Doanh nghiệp Việt Nam ''xoay xở'' với chiến tranh
14:26' 02/04/2003 (GMT+7)
Doanh nghiệp Việt Nam đang theo dõi cuộc chiến tại Iraq và đang tìm cách hạn chế những tác động xấu của một thị trường thế giới đầy biến động.

Xuất khẩu thời chiến tranh

Ông Nguyễn Đăng Chi, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại cho biết, hợp đồng xuất khẩu 500.000 tấn gạo của Việt Nam cho lraq nằm trong Chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hợp Quốc đã bị vô hiệu khi chiến tranh xảy ra.

Ông Chi khẳng định: "Chiến tranh tại lraq là điều đã được dự báo. Chỉ có điều, gạo Việt Nam dự kiến xuất khẩu sang lraq là loại gạo chỉ phù hợp với thị trường Trung Đông, vì vậy chúng ta phải tìm cho được một nước Trung Đông khác và chúng tôi đã ký được hợp đồng bán lô hàng này". Cũng do đã dự báo trước được tình hình, theo ông Chi, Bộ Thương mại đã yêu cầu các doanh nghiệp ''càng ký được nhiều hợp đồng bán gạo càng tốt'' và riêng trong quý I năm nay, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng bán khoảng 2 triệu tấn gạo, vượt 1 triệu tấn so với quý I các năm trước. ''Tôi cho rằng dù thế nào thì mục tiêu xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo năm nay là hiện thực", ông Chi nói.

Châu Á vẫn được coi là thị trường trọng tâm của gạo Việt Nam với ba thị trường chính là Philippines, lndonesia và Malaysia. Với châu Á, Bộ Thương mại sẽ đẩy mạnh xuất khẩu theo cả hợp đồng Chính phủ và hợp đồng thương mại. Riêng với thị trường châu Phi, bên cạnh việc bán hàng qua trung gian, các quan chức của Bộ Thương mại cho rằng để đảm bảo cho việc xuất khẩu gạo, cần ký thêm một số hiệp định thương mại song phương, hiệp định về thanh toán qua ngân hàng và một số thỏa thuận cấp Chính phủ về việc mua bán gạo như đã làm với Angola. (Hiện nay Nigeria cũng đang quan tâm đến việc này). Với thị trường châu Âu, sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo sang Nga, từ đó tỏa đi các thị trường thuộc Liên Xô cũ bằng việc thành lập trung tâm thương mại tại Nga để hỗ trợ công tác xúc tiến. 

Nhưng không phải ngành hàng nào cũng thuận lợi như xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Thiện Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), nói khó khăn trong việc xuất khẩu chè vào thị trường Trung Đông ''nằm ngoài cố gắng của Vinatea'' và cho biết, thứ năm tuần này (27/3), theo chương trình, lãnh đạo Vinatea sẽ có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tìm biện pháp tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại, mặc dù hiện nay chè Việt Nam đã xuất hiện ở 52 nước trên thế giới, nhưng thị trường lraq vẫn chiếm 25-30% sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2002 Việt Nam xuất khẩu khoảng 71.200 tấn chè, tăng khoảng 6% so với năm 2001, nhưng do giá xuất khẩu giảm 9% nên kim ngạch cũng đã giảm 3%. Năm 2003, Bộ Thương mại đề ra kế hoạch xuất khẩu 75.000-80.000 tấn chè, đạt kim ngạch khoảng 80 triệu USD.

''Do tầm quan trọng của thị trường lraq, khi chiến tranh đã xảy ra, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu này", một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận.

Ông Lê Nho Ba, Giám đốc Nhà máy Chế biến nông lâm sản xuất khẩu (Afpex) cho biết, Trung Đông là thị trường tiêu thụ hầu hết sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ của nhà máy. Nhưng từ cuối năm 2002, giao dịch với đối tác ở khu vực này đều tắc nghẽn, nay chiến tranh xảy ra càng khó hơn.

