Sẽ có 70% đại lý bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa?
07:44' 18/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Những bước chuẩn bị từ Bộ Thương mại và Petrolimex để thực hiện Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu đang làm cho nhiều đại lý bán lẻ ''ăn không ngon, ngủ không yên'' bởi họ có thể phải đóng cửa bất cứ lúc nào.

Rất có thể 70% các cây xăng ngoài hệ thống Petrolimex sẽ thua lỗ.

Bị làm khó...

Theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu, kể từ 1/1/2004, loại hình kinh doanh này sẽ hoàn toàn tuân theo cơ chế thị trường. Để tập dượt thực hiện chủ trương này, Tổng công ty Xăng dầu - Petrolimex đã tiến hành ký hợp đồng có thời hạn 3 tháng (từ 1/10/2003) với các đại lý theo mức hoa hồng cố định là 170 đồng/lít. Đồng thời, bản hợp đồng còn quy định: doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng làm đại lý với duy nhất Petrolimex, đăng ký số lượng cố định và phí thanh toán ngay sau khi nhận hàng 2-3 ngày chứ không được nợ gối đầu như trước.

Đứng trước bản hợp đồng mới với nhiều điều khoản bó hẹp, rất nhiều doanh nghiệp đã ngần ngại không ký kết. Đa số đành phải chấp nhận mức hoa hồng 70-80 đồng/lít dành cho các doanh nghiệp không ký hợp đồng với Petrolimex để chờ sau 3 tháng xem sao. Nhiều ý kiến cho rằng: các quy định mới đang làm khó cho doanh nghiệp bán lẻ, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bởi vì, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể liên tục bán ra một lượng xăng dầu ổn định cả trong ngày nắng cũng như ngày mưa, để đăng ký số lượng cố định. Trong khi đó, nếu vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng ngay. Hơn nữa, mức hoa hồng 170 đồng/lít là không hợp lý. Theo tính toán của Petrolimex, năm 2002, để bán một lít xăng phải chi phí khoảng 207 đồng. Như vậy, mức hoa hồng này không đủ để  ''bù đắp chi phí'', chưa nói đến nhiều cây xăng nhỏ, ở xa trung tâm có lượng bán ít, chi phí phải lên tới 400 đồng/lít. Trong khi đó, các đại lý luôn phải tuân thủ nguyên tắc ''thường xuyên bán xăng dầu ra thị trường kể cả thời điểm lỗ'' và hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Ông Nguyễn Bá Vân - Công ty XNK Đầu tư và kinh doanh Hà Nội cho biết: ''Với mức hoa hồng này, khoảng 70% các cây xăng ngoài hệ thống Petrolimex sẽ thua lỗ, riêng cây xăng của ông mỗi tháng lỗ tới 40 triệu đồng. Còn ông Trịnh Văn Phượng, Giám đốc Công ty Thụy Dương tính toán với VietNamNet rằng: ''Cây xăng của ông chỉ có thể trở thành đại lý độc quyền cho Petrolimex với hoa hồng tối thiểu là 200 đồng/lít. Còn không, ông và các đại lý ngoài quốc doanh chỉ dám ký hợp đồng mua bán với Petrolimex như trước đây để khỏi bị ràng buộc''.

Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu cho phép các doanh nghiệp tự quyết định giá trên cơ sở giá định hướng của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình mà không còn được nhà nước bù lỗ. Chính phủ chỉ can thiệp khi có biến động thị trường bằng những biện pháp kinh tế hành chính cụ thể.

Petrolimex là đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn nhất hiện nay. Có tới 2.500/4.000 điểm kinh doanh xăng dầu ngoài hệ thống Petrolimex của cả nước vẫn hầu như phụ thuộc vào một đối tác lớn nhất là Petrolimex. Vì thế, nếu Petrolimex áp dụng mẫu hợp đồng hiện nay cho tất cả các đại lý vào năm tới thì sẽ khiến cho rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhỏ phải bỏ kinh doanh xăng dầu sang buôn bán mặt hàng khác.

Có thể hiểu Petrolimex đưa ra bản hợp đồng trên với mục đích tăng cường quản lý, không để xảy ra những hiện tượng tiêu cực như trong cơn sốt xăng dầu đầu năm 2003. Nhưng các doanh nghiệp cho rằng, cách làm này là không phù hợp vì nguyên nhân chính của mọi tiêu cực là do chính sách giá trước đây kém linh hoạt, tỷ lệ hoa hồng thường bị sụt giảm khi có biến động tăng giá đầu vào. Nay các doanh nghiệp nhập khẩu được tự quyết định giá nhưng lại quy định mức hoa hồng quá thấp thì sự hấp dẫn của cơ chế mới đã không còn.

... và không được chọn đối tác

Một bước chuẩn bị khác cho việc thực hiện QĐ 187 của Bộ Thương mại là xây dựng Quy chế Đại lý kinh doanh xăng dầu. Nhưng ngay từ trong dự thảo, Quy chế này đã khiến cho các doanh nghiệp lo lắng khi quy định ''chỉ được làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một doanh nghiệp đầu mối hoặc tổng đại lý''. Ông Ngô Thanh Huy - Chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Huy (Hà Nội) cho biết: Thực tế, từ trước đến nay, các doanh nghiệp luôn ký hợp đồng mua bán xăng dầu với 3-4 đầu mối kinh doanh khác nhau và hưởng mức hoa hồng theo quy định của các đầu mối đó. Nhưng nay, chỉ được phép làm đại lý cho một doanh nghiệp duy nhất thì rất khó. Ông Huy lập luận rằng: ''Chúng tôi là doanh nghiệp thì tất nhiên phải được quyền lựa chọn đối tác cho mình mình. Ví dụ, tôi ký với Petrolimex, nhưng thấy PTEC làm ăn có bài bản hơn, có hoa hồng cao hơn, nhiều ưu đãi hơn thì chúng tôi có quyền chọn họ làm đối tác của mình. Quy định này là đi ngược lại với cơ chế thị trường, thậm chí vi phạm Luật Doanh Nghiệp. Quy định như vậy, có phải lại quay về với cơ chế kinh doanh độc quyền không?''.

Các doanh nghiệp cho rằng sự lo lắng của Bộ Thương mại về chuyện: xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nếu làm đại lý cho nhiều đầu mối thì việc trộn lẫn xăng dầu với nhau sẽ như thế nào? Có cần phải cùng đưa vào một bể chứa không? Hơn nữa, vấn đề này còn liên quan đến các quy định khác của Dự thảo Quy chế như: bán đúng giá do doanh nghiệp đầu mối quy định; biển hiệu nơi bán hàng phải ghi rõ tên, biểu trưng của doanh nghiệp đầu mối... là hơi quá. Bởi vì, theo ông Huy, về nguyên tắc, thì tất cả các loại xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam đều phải được kiểm nghiệm chất lượng theo những tiêu chí thống nhất. Cho nên, về khía cạnh khoa học, không có gì đáng ngại khi trộn lẫn xăng A92 của Petrolimex với A92 của PTEC. Còn vấn đề doanh nghiệp gian lận dựa trên chênh lệch giá cũng không đáng ngại vì các đầu mối sẽ có giá bán gần giống nhau do cùng chịu sự chi phối của giá nhập khẩu trên thế giới, giá định hướng của Nhà nước ban hành và đặc biệt là sự điều phối cân bằng của cơ chế thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ còn chịu nhiều sự kiểm tra, quản lý của Nhà nước nên việc ngăn chặn gian lận có nhiều cách chứ không nên bó buộc doanh nghiệp chỉ được phép làm đại lý duy nhất cho một đầu mối nhập khẩu. Về lâu dài, vấn đề này có thể được giải quyết dứt điểm nếu để đại lý quyết định giá lẻ cho người tiêu dùng trên cơ sở giá định hướng của Nhà nước; doanh nghiệp đầu mối chỉ bán cho đại lý theo giá bán buôn mà thôi. Như vậy, Nhà nước vẫn vừa kiểm soát được giá trên cơ sở giá định hướng mà vẫn đảm bảo cho thị trường xăng dầu hoạt động một cách lành mạnh và phát triển theo đúng cơ chế thị trường, theo quy luật cung - cầu...

  • Nguyên Phong

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đình chỉ nhiều doanh nghiệp XKLĐ sang Đài Loan (17/11/2003)
Lần đầu tiên VN có "bệnh viện" máy tính (17/11/2003)
Vinamilk đầu tư 1.358 tỷ đồng mở rộng sản xuất (17/11/2003)
P900 - nhạc chuông điện thoại di động có lời (17/11/2003)
May đo áo dài trên mạng (17/11/2003)
Cầm cố quyền khai thác để có vốn thi công (17/11/2003)
Quy định mới của FDA về thủ tục nhập khẩu hàng vào Mỹ (17/11/2003)
S-Fone thừa nhận có sự nhầm lẫn! (16/11/2003)
Trên 110 DN tham gia EPM Vietnam (15/11/2003)
Vietnam Airlines phát triển quan hệ đối tác (15/11/2003)
SATRA chuẩn bị hơn 350 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thân (14/11/2003)
Xây dựng Bảo Việt thành tập đoàn tài chính - bảo hiểm mạnh (14/11/2003)
Bình nước nóng vào "mùa" (14/11/2003)
Nhiều mặt hàng nông sản tăng giá mạnh (14/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang