1.Hướng tới mô hình thuế điện tử
2.Giá thép và phân bón đều giảm
3.Vốn đầu tư nước ngoài đang trở lại VN
4.Thiệp nội đang chiếm ưu thế
5.Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
6.TP.HCM: thành lập Hiệp hội Du lịch
7.Cải thiện môi trường đầu tư: còn nhiều việc lắm!
8.Cải cách tư pháp : - Tác động vào kinh doanh
Hướng tới mô hình thuế điện tử
Thuế là một ngành quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào bởi cơ quan này là nơi thực hiện việc thu nguồn ngân sách cho đất nước. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện đại hóa, thuế sẽ là một trong những ngành cần phải ưu tiên để xây dựng mô hình thuế điện tử, hướng tới tích hợp vào mô hình Chính phủ điện tử chung của đất nước.
Là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, ngoài cơ quan Tổng cục Thuế, ngành thuế hiện nay có các cục thuế tại 64 tỉnh, thành phố và các chi cục tại 656 quận, huyện trong cả nước. Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành đã được trang bị hệ thống máy chủ tại từng cấp cùng với hạ tầng truyền thông của ngành tài chính.
Trong xu hướng tiến tới Chính phủ điện tử, việc xây dựng một hệ thống thuế điện tử được xem là một việc vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đó sẽ là một hệ thống thông tin về thuế phục vụ nội bộ và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài ngành thuế. Các dịch vụ điện tử thuế sẽ bao gồm: cung cấp thông tin tham khảo, đối thoại hỏi đáp trực tiếp, đăng ký thuế, nộp tờ khai và kê khai, nộp thuế. Với tầm quan trọng trên, để hướng tới mô hình Chính phủ điện tử, thuế điện tử sẽ phải trở thành một thành phần trong Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình Chính phủ điện tử ở Việt Nam lại đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Các cơ quan Nhà nước mạnh ai nấy xây dựng các website theo nhu cầu của mình mà chưa có sự kết nối cũng như chưa có cơ quan đầu mối. Do đó, các thông tin, dịch vụ điện tử cũng chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp. Trong khi đó, Việt Nam lại đang còn thiếu một hành lang pháp lý cho các giao dịch điện tử.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Tin học-Thống kê (Tổng cục Thuế), ngành thuế cần thiết phải xây dựng một lộ trình triển khai thuế điện tử trong đó bắt đầu bằng hệ thống nghiệp vụ. Trong giai đoạn đầu của lộ trình, thuế điện tử sẽ bắt đầu bằng các công việc đơn giản như tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ thuế hiện hành; hướng dẫn các thủ tục về thuế như đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế...; giải đáp các vấn đề thường gặp trong lĩnh vực thuế và cung cấp các thông tin tham khảo về mã số thuế.
Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ tiến tới việc cung cấp các dịch vụ trả lời về chính sách, chế độ thuế trực tiếp qua mạng Internet, dịch vụ nhận bảng kê hóa đơn điện tử, dịch vụ đăng ký thuế điện tử, dịch vụ kê khai thuế điện tử, dịch vụ nộp thuế qua mạng Internet và cuối cùng là quản lý thu thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử.
Về tổ chức, trong quá trình tiến tới thuế điện tử, ngành này sẽ hình thành bộ máy tổ chức hỗ trợ người nộp thuế từ trung ương tới địa phương, quy định về chức năng nhiệm vụ, quy trình hoạt động. Người nộp thuế cũng sẽ được hỗ trợ thông qua nhiều hình thức khác nhau, qua hình thức thuế điện tử và thông qua việc đa dạng hóa môi trường hoạt động, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và viễn thông.
Để triển khai được mô hình này, ngành thuế cũng đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông gồm một hệ thống ứng dụng thống nhất toàn ngành, đảm bảo cập nhật thông tin kịp thời chính xác; nối mạng Internet với tốc độ và dung lượng cao; hệ thống thiết bị, phần mềm an toàn, bảo mật và ổn định. Ngoài ra, cũng cần phải có một đội ngũ cán bộ tin học đủ về số lượng và năng lực, đảm bảo vận hành, duy trì, bảo trì hệ thống ứng dụng.
Mô hình trên dự kiến sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn triển khai thí điểm, mô hình này sẽ được triển khai tại một số cơ quan thuế, triển khai một số dịch vụ trực tuyến và xây dựng giải pháp đóng gói triển khai. Tiếp theo, mô hình này sẽ được triển khai rộng với việc xây dựng mô hình ứng dụng xử lý tập trung tại các cục thuế tỉnh, thành phố và tổng cục thuế dựa trên hạ tầng truyền thông. Sau đó, ngành này sẽ triển khai hệ thống ứng dụng tại tất cả các cơ quan thuế trong cả nước.
Để thực hiện thành công mô hình thuế điện tử, Phó giám đốc Trung tâm tin học-thống kê Nguyễn Minh Ngọc cho rằng: trước hết cần phải có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và hình thành một Portal của Chính phủ. Ngoài ra, cũng cần có sự gắn kết nội dung các dịch vụ điện tử của các ngành, đơn vị; thiết lập giao dịch điện tử giữa các quốc gia, khu vưc trên thế giới và hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch điện tử của Việt Nam.
Riêng đối với ngành thuế, cần thiết phải cải cách công tác quản lý hành chính, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ giao dịch điện tử với doanh nghiệp và với các cơ quan khác đồng thời tham gia đề xuất xây dựng khung pháp lý về trao đổi thông tin, giao dịch điện tử trên Internet.
Về vấn đề pháp lý đối với thuế điện tử, cần có quy định người nộp thuế phải cung cấp thông tin dạng điện tử (số hóa) và có quy định về sử dụng thông tin điện tử của các cơ quan có liên quan tới thuế. Đối với giao dịch điện tử nói chung, cần phải có hệ thống xác thực sử dụng và có môi trường thuận tiện, an toàn và đa dạng.
Theo định hướng của ngành thuế, trong khi chưa có khung pháp lý về giao dịch điện tử của Việt Nam, ngành này sẽ phát triển dịch vụ cung cấp thông tin một chiều cho người nộp thuế và người dân, thí điểm các dịch vụ trực tuyến về nộp tờ khai và nộp bảng kê hóa đơn, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật vững mạnh.
Khi đã có khung pháp lý về giao dịch điện tử, ngành thuế sẽ phát triển các dịch vụ trao đổi thông tin hai chiều giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, triển khai rộng các dịch vụ trực tuyến về nộp tờ khai, bản kê hóa đơn.
Bên cạnh đó, ngành này cũng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân hàng, kho bạc, hải quan... cải tiến phương pháp đăng ký thuế, nộp thuế qua hệ thống máy tính nối mạng đồng thời tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng đội ngũ kỹ thuật.
(Theo TBKTVN)
Về đầu trang
Giá thép và phân bón đều giảm
Hiện nay, giá thép xây dựng đã giảm từ 300-500 ngàn đồng/tấn, cụ thể: tại thị trường phía Bắc, thép xây dựng có giá dao động từ 7,6-7,8 triệu đồng/tấn, tại thị trường phía Nam từ 7,3-7,5 triệu đồng/tấn. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: vì tiêu thụ chậm nên lượng thép tồn kho rất lớn.
Nếu tính cả lượng thép tồn kho tại các nhà sản xuất (220 ngàn tấn) và lượng thép tồn kho tại các đại lý kinh doanh (60-70 ngàn tấn) thì lượng thép tồn kho của cả nước hiện đã lên đến gần 300 ngàn tấn.
Giá phân bón đang giảm từ 150-200đ/kg. Nếu như giá urê thời điểm đầu tháng 10 có lúc lên đến 4.600-4.700đ/kg thì nay chỉ còn 4.350-4.450đ/kg.
Bà Nguyễn Thị Ngọ, Phó Chủ tịch Hội Phân bón miền Nam cho biết, sở dĩ giá phân bón trong nước giảm là do lũ ở ĐBSCL chưa rút hết khiến bà con nông dân chưa xuống giống đại trà.
Hơn nữa lượng phân bón nhập khẩu đang về nhiều (gần 500 ngàn tấn) dẫn đến tình trạng thiếu kho dự trữ, buộc các doanh nghiệp phải bán bớt (tổng kho dự trữ phân bón tại TPHCM chỉ đạt 300.000 tấn).