Giờ đây Afpex phải làm lại từ đầu, nhưng lần này là vào thị trường Trung Quốc. Ông Ba cho biết, Afpex đang chuẩn bị các thủ tục để tháng 6 tới sẽ đưa đại lý của mình tại Trung Quốc đi vào hoại động. Afpex cũng vùa ký hợp đồng thuê 210m2 trong siêu thị ASEAN ở Cô Cầu, thành phố nằm trên trục đường Lào Cai đi Côn Minh, là giao điểm trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc với Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Tương tự Afpex, Công ty cổ phần WEC Sài Gòn cũng đang gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ hơn 90% sản phẩm may của công ty là Ảrập Xêút, nước có chung đường biên giới với lraq. Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, WEC đang thực hiện những đơn hàng cũ, nhưng rất có thể 1-2 tháng tới đơn hàng vào thị trường này sẽ bị ngưng trệ. Trong khi đó, WEC chưa kịp tìm bạn hàng ở các thị trường khác.

Mở và khép

Tuần trước, khi có trường hợp đề nghị bảo hiểm cho các lô hàng đi lraq, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Bảo hiểm hàng hải của Công ty Bảo hiểm TP.HCM (Bảo Minh), chỉ làm một động tác đơn giản là: ''Chuyển phòng tái bảo hiểm''. Đấy là ông làm theo chỉ dẫn của Uỷ ban Lượng định rủi ro chiến tranh London: các công ty bảo hiểm nếu nhận được đề nghị bảo hiểm hàng đi lraq thì phải thông báo cho uỷ ban và chỉ đặt bút ký hợp đồng sau khi một công ty bảo hiểm quốc tế chập thuận tái bảo hiểm.

Tuy nhiên tuần này, mặc dù tình hình chiến sự Iraq đang diễn ra ngày càng căng thẳng. Uỷ ban đã bật đèn xanh cho các công ty bảo hiểm tự quyết định số phận của các lô hàng muốn xuất đi lraq nói riêng và vùng Vịnh nói chung. Theo đó ủy ban chia vịnh Persic thành ba vùng: Vùng H/C (tức phải có xác nhận của công ty tái bảo hiểm quốc tế), vùng áp dụng mức phí rủi ro chiến tranh cao (0,1% trên trị giá lô hàng) và vùng áp dụng mức phí rất cao (0,25% trên trị giá lô hàng). Thông thường mức phí bảo hiểm chiến tranh theo thị trường bảo hiểm London tối thiểu là 00,05%. Tuy nhiên, sau khi Bảo Minh từ chối bảo hiểm cho lô hàng dầu ăn của Vocarimex tuần trước, cho đến nay chưa có thêm doanh nghiệp nào đề nghị được bảo hiểm.

Nhưng hiện Bảo Minh đang có một nỗi lo khác. Các lô hàng dầu ăn, sữa, xà phòng... trị giá khoảng 6 triệu USD do Bảo Minh bảo hiểm hiện đang lưu thông trong nội địa lraq và công ty vẫn chưa biệt số phận của những lô hàng này ra sao. ''Theo hợp đồng đã ký, trách nhiệm bảo hiểm của chúng tôi chỉ kết thúc sau khi hàng được giao đến kho thay vì chỉ đến cảng như một số công ty bảo hiểm khác. Các chủ hàng vẫn chưa thông báo cho chúng tôi biết về tình trạng hàng hóa và những gì chúng tôi có thể làm hiện nay là chờ đợi''.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số lô hàng khác do Bảo Minh bảo hiểm hiện đang được lưu kho tại cảng Dubai sau khi các tàu không cập được cảng Umm Qasr (lraq) nên quay về tập kết hàng tại đây. Tuy nhiên, chi phí lưu container sẽ do các hãng tàu gánh chịu. Trong khi đó, các nhà bảo hiểm như Bảo Minh sẽ phải chịu trách nhiệm về các rủi ro xảy đến trong quá trình lưu kho như cháy nổ...

