Xác định giá thành philê đông lạnh cá tra, cá basa:
VASEP yêu cầu DOC tính theo quy trình sản xuất liên hoàn
19:31' 02/06/2003 (GMT+7)
Giá thành cá basa tại Việt Nam khá thấp nhờ đầu vào rẻ.

(VietNamNet) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa công bố “Sách trắng” về phương pháp tính giá thành sản phẩm philê đông lạnh cá tra, cá basa. Theo đó, “Sách trắng” chứng minh rõ ràng rằng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cần phải sử dụng phương pháp tính toán giá thành đối với sản phẩm philê đông lạnh cá tra, cá basa theo quy trình sản xuất liên hoàn của các DN Việt Nam.

VASEP cho rằng, căn cứ trên các quy định pháp lý của Hoa Kỳ về chống bán phá giá; các tiền lệ về phương pháp tính biên phá giá đối với nông sản, thực phẩm mà DOC đã áp dụng trong các vụ kiện trước đây; căn cứ trên số liệu thực tế mà DOC thu thập được trong vụ kiện, thì không có lý do gì để Bộ Thương mại Hoa Kỳ không sử dụng quy trình sản xuất liên hoàn khi xác định giá thành philê đông lạnh cá tra, cá basa.

5 yếu tố DOC cần xem xét

1/ Các công ty Việt Nam đã thực hiện quy trình sản xuất liên hoàn: Họ có các trại sản xuất cá giống, tại đó đã nuôi cá bố mẹ để lấy trứng, ấp nở trong điều kiện nhân tạo rồi ương thành cá bột và cá giống; các bè và ao để nuôi cá con thành cá thịt cho đến khi thu hoạch. Các nhà máy đặt tại ĐBSCL, chế biến cá nguyên con thành philê đông lạnh và xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Quy trình sản xuất liên hoàn, với nhiều công đoạn, đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân và gia đình họ, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế vùng ĐBSCL.

2/ Thông lệ của DOC là sử dụng các yếu tố sản xuất thực tế của các bị đơn để tính biên phá giá: Trong tất cả các vụ kiện chống bán phá giá nông phẩm trước đây liên quan đến các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, DOC luôn sử dụng các yếu tố sản xuất thực tế của các bị đơn để tính biên phá giá, vì các yếu tố này phản ánh chính xác hơn thực tiễn sản xuất của từng bị đơn. Ví dụ, trong vụ kiện tỏi tươi, vụ kiện nấm sơ chế nhập khẩu từ Trung Quốc, DOC đã sử dụng các yếu tố sản xuất trong cả giai đoạn trồng và giai đoạn chế biến tỏi, nấm để tính giá trị thông thường của bị đơn.

Giai đoạn cuối của vụ kiện:

- 16/6/2003: Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố quyết định cuối cùng về vụ kiện cá tra, basa.

- 17/6/2003: Các bên điều trần tại Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ

- Cuối tháng 7: Công bố kết quả cuối cùng về vụ kiện.

3/ Quyết định sơ bộ của DOC: Trong quyết định sơ bộ, DOC đã bác bỏ những thông tin chi tiết do các bị đơn Việt Nam cung cấp, liên quan đến các công đoạn lấy trứng, sản xuất cá giống, nuôi thương phẩm và thu hoạch cá. Thay vào đó, họ giả định là các bị đơn Việt Nam đã mua cá thịt trên thị trường tự do, từ những nhà cung cấp bên ngoài, và sử dụng giá cá bán lẻ tại Bangladesh để tính biên phá giá. Bằng cách này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phóng đại giá thành được sử dụng khi tính biên phá giá, vì giá cá trên thị trường tự do bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với tổng các chi phí về lao động, thức ăn, năng lượng và các chi phí khác của quá trình sản xuất liên hoàn (lấy trứng, ương nở, nuôi, thu hoạch cá) tại cơ sở sản xuất của các bị đơn.

4/ Quan chức DOC đã trực tiếp kiểm tra trại cá giống, trại nuôi cá thịt và nhà máy chế biến tại Việt Nam: Trên cơ sở các cuộc phỏng vấn, tài liệu, hình ảnh và các thông tin khác do các quan chức DOC thu thập được, báo cáo điều tra xác minh của DOC khẳng định rằng, các nhà xuất khẩu Việt Nam thực tế đã và đang sử dụng quy trình sản xuất liên hoàn từ lấy trứng, cho nở, ương cá con, nuôi cá thịt, thu hoạch và chế biến cá tra và cá basa. Dựa trên kết quả điều tra của DOC, chỉ có thể đưa ra một kết luận hợp lý duy nhất, đó là: số liệu thực tế về quy trình sản xuất liên hoàn của các bị đơn Việt Nam phải được sử dụng trong tính toán biên phá giá để đưa ra quyết định cuối cùng.

5/ DOC cần áp dụng quy trình sản xuất liên hoàn để tính biên phá giá theo thông lệ và kết quả điều tra, xác minh của họ.
Thông lệ từ nhiều năm của DOC, quy định rõ ràng của luật chống phá giá cũng như kết quả điều tra xác minh tại chỗ của chính DOC đều là cơ sở vững chắc cho việc sử dụng các thông tin về hoạt động sản xuất thực tế của các bị đơn Việt Nam trong việc tính biên phá giá.

Kết luận phải công bằng và khách quan

Gần một năm qua, mặc dù nhiều lần phản đối vụ kiện vô lý của Hiệp hội Chủ trại cá nheo Mỹ (CFA) và đã đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định các DN Việt Nam không bán phá giá sản phẩm philê đông lạnh cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ, VASEP vẫn tỏ rõ thái độ thiện chí để tìm giải pháp hợp lý cho vụ tranh chấp này. Hiệp hội và các thành viên đã cộng tác chặt chẽ với DOC và các cơ quan hữu quan Hoa Kỳ trong quá trình xem xét vụ kiện. Đặc biệt, 4 DN sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất (Agifish, Cataco, Nam Việt và Vĩnh Hoàn) đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn chuyên viên cao cấp của DOC trong thời gian họ tiến hành thẩm tra thực tế ở ĐBSCL.

Đến nay, các quan chức của DOC đã được cung cấp đầy đủ thông tin, đã có hàng ngàn trang số liệu, đã đủ điều kiện để thẩm tra kỹ càng những gì họ muốn, đã tận mắt thấy rõ các DN Việt Nam đang áp dụng quy trình liên hoàn, từ sản xuất cá bột, ương cá con, nuôi cá thương phẩm, đến chế biến và xuất khẩu sản phẩm philê đông lạnh cá tra, cá basa. Vấn đề mấu chốt hiện nay là liệu DOC có công nhận thực tế khách quan và áp dụng phương pháp tính giá thành sản phẩm theo quy trình sản xuất liên hoàn trên khi đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 16/6 sắp tới, như họ đã cam kết trong quyết định sơ bộ ngày 27/1 không?

Trong tuyên bố của mình, VASEP một lần nữa yêu cầu DOC phải thể hiện bằng việc làm thực tế tinh thần công bằng và khách quan như đã nhiều lần cam kết. Hiệp hội cũng kêu gọi các cơ quan Chính phủ Mỹ, các tổ chức và cá nhân, phương tiện thông tin đại chúng và tất cả những ai quan tâm bảo vệ công lý và lẽ phải lên tiếng yêu cầu DOC phải thực hiện đúng các quy định luật pháp, tuân thủ thông lệ, tôn trọng thực tế khách quan trong khi xem xét vụ kiện vô lý này.

Nội dung của "Sách trắng", các bạn có thể xem tại đây.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mitsui trúng thầu Dự án đài TT duyên hải (29/05/2003)
Cổ phần hoá 4 DN ngành ngân hàng (30/05/2003)
Xe máy ''thoát'' khỏi thuế TTĐB (27/05/2003)
Hòn Tre có khu du lịch tầm cỡ quốc tế (21/05/2003)
Các khách sạn 5 sao khuyến mại "mua 2 tặng 1" (16/05/2003)
Chọn mua xe đạp điện như thế nào? (08/05/2003)
''Banking 2003'' rút ngắn vì SARS (08/05/2003)
Tập đoàn thép lớn nhất Australia xây nhà máy sơn ở VN (08/05/2003)
Tập đoàn thép lớn nhất Australia xây thêm nhà máy ở VN (08/05/2003)
Nippon cho rằng Viglacera không công bằng (08/05/2003)
Bia Hà Tây trở thành công ty 100% vốn nước ngoài (07/05/2003)
Thêm 76 DN thuỷ sản được xuất vào Hàn Quốc (07/05/2003)
Thêm 10 khách sạn Việt Nam gia nhập các khách sạn tốt nhất châu Á (07/05/2003)
Prudential khai trương Văn phòng Tổng đại lý đầu tiên (06/05/2003)
Khánh thành dây chuyền SX máy tính lớn nhất Việt Nam (05/05/2003)
Tro ve dau trang