Băn khoăn ''khái niệm'' trong Dự thảo Luật DNNN
07:53' 01/10/2003 (GMT+7)
Giao dịch quyền sở hữu đất của DNNN có khi mất tới hàng năm.

(VietNamNet) - Dự thảo Luật DNNN sửa đổi sẽ được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 4 ngày 20/10 tới. Bên cạnh những ý kiến cho rằng Dự thảo lần này có nhiều tiến bộ như đưa kiểm toán bắt buộc, cách phân chia lợi nhuận sau thuế, không hạn chế mức lương tối đa..., nhiều ý kiến của DN và nhà chuyên môn còn băn khoăn ở khâu đơn giản nhất là ''khái niệm'' trong luật.

Sở hữu Nhà nước - khái niệm còn trừu tượng

TS. Phạm Duy Nghĩa, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nhận định: ''Mọi yếu kém của DNNN đều bắt nguồn từ quan hệ quyền sở hữu tài sản không rõ ràng''. Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, các DNNN thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện cho sở hữu toàn dân nên từ năm 1991, các văn bản pháp luật của chúng ta đồng loạt chuyển tên gọi xí nghiệp quốc doanh thành DNNN với hy vọng làm rõ người quản lý sở hữu toàn dân là Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước cũng là một phạm trù rất trừu tượng, người dân chỉ cảm nhận được nhà nước thông qua các cơ quan của nó, được đại diện bởi những công chức cụ thể và hành vi của họ. Bởi vậy, nếu giao kết hợp đồng với DNNN, người ta cần biết ai có thẩm quyền kiểm soát những tài sản này.

Nhưng từ trung ương tới địa phương lại có quá nhiều cơ quan can dự vào việc sử dụng tài sản này như cơ quan chủ quản (tổng công ty hoặc các bộ, UBND), Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền xem xét cấp giấy phép đầu tư cho liên doanh, Bộ Tài chính có quyền xem xét giá thuê đất, Tổng cục Địa chính có quyền xem xét việc sử dụng và đăng ký quyền sử dụng đất, Văn phòng kiến trúc sư có quyền xem xét và phê chuẩn kế hoạch xây dựng, UBND địa phương có quyền can dự vào kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương và nhiều đơn vị, cơ quan khác liên quan đến đền bù và giải toả mặt bằng.

Do đó, các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần được sự đồng thuận của tất cả các cơ quan trên, một công việc tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chi phí giao dịch gia tăng dẫn đến các DNNN phản ứng rất chậm với thay đổi của thị trường và kém tính cạnh tranh.

Băn khoăn ''quyền'' của Chủ tịch HĐQT

Nhiều DNNN bày tỏ quan điểm, Dự thảo Luật chưa nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT với tài sản chung. Một đặc trưng rất ''Việt Nam'' là Chủ tịch HĐQT không hề có sở hữu bất kỳ một đồng vốn nào trong DNNN. Thực chất, chủ sở hữu của số vốn đó là Nhà nước và Chủ tịch HĐQT là người được Chính phủ và các cấp ngành giao phó việc quản lý vốn. Nhưng trong luật lại chưa quy định rõ Chủ tịch HĐQT là người của chủ sở hữu hay là người làm thuê cho nhà nước. Vì vậy, rất khó có thể buộc trách nhiệm tuyệt đối của Chủ tịch HĐQT với số vốn họ quản lý.

Phó Giám đốc Công ty Điện tử Hà Nội Nguyễn Quốc Bình thắc mắc, ''trong thực tế hiện nay, Tổng Giám đốc, Giám đốc DNNN với tư cách làm người đi làm thuê mà lại có thể trả lương cho Chủ tịch HĐQT (theo quy định thì Chủ tịch HĐQT mới là người đứng đầu DNNN) và suy cho cùng, chúng ta vẫn không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn này''.

Ngoài ra, Dự thảo Luật DNNN sửa đổi lần này cho phép Giám đốc DNNN được quyền quyết định tới 30% tài sản DN và HĐQT được quyền quyết định đến 50% tài sản DN đối với việc đầu tư, tăng giảm vốn, bán, vay, cho vay của DN. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dệt may Việt Nam cho rằng: ''Việc xử dụng tài sản DN để làm căn cứ giao quyền tài chính như vậy là không khoa học và chưa hề có trong thông lệ quốc tế. Tài sản DN được hình thành từ vốn sở hữu và vốn vay. DN càng vay nhiều thì tài sản càng lớn. Nếu giao thẩm quyền quyết định các vấn đề tài chính DN dựa trên tài sản thì vô cùng nguy hiểm và rủi ro cho sở hữu nhà nước vì Giám đốc của DN vay mượn càng nhiều thì càng có quyết định lớn''.

  • Phương Thanh
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ Thương mại cảnh cáo Công ty Nước giải khát quốc tế IBC (01/10/2003)
Leda Holdings xây dựng khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng (30/09/2003)
Ganon Hoa Kỳ khánh thành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam (30/09/2003)
Đóng cửa rừng mở nghề mới (30/09/2003)
Sự "nước đôi" của Cục Sở hữu công ngiệp (30/09/2003)
Hàng lưu niệm SEA Games 22 bằng vàng (29/09/2003)
Cổ phần hoá chậm do Nhà nước? (29/09/2003)
Cơ hội đưa sản phẩm gỗ vào Anh (29/09/2003)
Cải thiện môi trường lao động trong ngành da giày (27/09/2003)
Thêm hai công ty bán đấu giá cổ phần (26/09/2003)
Ban hành danh mục mới về thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được (26/09/2003)
VASEP thành lập Ủy ban Tôm Việt Nam (07/11/2003)
DRI thú nhận triền miên thua lỗ (25/09/2003)
Caravelle - khách sạn tốt nhất cho các thương nhân ở châu Á (25/09/2003)
Sẽ phải nhập 150.000 tấn phân urê mỗi tháng (24/09/2003)
Tro ve dau trang