Tình hình ở Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) có phần nào dịu hơn. Theo bà Phạm Châu Loan - Trưởng phòng Bảo hiểm hàng hóa của Bảo Việt, trong tuần này Bảo Việt cũng không nhận được thêm đề nghị bảo hiểm nào mới. Bà cho biết, trước khi xảy ra chiến tranh, trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa đi Iraq và các nước lân cận của Bảo Việt có điều khoản ''thông báo hủy bỏ'', tức hợp đồng bảo hiểm chiến tranh sẽ được huỷ bỏ sau khi người bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm thông báo trong vòng 48 giờ kể từ nửa đêm ngày thông báo hủy bỏ. Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị Bảo Việt thông báo hủy bỏ có giá trị khoảng 7 triệu USD, trong đó có khoảng 5 triệu USD là hàng nhập khẩu (phân bón, lưu huỳnh, nhựa đường... ) và 2 triệu USD hàng xuất khẩu (gạo, gỗ thành phẩm...).

Tuy nhiên, bà Loan cho biết hợp đồng bảo hiểm có thể khôi phục lại sau khi có sự thỏa thuận giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm trước khi thông báo hủy bỏ hết hạn với mức phí cao hơn khoảng 2-5 lần. Bảo Việt hiện đã khôi phục lại hợp đồng bảo hiểm cho Công ty Vật tư nông nghiệp I Hải Phòng và Công ty Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao.

Trong khi các nhà bảo hiểm mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp đưa hàng đi vùng Vịnh thì các hãng tầu lại khép bớt hoạt động trên các tuyến này lại. Một đại diện của hãng Hapag Lloy cho biết hãng này đã ngưng các tuyến đi lraq kể từ khi chiến tranh xảy ra và tuần này bắt đầu ngưng nhận hàng đi Kuwait do đây cũng là một điểm nhạy cảm của vùng chiến sự. Các tuyến đi đến các nước vùng Vịnh khác vẫn còn hoạt động, tuy nhiên cước phí phải được trả trước. Hiện nay phụ phí bảo hiểm chiến tranh thu trên các tuyến đi các nước này là 55 USD/TEU (container 20 feet).

Ông Võ Xuân Bình, phụ trách tuyến Trung Đông của hãng P & O Nedlloyd, cho biết, ngoại trừ lraq, hãng vẫn còn nhận hàng đi các tuyến khác tới vùng Vịnh. Tuy nhiên, ngoài mức phí bảo hiểm chiến tranh 55 USD/ TEU, hàng hóa đi Kuwait còn phải trả thêm một mức gọi là phụ phí chiến tranh khẩn cấp 150 USD/TEU.

(Theo TBKTSG)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Petro VietNam đang tham gia 25 dự án thăm dò dầu khí với đối tác nước ngoài (02/04/2003)
Nhiều doanh nghiệp phần mềm không tìm được nhân viên (01/04/2003)
Giúp DN quản l‎ý và tích hợp thông tin kinh doanh (01/04/2003)
Dệt may Việt Nam sau 2004 tại thị trường EU (28/03/2003)
Apave cung cấp dịch vụ giám định các tòa nhà cao tầng (28/03/2003)
Dự án ADB3 sẽ không chậm thêm nữa (27/03/2003)
Nhà máy Sơn bột Akzo Nobel hoạt động (26/03/2003)
Quỹ Mekong đầu tư cho Nhựa Tân Đại Hưng (24/03/2003)
Metro Cash&Carry đang tìm... lò mổ ở phía Bắc (17/03/2003)
Nâng giá thu mua hạt điều lên 8.000 đồng/kg (13/03/2003)
VNPT và ANZ hợp tác cung cấp dịch vụ chuyển tiền (06/03/2003)
Xuất khẩu gạch giả gỗ sang Nhật (04/03/2003)
Năm nay VNPT sẽ phát triển thêm 10.000 thuê bao Internet (04/03/2003)
TP.HCM khai trương dịch vụ di động nội vùng Cityphone (27/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang