|
Logo kem Kido's của Kinh Đô. |
(VietNamNet) - Chuyện Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall's từ tập đoàn Uniliver hồi tháng 3 vừa qua đã từng tạo một sự kiện đáng chú ý trên thương trường, nhưng cũng đặt DN này trước nhiều thách thức vì họ chỉ được giữ thương hiệu Wall's đến hết năm 2004. Kem Kido's chính là sự lựa chọn của Kinh Đô cho để thế Wall's.
Theo kế hoạch của Kinh Đô, từ tháng 11 này đến tháng 4/2004, họ sẽ đưa vào thị trường 70% logo Kido's và giữ lại 30% logo Wall's. Giai đoạn 2 từ tháng 4 đến hết năm 2004, họ sẽ tung 100% logo Kido's ra thị trường. Thương hiệu Kido's ra đời được Kinh Đô hy vọng sẽ tạo ra nhãn mới đủ mạnh trên thị trường trước khi kết thúc năm 2004 và thay thế hoàn toàn Wall's.
Kido's được giao một trọng trách khá lớn: thay thế biểu tượng kem Wall's vốn đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Những chuẩn bị cho sự ra đời và chiếm lĩnh thị trường này đang được Kinh Đô từng bước tung ra. Từ áo cho đội ngũ bán hàng, các xe đẩy, xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ, trung, lớn, tấm bạt đến những chiến lược marketing chi tiết, những hoạt động PR, quảng cáo, khuyến mại, thử kem... với mục tiêu ''xây dựng hình ảnh của kem Kido's rộng rãi trong người tiêu dùng cả nước''.
|
Kinh Đô đảm bảo độ an toàn thực phẩm của Kido's. |
Thương hiệu Wall's trước đó đã quen thuộc với các sản phẩm kem ăn Paddle Pop Chocolate, dâu, trái cây, mini, Mr.Cola, Split, Feast... Với Kido's, Kinh Đô tiếp tục đưa ra những sản phẩm mới như: milki, milki mini, kem hũ với các mùi như vanilla, dứa, chocolate, sữa, dừa, trái cây, vanilla dâu... với lời hứa hẹn sẽ mang ''hương vị cổ điển, được ưa thích trên khắp thế giới'' và ''hương vị đặc trưng, gần gũi đến cho mọi người Việt Nam''.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kinh Đô khẳng định: ''về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm Kido's được bảo đảm tuyệt đối, Kinh Đô sẽ nhanh chóng đưa ra thị trường sản phẩm bình dân đến cao cấp sao cho phù hợp với khẩu vị và sở thích của người tiêu dùng mọi giới''.
Với 115 nhà phân phối và gần 4.000 điểm bán lẻ trên cả nước của kem Wall's (chiếm khoảng 50% thị phần kem Việt Nam) cộng với 20.000 điểm kinh doanh sản phẩm của Kinh Đô (siêu thị, bakery, cửa hàng nhỏ), Kinh Đô đang vào kỳ vọng vào thương hiệu Kido's.
Việc các công ty nước ngoài mua lại thương hiệu của DN trong nước đã có không ít như công ty Phương Đông bán P/S cho Uniliver hay đối tác nước ngoài trong liên doanh bia Đông Nam Á mua thương hiệu bia Halida... Nhưng giờ đây, DN Việt Nam đã có thể mua thương hiệu nước ngoài như Vinabico mua lại cổ phần từ phía Kotobuki (Nhật), Công ty Hoa Lâm mua lại quyền sử dụng thương hiệu động cơ xe máy Daelim của Hàn Quốc và tiếp đó là Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall's từ tập đoàn Uniliver. Đây là tín hiệu chứng tỏ sức sống và sự phát triển quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tiếp cận với cơ chế thị trường một cách đầy đủ và các DN nội địa đã biết coi trọng thương hiệu. Nhưng, bên cạnh đó, để phát huy hết lợi thế và xứng đáng với cái giá đã bỏ ra cho việc mua lại thương hiệu phải là một chiến lược kinh doanh được tính toán kỹ lưỡng và đưa đến thành công. |
|