) trong bộ này đã lên đến 6.223 tỉ đồng.
Các DN này cũng đã trở thành những con nợ lớn của ngân hàng thương mại nên họ khó được vay vốn để tiếp tục hoạt động. Điều đó dẫn đến hậu quả nhiều dự án giao thông bị ngưng, kinh tế xã hội chậm phát triển...
Dư luận đặt câu hỏi: Thực tế, trước khi thực hiện xây dựng các công trình hai bên đã ký hợp đồng, với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Thế nhưng tại sao khi công trình đã xong chủ đầu tư không muốn thanh toán tiền cho đơn vị thi công? Phải chăng do chất lượng công trình thi công kém chất lượng hay chủ đầu tư muốn làm khó để vòi vĩnh tiền bạc của bên thi công? Được biết, từ trước tới nay thủ tục thanh toán tiền xây dựng các công trình có vốn từ ngân sách thường rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian và chi phí. Các nhà thầu muốn đòi được nợ sớm thường phải chi hoa hồng đậm cho người đại diện chủ đầu tư, cho những công chức thực hiện xét duyệt chi tiền... Tiền hối lộ này được nhà thầu bù đắp từ những khoản ăn bớt vật tư, thi công gian dối, dẫn đến hậu quả công trình kém chất lượng, mau hư hỏng. Thậm chí có những công trình mới làm xong đã phải đập bỏ để làm lại...
Mặt khác, hợp đồng thi công giữa các chủ đầu tư và các nhà thầu đã có pháp luật bảo đảm. Trong quá trình thực hiện ai làm sai thì phải chịu sự tuyên phạt của tòa án, cớ chi Bộ Giao thông Vận tải phải cử thứ trưởng phải đi đòi nợ?
Việt Nam đang chuẩn bị tham gia cuộc chơi toàn cầu. Điều đó có nghĩa là các luật lệ về thanh toán tiền xây dựng cơ bản cũng phải tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu để mãi tình trạng “phép vua thua lệ làng” như vậy thì bao giờ Việt Nam mới có nền hành chính minh bạch, nền pháp luật nghiêm minh?
(Theo Người Lao Động)
Về đầu trang
Gas đã ở mức kỷ lục: 12.500đ/kg
Do ảnh hưởng biến động giá xăng dầu, giá gas thế giới tháng 11 tiếp tục tăng thêm 67,5 USD/tấn, giá bán gas nội địa công bố tại nhà máy Dinh Cố cũng tăng thêm 78USD/tấn (đã bao gồm thuế) so tháng 10.2004.
Các công ty gas trong nước cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán lẻ, mức tăng bình quân 1.250 đ/kg, tức tăng thêm 15.000đ/bình 12kg.
Liên tục 5 năm qua, chưa bao giờ giá gas trong nước ở mức cao như hiện nay, giá gas tháng 11 các công ty bán ra hiện dao động ở mức 12.000đ –12.500đ/kg, mỗi bình gas 12 kg lên đến 140.000đ-150.000đ/bình.
Công ty Gia Đình gas cho biết sẽ điều chỉnh giá mới từ ngày 1.11.2004, Saigon Petro, Petro Vietnam gas, Petrolimex… từ ngày 2.11.2004.
(Theo Lao Động)
Về đầu trang |