Dự án nâng cấp Công ty Giấy Bãi Bằng giai đoạn 1:
Mỗi ngày thiệt hại 3,2 tỷ đồng vì chậm khâu… thủ tục
08:23' 20/10/2003 (GMT+7)

Một dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty Giấy Bãi Bằng.

Công ty Giấy Bãi Bằng đã tạm ngưng sản xuất từ tháng 7 để xây dựng và lắp máy (giai đoạn 1), nhằm nâng công suất bột và giấy lên gấp đôi. Đến nay, thiết bị máy móc đã về, chuyên gia lắp máy đã sang, nhưng công việc lại bị đình trệ do có một số gói thầu xây dựng chưa xong đấu thầu. Tính ra, sự chậm trễ này làm cho Giấy Bãi Bằng mỗi ngày thiệt hại ước tính 3,2 tỷ đồng.

Được xem là đơn vị có truyền thống và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, có quy mô lớn nhất trong ngành giấy Việt Nam, nhưng Công ty Giấy Bãi Bằng cũng không lường hết được khó khăn trong cơ chế và thủ tục xét duyệt đầu tư xây dựng cơ bản. Trước hết, trong dự toán, công ty chỉ tính toán phần xây dựng cơ bản hệ thống xử lý nước thải có 5 tỷ đồng, nhưng thực tế tăng lên đến 16 tỷ đồng. Hiện nay, công việc của gói thầu này đang dừng lại do dự toán công trình chưa được phê duyệt nên chưa tiến hành được công tác đấu thầu.

Tính toán của các chuyên gia cho thấy, tiến độ công việc chậm lại theo ước tính ít nhất là 50 ngày. Song song đó, phần xây dựng và lắp đặt máy mới thì cơ bản phần móng bê tông cho máy mới đã đổ xong, hiện chỉ chờ lắp máy. Cũng như công trình trên, dự toán của gói thầu này chưa được phê duyệt nên chưa thể làm thủ tục đấu thầu, khả năng mọi thủ tục được thông qua ít nhất mất 25 ngày.

Như vậy, sự ách tắc trong quá trình phê duyệt dự toán của 2 công trình trên làm cho chủ đầu tư là Giấy Bãi Bằng và hai nhà cung cấp thiết bị là Elof Hansson và Marubeni bị thiệt hại nghiêm trọng. Về phía các nhà cung cấp máy, kế hoạch sử dụng chuyên gia của họ cũng bị phá sản. Bởi đây là những chuyên gia hàng đầu, đã có kế hoạch đi lắp máy ở khắp các nước, cho từng dự án, đã được bố trí sát sao từng ngày.

Do vậy, mỗi ngày không sử dụng chuyên gia, chi phí cho chuyên gia vẫn mất 900 USD/người, trong khi nếu hết thời hạn theo hợp đồng là chuyên gia phải đi đến làm việc tại các dự án khác theo kế hoạch đã ký kết từ trước. Theo ước tính của chính Công ty Giấy Bãi Bằng, dự án đầu tư nâng cấp giai đoạn 1 này cứ chậm một ngày thì ngày ấy công ty thiệt hại 3,2 tỷ đồng.

Trước tình hình này, hai nhà cung cấp thiết bị Elof Hansson và Marubenni đã bốn lần làm công văn yêu cầu phía Việt Nam có những biện pháp cấp bách nhằm thúc đẩy tiến độ công việc theo kế hoạch, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh.

Công ty Giấy Bãi Bằng cũng kiến nghị để vận dụng linh hoạt các qui chế nhằm giảm bớt thiệt hại, cần cho phép tiếp tục đóng cọc bê tông khu xử lý nước thải, chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây bể sau này. Đặc biệt với phần lắp máy, Bãi Bằng đề nghị được mời một đơn vị lắp máy có kinh nghiệm nhất trong việc lắp đặt các thiết bị ngành giấy tiến hành lắp đặt trước một số cấu kiện lớn, phức tạp, mất nhiều thời gian như bộ hâm nhà máy phát điện, tháp chưng bốc màng rơi của phân xưởng bột, tháp oxy hóa, tháp clo hóa, bộ phận ướt (lưới, ép) xeo 1 và 2. Sau khi đấu thầu, đơn vị nào trúng sẽ hoàn trả lại phần chi phí đã làm cho đơn vị lắp trước. Tuy nhiên, phía Bộ Công nghiệp và các nhà cung cấp thiết bị không cho đây là ý tưởng hay, vì lo ngại sự chuyển giao như vậy liệu có làm cho các bên tham gia làm hết sức mình để đảm bảo chất lượng công trình hay không.

Thêm vào đó, Elof Hansson cho rằng, kiến nghị của Bãi Bằng tạm thời sử dụng hệ thống xử lý nước thải cũ trong khi hệ thống máy mới đã chạy là không nên. Nguyên nhân do một phần công trình xử lý nước thải do SIDA tài trợ, nếu hệ thống nước thải này không hoạt động thì sẽ làm mất uy tín của cả nhà thầu này và chủ đầu tư. Chắc chắn nhà tài trợ sẽ bắt phải giải trình chi tiết và tiến độ công việc vì vậy càng chậm trễ hơn.

Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm (Bộ Công nghiệp), bộ yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam phải tiến hành xem xét và phê duyệt nhanh dự toán các gói thầu nhưng cũng phải nghiêm túc đảm bảo không vi phạm các quy trình thủ tục nhà nước qui định, không để dự án bị thất thoát và bảo đảm chất lượng các công trình.

(Theo SGGP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhiều tour và chiêu thức mới (20/10/2003)
Khánh thành công ty thứ 3 của New Zealand ở Bình Dương (18/10/2003)
Life Resort Quy Nhơn hy vọng sẽ kín phòng mùa đông 2003 (17/10/2003)
Doanh nghiệp trong nước vẫn 'quên' sen, vòi (17/10/2003)
Các khách sạn lớn đã kín phòng trong dịp SEA Games (17/10/2003)
Sẽ xuất xưởng ôtô đầu tiên trong quý I/2004 (17/10/2003)
Câu lạc bộ 3 triệu USD chiếm hơn 80% tỷ trọng xuất khẩu toàn thành phố (17/10/2003)
Đà Nẵng khánh thành xưởng sản xuất dây cáp điện PC3 – CADIVI (17/10/2003)
Microsoft giúp khách hàng bảo vệ mạng máy tính (17/10/2003)
TP.HCM có thêm 1 khách sạn 5 sao (16/10/2003)
Honda Việt Nam nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (16/10/2003)
Khánh thành nhà máy Sumitomo Bakelite Việt Nam (16/10/2003)
Thành lập công ty về chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (16/10/2003)
DN xuất cat.342/362 nên ''tự cứu mình'' trước (16/10/2003)
Tổng công ty Cao su khai trương văn phòng đại diện tại Nga (15/10/2003)
Tro ve dau trang