Dự báo trong khoảng tuần tới, mức tiêu thụ phân bón sẽ tăng mạnh, giá phân bón có thể sẽ lại nhích lên khi bà con nông dân bước vào sản xuất đại trà vụ đông-xuân.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Vốn đầu tư nước ngoài đang trở lại VN
Tuy dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tăng trở lại, nhưng chất lượng và quy mô vẫn chưa có bước đột phá
Kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 10 tháng đầu năm cho thấy xu hướng phục hồi dòng vốn ĐTNN vào VN ngày càng rõ rệt. Vốn thực hiện và vốn đăng ký mới trong 10 tháng đều đạt mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính khu vực đến nay.
Vốn bổ sung tăng kỷ lục
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng:
Phải biết cách biến thời cơ thành hiện thực
Chúng tôi dự kiến năm nay vốn ĐTNN vào VN có thể đạt 4 tỉ USD, tăng thêm 30% so với kế hoạch vì dự án mở rộng vốn giai đoạn 2 của Xi măng Nghi Sơn 240 triệu USD chỉ vài ngày nữa được cấp phép. Ngoài ra, còn 43 dự án thuộc diện không phân cấp đã nộp hồ sơ, tổng vốn đăng ký 2,1 tỉ USD. Nhiều dự án khác có vốn hàng trăm triệu USD cũng đang manh nha khởi động. Không khí đầu tư đã ấm áp trở lại, sôi động hơn và đang đi vào thực chất. Khi đến VN, nhà đầu tư bàn luôn về dự án chứ không cần hỏi các thủ tục. Môi trường đầu tư của VN họ đã rõ cả rồi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là quy trình thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng và không lặp lại những sai sót như ban hành chính sách thiếu minh bạch. Xét trong tổng thể khu vực, VN có lợi thế của người đi sau và còn nhiều dư địa để phát triển. Trung Quốc đang tăng trưởng quá nóng, nhiều nước khác đều bất ổn về an ninh nên có thể khẳng định VN đang là tâm điểm của các nhà đầu tư. Dòng vốn ĐTNN đang quay trở lại VN. Với tốc độ này, chúng tôi dự đoán thu hút ĐTNN sẽ có bước nhảy vọt trong năm 2005. Quan trọng là chúng ta phải biết đón nhận cơ hội, biến nó thành hiện thực. |
Tính đến hết ngày 31-10, cả nước đã thu hút được hơn 3,2 tỉ USD vốn ĐTNN, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2003. Như vậy chỉ thiếu gần 200 triệu USD nữa là hoàn thành mục tiêu thu hút vốn ĐTNN của cả năm 2004. Trong tổng số 3,2 tỉ USD thu hút được có tới 1,5 tỉ USD là vốn bổ sung mở rộng sản xuất (tăng 66% so với cùng kỳ 2003). Đây cũng là mức tăng kỷ lục của nguồn vốn bổ sung trong vòng nhiều năm trở lại đây. Bốn dự án có quy mô vốn tăng thêm 100 triệu USD trở lên là Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng, Công ty Sun Steel, Công ty Canon và Saigon Mas. Các dự án tăng vốn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Riêng 3 tỉnh, thành Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai chiếm tới 65,2% tổng vốn tăng thêm của cả nước.
Theo đánh giá của Cục ĐTNN, việc các nhà đầu tư đồng loạt tăng thêm vốn mở rộng sản xuất chứng tỏ môi trường đầu tư của VN đã ổn định hơn.
Vẫn thiếu những dự án lớn
Mặc dù lạc quan với dấu hiệu quay trở lại của dòng vốn ĐTNN nhưng xét về chất lượng và quy mô dự án thì chưa có bước đột phá. Nếu như thời kỳ 1997-1998, mỗi năm vốn cấp phép mới lên đến gần 4 tỉ USD thì trong các năm 2002-2003, vốn cấp phép mới đều đạt thấp do thiếu những dự án lớn. Mười tháng đầu năm nay, vốn cấp phép mới cũng chỉ tăng 17% so với cùng kỳ năm 2003. Cục ĐTNN cho biết từ cuối năm 2003, một số nhà đầu tư lớn đã đến khảo sát môi trường đầu tư của VN và quyết định thực hiện các dự án đầu tư đa mục tiêu có quy mô hàng tỉ USD. Tuy nhiên, những dự án này đều chưa được chấp thuận vì liên quan đến lĩnh vực chưa có hướng thu hút đầu tư như bất động sản, dịch vụ vui chơi giải trí... Bên cạnh đó, chúng ta đã để lỡ mất cơ hội thu hút một số dự án có quy mô lớn do “vấp” Nghị định 64 và 158 về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vốn thực hiện 10 tháng đầu năm, chỉ tăng được hơn 5%. Theo Cục ĐTNN, tiến độ thực hiện vốn ĐTNN đạt thấp hoàn toàn do nguyên nhân từ phía “chủ nhà”, thể hiện trong các khâu giải phóng mặt bằng, thẩm định giấy phép...
Một điểm khác cần lưu ý là trong khi dòng vốn ĐTNN trên thế giới đang có xu hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ thì vốn ĐTNN trong các ngành dịch vụ của VN chưa cao. Theo báo cáo đầu tư thế giới năm 2004, khu vực dịch vụ của VN đang tụt hậu, kéo theo sự suy giảm của vốn ĐTNN vào khu vực này.
(Theo NLĐ)
Về đầu trang
Thiệp nội đang chiếm ưu thế
Để phục vụ cho các ngày lễ, tết sắp đến, hơn 20 doanh nghiệp sản xuất thiệp trong nước như Kiến Vàng, Đức Quyền, Bách Việt, Lĩnh Nam, Tương Phản, Xuân Lộc, Bình Minh, Gia Long… đã bắt đầu tung ra thị trường các loại thiệp mới.
Cách đây hơn một tháng, Kiến Vàng đã tổ chức buổi triển lãm thiệp mang tên “Thông điệp vàng”, trưng bày hơn 200 mẫu thiệp dành cho ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), lễ Giáng sinh và Tết Ất Dậu. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Kiến Vàng sử dụng những biểu tượng in trên thiệp như cây bút, quyển sách, thầy đồ, ngọn nến, hoa hướng dương…; cùng những câu ca dao, tục ngữ ngợi ca công ơn của những thầy cô, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.
Thiệp của Bách Việt, Xuân Lộc lại chọn cách trang trí có phần sặc sỡ hơn bằng những dòng chữ mạ vàng và những câu danh ngôn. Điểm chung ở thị trường thiệp năm nay là tất cả các loại thiệp nội đều rất sinh động với giá cả rất mềm chỉ từ 1.500đ –3.000đ/ cái, dù giá nguyên liệu từ đầu năm đến nay luôn biến động.
Riêng thiệp Giáng sinh năm nay vẫn xoay quanh các hình ảnh cũ như cây thông, người tuyết, cỗ xe tuần lộc, ông già Noel…, chỉ có những câu danh ngôn về tình bạn, tình mẹ, tình yêu in trên thiệp là thay đổi.
Kiến Vàng - doanh nghiệp duy nhất trong nước dám đầu tư mạnh vào loại thiệp này - đã tung ra thị trường 27 mẫu thiệp mới, khổ 15cm x 15cm, lớn gấp 3 lần mẫu thiệp bình thường, được in trên chất liệu giấy cao cấp có hoa văn thiết kế khá công phu, đẹp mắt. Giá của loại thiệp này là 8.000đ/cái thấp hơn các loại thiệp cùng loại của Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia… từ 5.000đ đến 10.000đ/cái.
Như mọi năm, năm nay thiệp chúc Tết Âm lịch được các doanh nghiệp trong nước đầu tư rất kỹ cả về nội dung lẫn hình thức. Hầu hết thiệp chúc tết đều hướng đến một mùa xuân an lành và đậm đà bản sắc dân tộc. Có hơn 60% mẫu thiệp mới của các doanh nghiệp được đưa ra thị trường với các hình ảnh như tiểu đồng ôm gà trống, học trò chúc tết thầy và các trò chơi dân gian như đánh đu, leo cột mỡ, đánh trống chầu…
Theo các chủ cửa hàng bán thiệp tại các nhà sách, xung quanh Nhà thờ Đức Bà và trên đường Hàn Thuyên (Q1), Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh)…, loại thiệp được khách hàng chọn nhiều nhất là loại thiệp thủ công do cơ sở Đức Quyền, Anh Vũ hay của những nhóm sinh viên tự thiết kế. Nhiều loại chất liệu “lạ” như hoa khô, lá khô, dây thừng, đá, vải jean, bố… được “đưa” lên thiệp, tạo sự ngộ nghĩnh và lạ mắt. Khi chọn loại thiệp này, khách hàng không sợ bị “đụng hàng” vì mỗi tấm thiệp đều có một cách thể hiện riêng, nên dù giá của loại thiệp này có cao hơn từ 6.000đ –35.000đ/tấm nhưng vẫn ''sốt''.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý:
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
|
Ông Lê Đức Thuý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Đó là nhận định của ông Lê Đức Thuý - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cho dù ông nói rằng theo dự tính, giá cả lạm phát cả năm sẽ vào khoảng 9,5% (cao hơn nhiều so với dự tính đầu năm), nhưng theo ông, nếu nhận định rằng lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô đang mất ổn định, là "không đúng thực tế".
"Vấn đề là phải phân tích xem có phải là do sự chưa thống nhất về nhận thức là lạm phát hay chưa lạm phát, lạm phát trong tầm kiểm soát hay ngoài tầm kiểm soát, hay có phải vì điều hành quá kém không, để từ đó có những biện pháp đánh giá đúng những cái chúng ta làm được hay chưa làm được và tới đây nên làm như thế nào. Nếu tất cả những việc chúng ta làm, xét về mặt chủ quan đều là tốt thì liệu chúng ta có kiềm chế được sự gia tăng của giá cả ở phạm vi 5% như chỉ tiêu QH đề ra hay không. Ngay khi kỳ họp thứ 5 của QH chưa kết thúc, ngày 3.6.2004, Hội đồng Chính sách tiền tệ của Chính phủ đã họp để đánh giá tình hình giá cả, lạm phát, chính sách tiền tệ và những đối sách cần thiết. Hội đồng cũng nhất trí đánh giá rằng, chỉ số tăng giá trong 5 tháng vượt lên 6,3% là hiện tượng bất thường.
Hội đồng đưa ra kết luận: Sự leo thang của giá cả vượt quá dự kiến là một vấn đề nóng bỏng, gây rất nhiều biến động phức tạp đến sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, khi đánh giá cần khách quan, tỉnh táo và khi giải quyết vấn đề giá cả cần tôn trọng nguyên tắc thị trường và bối cảnh hội nhập của nền kinh tế.
Sự gia tăng cao của giá cả không bắt nguồn từ chính sách tiền tệ. Khi chúng ta đề ra mục tiêu giá cả, lạm phát không vượt quá 5% thì chúng ta đã tính tới yếu tố tiền tệ, tính tới độ trễ của các chính sách tiền tệ, cũng như những nhân tố đã có thể dự kiến được, như tăng lương, điều chỉnh phục cấp, lương hưu trong năm 2004. Chính vì vậy, những biện pháp mà hội đồng đưa ra là tập trung điều hành cân đối vĩ mô, điều hành cung cầu những mặt hàng chủ yếu và nhất là giải quyết khó khăn về tài chính như là miễn - giảm thuế một số mặt hàng, bù lỗ một số mặt hàng để giá cả không biến động quá mạnh.
Điều chỉnh thuế nhập khẩu làm ngân sách thất thu hơn 4.000 tỉ, bù lỗ cho xăng dầu là 5.700 tỉ, riêng ngân sách đã phải chi ra 10.000 tỉ để làm giảm tác động tiêu cực của giá cả quốc tế đối với thị trường trong nước.
Về chính sách tiền tệ, chúng tôi chỉ tập trung vào một số điểm: Không để tăng trưởng tín dụng quá 2%, giữ ổn định tỉ giá hối đoái, tăng dự trữ bắt buộc... Ngoài ra, Chính phủ có tổ điều hành giá cả, tiền tệ và đều có những giải pháp kịp thời. Có thể những biện pháp chưa thật đúng, chưa thật quyết liệt, nhưng tốc độ tăng giá giảm khá mạnh theo từng tháng và trong tháng 10.2004 tốc độ tăng giá là 0%.
Nói một cách hình ảnh, nếu như nền kinh tế trong 2 quý đầu là bị sốt, thì 2 quý sau, nhiệt độ đã trở lại bình thường. Cho đến thời điểm này, nền kinh tế đã không sốt nữa và không đòi cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm giá mà phải làm sao để nó đừng tăng đột biến trở lại. Cho nên chúng ta cần tập trung vào điều hành cung cầu để giữ giá cả ổn định.
Theo dự tính giá cả, lạm phát cả năm sẽ vào khoảng 9,5%, cao hơn nhiều so với dự tính đầu năm. Nếu làm tốt hơn, kịp thời hơn thì giá cả có thể không tăng cao như đã xảy ra. Những nhận định cho rằng lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô đang mất ổn định là không đúng với thực tế.
Với những kinh nghiệm quản lý điều hành vĩ mô năm 2004, tôi tin tưởng rằng mặc dù còn những bất ổn khó lường, nhưng chúng vẫn tiếp tục giữ được tính chủ động trong quản lý, điều hành kinh tế, giữ được mức cân đối vĩ mô, kiềm chế tăng giá, kiểm soát lạm phát. Lạm phát cả năm 2005 thấp hơn mức tăng trưởng GDP".
(Theo LĐ)
Về đầu trang
TP.HCM: thành lập Hiệp hội Du lịch
Sáng 3/11, tại khách sạn Rex (TP.HCM) đã diễn ra đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch TP.HCM (viết tắt HTA).
Phát biểu tại đại hội, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh TP.HCM có rất nhiều tiềm năng du lịch với mức tăng trưởng trung bình 10%/năm, chiếm 55% thị phần cả nước, TP cũng có đến 60-70% các doanh nghiệp lữ hành thuộc hàng top ten của cả nước.
Hơn nữa năm 2005, thời điểm hội nhập quốc tế (gia nhập AFTA, WTO...), cũng sẽ là một năm rất thuận lợi cho ngành du lịch TP phát triển theo định hướng thương mại, dịch vụ, trong đó du lịch mua sắm, hội nghị, sinh thái, văn hóa... Ông Tín nhắc nhở ngành du lịch TP phải tăng cường công tác quảng bá, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch lữ hành với các hãng hàng không... để có thể thu hút nhiều du khách hơn.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổng giám đốc Saigontourist - đã được bầu làm chủ tịch HTA.
(Theo TT)
Về đầu trang
Cải thiện môi trường đầu tư: còn nhiều việc lắm!
Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho báo giới cuộc phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Về tín hiệu lạc quan trong thu hút đầu tư nước ngoài năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói:
|
Phó thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. |
- Thật ra tôi cũng chỉ lạc quan dè dặt thôi. Là vì so với các nước chung quanh thì nước ta tương đối ổn định. Ngay ở Đông Nam Á hiện nay, những nước thu hút được đầu tư nhiều là VN, Singapore, Thái Lan, Brunei..., Philippines thì tụt, Indonesia thì không tiến triển. Qua đó ta thấy: sự ổn định là một nhân tố quan trọng (nhưng chưa quyết định).
Thứ hai là một số nước đầu tư nhiều đang có điều chỉnh dòng đầu tư từ thị trường này sang thị trường khác (trong đó có tính toán nhiều nhân tố). Hoặc như Trung Quốc đang thấy tăng trưởng nóng nên chủ động giảm bớt.
Thứ ba là kinh tế chúng ta đang phát triển. Mấy năm nay VN phát triển liên tục là một tín hiệu người ta quan tâm. Đấy là tất cả những nhân tố tạo ra đầu tư nước ngoài có tín hiệu tương đối thuận lợi. Nhưng môi trường đầu tư ở ta vẫn đang còn có vấn đề. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với các tỉnh, các bộ (trong một hội nghị toàn quốc) để rà soát lại tình hình. Bộ Kế hoạch - đầu tư đã tổng hợp tất cả ý kiến trình lên Thủ tướng Chính phủ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Ở đây có nhiều việc lắm. Cái vướng mắc nhất là thủ tục đất đai. Rồi các địa phương thực thi chủ trương chung chưa được đồng đều. Có nơi thông thoáng, có nơi thủ tục rườm rà, khó khăn.
- Mấy năm gần đây VN thu hút được rất nhiều các nguồn tài trợ ODA cho các dự án. Tuy nhiên, hiện việc triển khai các dự án này ở nhiều nơi còn rất chậm...
- Hiện nay tốc độ giải ngân vốn ODA của các nước trong khu vực là 15%, còn ở ta là 11-12%. So với tốc độ 8-9% năm ngoái là có tiến bộ, nhưng vẫn còn chậm chứ chưa được như mong muốn. Vướng nhất vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Thứ hai là lực lượng quản lý dự án. Nói cách khác là nguồn nhân lực còn yếu. Để làm được điều này, làm dự án cho đúng, thì nguồn nhân lực của ta chưa đáp ứng được. Mặc dù Bộ Kế hoạch - đầu tư có tổ chức những lớp, khóa hướng dẫn, đào tạo nhưng cũng chưa đáp ứng được, ngay cả về số lượng chứ chưa nói về chất lượng quản lý dự án. Thứ ba là vốn ODA chuyển về các địa phương thì địa phương phải có vốn đối ứng chứ Chính phủ không lấy ngân sách ra để đối ứng.
Rất nhiều địa phương được ODA nhưng không có vốn đối ứng, thành ra Chính phủ lại phải hỗ trợ. Nhưng có nơi hỗ trợ được, có nơi không. Vừa rồi Chính phủ có chỉ thị chấn chỉnh lại tất cả các vân đề như tôi đã nói. Hi vọng là việc giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn ODA sẽ khá hơn. Hiện dòng ODA đang tăng lên rất nhanh, rất nhiều. Cơ hội đang tới. Sau ASEM 5 thì uy thế đất nước của ta lên, nhiều người hào hứng giúp đỡ mình. Vấn đề là ta tận dụng cơ hội đó như thế nào.
- Có nhiều vấn đề đã được nêu ở kỳ họp trước nhưng nay lại tiếp tục đặt ra vì chưa được giải quyết...
- Tôi cũng thấy thế. Nhưng tôi nói thật: có những cái không phải là một năm mà giải quyết được đâu. Có những vấn đề lâu dài, chúng ta phải giải quyết từng bước. Ví dụ: cải cách hành chính là một quá trình liên tục, giải quyết được vấn đề này nhưng lại nảy sinh vấn đề khác. Hay là chống tham nhũng, bảo không chống là không phải. Bao nhiêu vụ chúng ta đã và đang chống, đụng đến cả lãnh đạo cao cấp, ủy viên trung ương cũng có, bộ trưởng cũng có. Có chống nhưng mà chưa triệt để được hết, đòi hỏi cần có thời gian.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.
(TheoTT)
Về đầu trang
Cải cách tư pháp : - Tác động vào kinh doanh
Từ sau Nghị quyết 08-NQ/TW đầu năm 2002, việc cải cách tư pháp đã được đẩy mạnh. Nhiều luật đã được ban hành hay đang được sửa đổi về hình thức và nội dung. Trong lĩnh vực kinh doanh, việc cải cách tư pháp có những tác động gì?
Khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn Tính từ năm 1990 đến nay, luật pháp trong lĩnh vực kinh doanh đã phát triển rất nhiều, và trong một chừng mực nhất định, đã giúp cho công việc kinh doanh được dễ dàng.
Lấy luật lệ về gia công làm thí dụ, vì đa số các xí nghiệp dệt, da, giày, may của ta hoạt động trong lĩnh vực này. Từ năm 1992-1998, gia công là một phần nằm trong công việc quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, trung bình hai năm nó lại được sửa đổi một lần. Đến năm 1998, để triển khai bộ Luật Thương mại, Nghị định 57/1998 quy định về gia công ra đời, đến năm 2001 nó được bổ sung. Tiếp theo nghị định trên, các Tổng cục Thuế và Hải quan cùng Bộ Thương mại ra nhiều văn bản khác nhau quy định các chế độ về thuế, nhập hàng đối với nguyên liệu gia công, máy móc, định mức tiêu hao... Cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ Tài chính ban hành một quyết định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công. Quyết định này ấn định tất cả những vấn đề nằm trong lĩnh vực gia công từ lúc doanh nghiệp tiếp nhận hợp đồng gia công, đến nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm, hay xuất nhập khẩu tại chỗ… đầy đủ và chi tiết.
Cứ xem quy định này không thôi thì biết phải làm gì. Ta thấy kể từ khi chế độ gia công được quy định (1992) cho đến ngày trở nên ổn định (năm 2004) thì mất 12 năm. Khoảng thời gian này cũng tương ứng với Luật Đầu tư nước ngoài (1987 - 1999); Luật Doanh nghiệp (1990 - 2000); Luật Kế toán thống kê (1988 - 2003). Thành lập một định chế tối thiểu, chúng ta mất một thập kỷ.
Quan niệm phù hợp hơn Với một thời gian dài khoảng 10 năm hay hơn để cho một định chế ổn định, điểm nổi bật ta thấy là sự thay đổi về quan niệm của nhà soạn thảo luật pháp. Từ từ họ nhận ra rằng công dân vốn có những ưu tư riêng khi hoạt động mà chính quyền chẳng cần quản lý làm gì, ví dụ việc lập luận chứng khả thi khi lập công ty hay xin cấp giấy phép đầu tư; gần đây hơn là việc chứng nhận hoàn công trong xây dựng. Đi kèm với sự nhận thức đó là việc trút bỏ công việc ôm đồm của các cơ quan thi hành. Thí dụ, Bộ Tài chính đang làm thí điểm để cho các doanh nghiệp tự khai và nộp thuế lợi tức, ngành hải quan miễn kiểm hóa đối với các doanh nghiệp không vi phạm. Những sự thay đổi đó tuy nhỏ bé, nhưng rất quan trọng vì nó là bằng chứng cho thấy sự thay đổi trong cách chính quyền quản lý công dân: không phải canh chừng tất cả mà chỉ một số nhỏ. Khi ấy, chính quyền tập trung vào một số nhỏ sai phạm, làm thấu đáo, trừng trị đích đáng; đa số còn lại dè chừng; quản lý nhà nước trở thành hữu hiệu hơn và đạo đức chung của toàn xã hội sẽ được nâng lên.
Nhưng chế tài tòa án chưa đem lại sự tin tưởng Sự lạc quan của dư luận về những cải tổ tư pháp gần đây liên quan nhiều đến việc xét xử tại tòa án hình sự hơn là dân sự. Khi thảo luận về các luật tố tụng, Quốc hội bàn cãi việc tranh tụng tại các phiên tòa hình sự, việc dẫn chứng tại các phiên tòa dân sự; không có ý kiến nào về các tranh chấp kinh tế, dẫu cho Luật Tố tụng dân sự điều chỉnh cả các vụ án kinh tế. Kinh tế phát triển không phải do các vụ tranh chấp được giải quyết tại tòa án mà làm sao để không phải đem các vụ giao dịch ra tòa tranh chấp. Điều đó đòi hỏi luật pháp phải tạo ra sự an tâm khi người ta giao ước kinh doanh. Doanh nhân có dùng luật sư thì họ cũng yêu cầu làm sao bảo đảm cho những sự mong đợi đặt trong hợp đồng được thực hiện; thế nhưng luật sư không thể làm trọn việc đó vì nó còn tùy thuộc vào bên kết ước, vào luật pháp và sự cưỡng chế thi hành của tòa án. Hai điểm sau cùng này còn yếu kém trong lĩnh vực kinh doanh. Nội chuyện hợp đồng kinh tế hay thương mại đã là rắc rối, chuyện thi hành án còn nhiều khó khăn hơn. Để đề phòng những chuyện này, hợp đồng phải viết dài, lường ra những khả năng tranh chấp, và ấn định biện pháp giải quyết, để có sao hai bên cứ thế mà làm, nếu phải đưa ra tòa thì cũng dễ xử. Thế nhưng, doanh nhân ta lẫn các cơ quan công quyền không quen với một hợp
(Theo KTSG)
Về đầu trang |