1.Giá tôm sụt giảm mạnh
2.Từ nhà máy đến... khu vui chơi!
3.Thị trường hàng không: Cuộc cạnh tranh sôi động
4.Mỏ Sư Tử Đen: Doanh thu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD
5.Gạo xuất khẩu được giá!
Giá tôm sụt giảm mạnh
Nguồn tin từ Ban quản lý chợ Long Xuyên (An Giang) cho biết, những ngày qua, giá tôm sô mua vào dao động từ 85.000 đồng đến 88.000 đ/kg, trong khi loại I cũng chỉ ở mức 105.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-15.000 đ/kg so với tháng trước.
Trong khi đó, tại bán đảo Cà Mau, giá tôm sú cũng tụt xuống còn 82.000-85.000 đ/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào loại lớn nhất khu vực ĐBSCL lý giải: gần đây, do sản lượng tôm bán vào các thị trường chính như: Mỹ, Nhật, Eu... giảm đáng kể, trong khi nhiều doanh nghiệp còn tồn hàng, nên sức tiêu thụ tôm nguyên liệu giảm, dẫn đến tình hình trên. Tuy nhiên, theo dự báo, giá tôm sẽ nhích dần lên vào cuối năm, vì theo quy luật hiện là thời điểm các nước tiêu thụ rất mạnh và niên vụ tôm 2004 cũng đã vào giai đoạn cuối.
(Theo TN)
Về đầu trang
Những “địa chỉ” lãng phí, thất thoát
Từ nhà máy đến... khu vui chơi!
Một xí nghiệp chế biến khoai mì đang tháo dỡ máy móc thiết bị để "tháo chạy". Ở nơi khác, nhiều khu vui chơi thiếu nhi đầu tư lớn nhưng xây xong rồi bỏ hoang.
Nhà máy “tháo chạy”
|
Cảnh tháo dỡ nhà máy để chuyển về Tây Ninh đang diễn ra tại Xí nghiệp Lương An Trà, An Giang |
Xí nghiệp chế biến khoai mì Lương An Trà có vốn đầu tư ban đầu 48,3 tỉ đồng (trong đó vốn vay ưu đãi 36 tỉ), năng lực thiết kế 30.000 tấn/năm, đưa vào hoạt động năm 1999. Song song đó, An Giang cũng đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nguyên liệu khoai mì, trong đó riêng khu chữ U rộng 1.513ha là 21,17 tỉ đồng. Đồng thời qui hoạch vùng chuyên sản xuất khoai mì 3.000ha của nhà máy, 1.500ha ở hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn.
Đáng buồn là qua mấy năm hoạt động đã thua lỗ hàng chục tỉ đồng mới nhận ra sai lầm: loại cây này không thích hợp ở đây! Không còn cách nào khác, xí nghiệp đành giải thể từ tháng 10-2003 và hiện đã bán và thanh lý tài sản. Những ngày này, để khỏi bị “dòm ngó và gây xôn xao dư luận”, nhà máy đang thực hiện chính sách “ngoại bất nhập” để tháo dỡ, vận chuyển cơ sở vật chất, trang thiết bị về Công ty Mía đường Tây Ninh! Chúng tôi phải lội băng đồng nước lẻn vào phía sau mới ghi được hình ảnh... tháo chạy âm thầm này.
Vì sao nên nỗi? Chúng tôi được biết trước khi quyết định đầu tư nhà máy cùng vùng nguyên liệu tại đây, dự án đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức, thời gian của các ngành chức năng với sự tham gia nghiên cứu thẩm định của nhiều nhà khoa học. Và không biết bao nhiêu hi vọng của người dân đã đặt vào đây, trong đó có hàng trăm hộ dân đang làm ăn yên ổn tại vùng kinh tế mới, hàng trăm hộ nơi khác vào khai phá, nhận khoán trồng khoai mì theo tiếng gọi của dự án. Thế mà nay vẫn là cảnh nghèo khổ, lại thêm mắc món nợ mỗi hộ từ vài chục triệu đồng và bị tước mất mảnh đất mình vốn dày công khai phá từ thời vỡ hoang xây dựng khu kinh tế mới.
Và “bài học” đã được thừa nhận: thổ nhưỡng không phù hợp, năng suất khoai mì quá thấp (bình quân 15 tấn so với 45-50 tấn/ha ở nơi khác), hàm lượng tinh bột cũng thấp nên giá thành tinh bột không có khả năng cạnh tranh, lại thêm do thường bị ngập nước vào mùa mưa! Người dân quả quyết: “Hệ thống tưới tiêu, thoát nước hàng chục tỉ đồng với thiết kế xây dựng hoàn toàn không có tác dụng đưa đến tình trạng ngập úng hằng năm”.
Họ kể mỗi khi mưa lớn mà chỉ 3/24 ống của trạm bơm điện hoạt động nên mùa mưa nào cũng bị ngập. Còn mùa khô thì không nước tưới! Anh Nguyễn Ngọc Trường ở ấp Giồng Cát ấm ức: “8ha của tôi năm 2002 thu hoạch chỉ 4 tấn củ bán được trên 700.000 đồng, nhiều hộ ít hơn nữa”.
Ngoài ra, người dân bảo cung cách làm ăn, tổ chức sản xuất của nhà máy còn gây nhiều thiệt hại cho họ. Từ Châu Phú tình nguyện vào đây xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1994, hộ ông Lê Văn Hận khai mở đất hoang trồng lúa đã được mỗi năm hai vụ, năng suất 30 giạ/công/vụ. Thế rồi năm 1998 bị bắt trồng khoai mì, cả đất thổ cư 1.000m2 được cấp cũng bị thu hồi làm trạm bơm điện phải mua nơi khác để ở. Qua bao năm ông bị xí nghiệp tính số nợ 73,8 triệu đồng. Nhìn quanh đồng lúa xanh tốt ông thở dài tiếc nuối: “Phải chi ngày đó đừng có cái dự án này thì trên 500 hộ chúng tôi đâu đến nỗi...”.
Khu vui chơi bỏ hoang!
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 11 khu vui chơi trẻ em ở cấp xã và tám khu do huyện quản lý. Theo Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em (UBDSGĐ&TE) Tiền Giang, các khu vui chơi dành cho trẻ em bắt đầu mọc lên từ năm 1999 đến nay. Hầu hết khu vui chơi trẻ em đều do tỉnh đầu tư xây dựng và do Quĩ Bảo trợ trẻ em VN hỗ trợ một phần. Kinh phí xây dựng một khu vui chơi cấp xã là 100 triệu đồng, khu vui chơi cấp huyện lên đến vài trăm triệu đồng.
Các địa phương gửi công văn xin bằng được với hàng tá lý do “chính đáng”: nào là tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em địa phương; nào là ở vùng sâu, vùng xa... Nhiều xã gửi lên UBDSGĐ&TE hai ba công văn xin, sau đó UBND huyện cũng gửi thêm công văn “thúc”. Xét thấy việc đề nghị của các địa phương hợp lý, UBDSGĐ&TE đã đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí xây dựng các khu vui chơi trẻ em.
Có điều chỉ thấy hoạt động đâu năm ba ngày, có nơi hoạt động được chừng tháng rồi... cho nghỉ luôn. Ngày 21-10, chúng tôi đến khu vui chơi trẻ em xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây và thật xót xa khi nhìn thấy ngổn ngang những đống sắt vụn và cỏ mọc um tùm. Người dân địa phương cho biết khi chuẩn bị lên xã văn hóa, người ta đã đưa về đây các loại đồ chơi trị giá 100 triệu đồng lắp đặt vội vàng.
Khi làm lễ ra mắt xã văn hóa xong, trẻ em không vào chơi nữa, các loại đồ chơi vì thế phải gồng mình phơi nắng phơi mưa hơn một năm nay. Nhiều loại đồ chơi bằng sắt đã gỉ sét, mục nát. Cùng số phận với khu vui chơi trẻ em Bình Nhì còn có các khu vui chơi ở thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), xã Mỹ Hội, Tân Thanh (huyện Cái Bè), thị trấn Cai Lậy (huyện Cai Lậy), xã Thới Sơn (huyện Châu Thành), xã Đạo Thạnh (thành phố Mỹ Tho)...
Vì sao các khu vui chơi này bị bỏ hoang như vậy? Bà Nguyễn Thị Nguyệt, phó chủ nhiệm UBDSGĐ&TE Tiền Giang, bức xúc: “Khi xin đầu tư thì các địa phương cố gắng xin bằng được, nhưng đầu tư rồi thì không tổ chức quản lý, vận hành, cứ bỏ đó không hư sao được. Rồi địa phương không đầu tư thêm các loại hình trò chơi nên trẻ con cũng chán...”. Trong 11 khu vui chơi cấp xã hiện chỉ còn một hai khu hoạt động cầm chừng và... cũng sắp chết!
Mặc dù mấy tỉ đồng đầu tư vào khu vui chơi trẻ em đã trở thành... rác công nghiệp như vậy, nhưng thời gian qua các địa phương vẫn tiếp tục gửi công văn về UBDSGĐ&TE Tiền Giang xin đầu tư nữa. Bà Nguyễn Thị Nguyệt than thở: “Trong tay tôi có khoảng 10 công văn của các địa phương xin đầu tư khu vui chơi trẻ em. Nhưng nói thật tình là chúng tôi không dám đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí, dù rằng tỉnh rất lo cho trẻ em, bởi vì những khu đã đầu tư hoạt động không hiệu quả”.
Trên 56 tỉ đồng… phơi nắng!
Công trình thủy lợi 3-2 với tổng vốn đầu tư trên 56, 97 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh nhằm phục vụ tưới tiêu 2.000ha đất canh tác chủ yếu ở xã An Cư, một phần của hai xã Vĩnh Trung, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên, An Giang) được đưa vào hoạt động từ năm 2000, gồm các hạng mục: tuyến kênh tạo nguồn nước từ kênh Vĩnh Tế về trạm bơm cấp I dài 5km, tuyến mương nổi 12.937m, trạm bơm 12 tổ máy...
Công trình này nhằm phục vụ sản xuất, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho vùng có 95% đồng bào Khơme sinh sống, nhưng mục tiêu này chưa thực hiện được vì không đảm bảo việc tưới tiêu.
Địa bàn rộng có địa hình cao thấp không đều, diện tích canh tác từng hộ từng thửa nhỏ lẻ với 2-3 công đất pha cát bạc màu cho năng suất thấp trong khi thiết kế công trình lại chưa thích ứng, như nhiều chỗ có cao trình bơm tưới từ +4 đến +7, thậm chí +15 nên lịch bơm nước không thể chủ động, rất khó phân bổ nguồn nước cho từng nơi cao thấp (có lịch xuống giống, thời vụ khác nhau và chi phí phát sinh quá cao).
Ngoài ra, đầu tư thủy lợi song những giải pháp đồng bộ khác như tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu chưa thực hiện đồng bộ khiến công trình chưa thể phát huy tác dụng. Một cán bộ trạm bơm bức xúc: “Không điện, không nước nên vào mùa mưa tuyến mương nổi vốn kết cấu bằng từng lòng máng bêtông mỏng kết nối nhau bị đẩy lên. Phải mất nhiều công sức, chi phí xử lý gia cố lại”. |
(Theo TT)
Về đầu trang
Thị trường hàng không: Cuộc cạnh tranh sôi động
Sự xuất hiện của 2 đại gia trong ngành hàng không Mỹ United Airlines và American Airlines tại thị trường Việt Nam (VN) đã đẩy giá vé máy bay đi Mỹ giảm mạnh. Chưa bao giờ thị trường hàng không VN cạnh tranh sôi động như hiện nay.
Ngày càng rẻ!
|
Vietnam Airlines chú trọng nâng chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng hóa. |
Năm 2004 là năm thị trường hàng không (HK) VN nhộn nhịp với sự xuất hiện của nhiều hãng HK lớn: American Airlines, United Airlines của Mỹ, Garuda Air, Lion Air (của Indonesia), ShangHai Airlines (Trung Quốc), một số hãng HK tư nhân đến từ Campuchia, Thái Lan. Chỉ tính trên đường bay VN - Mỹ, đã có gần 20 hãng chào mời khách với đủ mọi loại giá. Đầu năm 2004, American Airlines đã bắt đầu cuộc cạnh tranh khi chào mời giá vé máy bay khứ hồi đi Mỹ chỉ còn 899 USD/khách.
Tuy nhiên, thị trường chỉ thật sự sôi động khi cuối năm có thêm United Airlines vào cuộc. Hãng HK Mỹ đầu tiên bay trực tiếp đến VN này tung ra giá vé khứ hồi khuyến mãi giảm từ 1.500 USD xuống còn 900 USD/khách.
Phòng vé đại lý Đỉnh Vàng cho biết, vào thời điểm tháng 11 này, giá vé khứ hồi bay từ TPHCM đến Mỹ của Cathay Pacific chỉ còn 1.050 USD/vé, tặng thêm 1 chặng bay trong nội địa Mỹ chỉ có 1 USD/khách. Nếu đi từ 2 khách trở lên, giá vé của Cathay chỉ còn 897 USD/khách.
Giá vé của Vietnam Airlines, China Airlines, Eva Air còn 950 USD/khách. Thấp nhất là hãng HK Thái Lan - Thai Airway, giá vé khứ hồi TPHCM – Mỹ chỉ còn 840 USD/khách, nhưng phải quá cảnh tới 2 sân bay Băng-cốc và Narita (Nhật).
Không chỉ rẻ, giá vé máy bay hiện nay cũng được chào bán linh hoạt theo mùa. Mùa thấp điểm (quý 2 và 3), đường bay thẳng TPHCM đi châu Âu của Vietnam Airlines chỉ 799 USD/vé, nhưng hiện nay, giá khứ hồi đi Paris đã lên đến 980 USD/vé, của Air France 1.000 USD/vé.
Cuộc cạnh tranh nhộn nhịp của các hãng HK cũng kéo theo hệ thống đại lý bán vé máy bay vào cuộc. Để chiếm thị phần, hãng nào cũng chào mời những khoản hoa hồng hấp dẫn cho đại lý. Nhiều đại lý đã sử dụng phần hoa hồng thêm này để khuyến mãi, tặng dịch vụ thêm cho khách… Vé bán tại hệ thống đại lý của Công ty Đỉnh Vàng, Transviet, Fiditourist… thường rẻ hơn 5 - 10 USD trên giá công bố của các hãng HK.
Giá vé khứ hồi đi Nhật của Vietnam Airlines 783 USD/khách, nhưng nếu mua trên 2 khách, Đỉnh Vàng còn bớt thêm 10 USD, chỉ còn 773 USD/khách. Chưa kể, vé còn được giao tận nhà, tặng thêm xe đưa đón sân bay, làm thủ tục giúp, kể cả tư vấn để khách chọn đường bay nào ngắn nhất, giá mềm nhất…
Hành khách được chăm sóc tốt hơn
Thị trường hàng không sau 2 cơn khủng hoảng liên tục (vụ khủng bố 11-9-2001 và đại dịch SARS 2003), đã bắt đầu thời kỳ hồi phục với hàng loạt cải tiến. Vé máy bay ngày càng rẻ, lợi nhuận giảm hơn trước nhưng để tồn tại, hãng nào cũng thi nhau đầu tư máy bay mới. Đã hình thành “phong trào” đầu tư Boeing 777, Airbus A 340 thay cho các dòng máy bay cũ trên các tuyến đường dài.
Chưa bao giờ hành khách VN được chăm sóc tốt như hiện nay. Để cạnh tranh, Air France, China Airlines thuê hẳn đội ngũ tiếp viên người Việt phục vụ hành khách Việt. Cathay Pacific có nhân viên nói tiếng Việt giúp đỡ khách chuyển tiếp chuyến bay tại sân bay Hồng Công.
Ngược lại, Vietnam Airlines cũng tuyển dụng đội ngũ tiếp viên người Nhật, người Hoa trên các đường bay VN – Nhật, VN – Trung Quốc. Cathay Pacific, China Southern Air chăm chút hành khách đi vé hạng sang bằng loại ghế có thể chuyển thành giường riêng biệt, máy bay của Cathay còn có quầy bar, có thể kết nối Internet… China Airlines cạnh tranh bằng cách cải tiến thời gian chuyển tiếp. Hãng này đang giữ kỷ lục về thời gian chuyển tiếp máy bay từ TPHCM đi Mỹ quá cảnh Đài Loan chỉ mất 1 giờ 30 phút.
Các dịch vụ “ăn theo” hàng không cũng chuyển động. Tháng 11 này, hệ thống kinh doanh mạng bán vé đặt chỗ toàn cầu Abacus đã chính thức đưa vào thị trường VN phiên bản mới nhất Abacus Whiz 3.1.0. Hơn 270 công ty du lịch, đại lý vé máy bay đã đặt hàng kết nối dịch vụ này, bởi lẽ, đây là phần mềm giúp hành khách mua vé ở VN có thể dễ dàng đặt chỗ mua vé của hầu hết các hãng HK, xem lịch bay, chọn đường bay thuận lợi nhất, cũng như có thể đặt phòng khách sạn, mua bảo hiểm tại nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới.
Năm 2004 là thời điểm thuận lợi để đi du lịch. Để lấp đầy ghế, các hãng HK rất tích cực liên kết với các công ty du lịch tung ra giá tour trọn gói rẻ chưa từng thấy. Trong khi giá vé khứ hồi đi Thái Lan mùa thấp điểm và chỉ bán qua mạng rẻ nhất cũng 290 USD/vé, thì giá tour trọn gói đi Thái Lan 5 ngày chỉ có 249 USD/khách. Giá vé khứ hồi thấp nhất đi Đài Loan hiện nay 560 USD/vé thì giá tour trọn gói đi Đài Loan 3 ngày được China Airlines tung ra chỉ có 482 USD/khách.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Mỏ Sư Tử Đen: Doanh thu xuất khẩu đạt 1 tỷ USD
Sau một năm triển khai hoạt động khai thác dầu tại mỏ Sư Tử Đen, Công ty liên doanh điều hành Cửu Long đã khai thác được trên 27 triệu thùng dầu thô (tương đương 3,6 triệu tấn) và đạt doanh số xuất khẩu kỷ lục 1 tỷ USD.
Mỏ Sư Tử Đen có độ sâu 52m nước, thuộc lô 15.1 thềm lục địa Việt Nam, trong vùng biển Vũng Tàu.
Hiện sản lượng khai thác trung bình từ 7 giếng thuộc tầng móng khu vực phát triển khai thác giai đoạn 1của mỏ đạt trên 74.000 thùng/ngày.
Cùng với việc khai thác dầu từ mỏ Sư Tử Đen, Công ty Cửu Long đang triển khai kế hoạch phát triển mỏ dầu Sư Tử Vàng, thẩm lượng mỏ dầu-condensate-khí tại mỏ Sư Tử Trắng và thăm dò tiếp các tiềm năng dầu khí nhằm khai thác toàn bộ khu mỏ dầu khí Sư Tử thuộc lô 15.1 thềm lục địa Việt Nam.
(Theo TTXVN)
Về đầu trang
Gạo xuất khẩu được giá!
|
Bốc xếp gạo xuất khẩu. |
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN cho biết tổng sản lượng gạo xuất khẩu được các DN ký kết hợp đồng đã vượt quá con số 3,9 triệu tấn, trong đó có những hợp đồng giao hàng vào quí 1-2005.
Một quan chức hiệp hội cho biết đến hết tháng 10-2004, các DN đã xuất khẩu khoảng 3,4 triệu tấn gạo. Theo các DN xuất khẩu gạo, giá gạo VN xuất khẩu đã bắt đầu tăng từ giữa tháng 10-2004 đến nay, hiện giá gạo 5% tấm dao động 225-228 USD/tấn, tăng 10-13 USD/tấn so với mức giá cách nay một tháng. Giá gạo xuất khẩu tăng đã kéo giá lúa trong nước tăng 200-300 đồng/kg, hiện giá lúa mua vào của các DN từ 2.050-2.100 đồng/kg.
(Theo TT)
Về đầu trang |