Triển lãm hàng Việt Nam xuất khẩu tại Moscow:
Tái chinh phục thị trường Nga
18:28' 10/06/2003 (GMT+7)
Một khu chợ người Việt tại Moscow.

Triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam tại Nga diễn ra từ ngày 9 đến 12/6 tại Moscow trong khuôn khổ hội chợ thường niên toàn Nga 2003. Đây là triển lãm hàng Việt Nam có quy mô lớn nhất tại Nga từ trước tới nay. Tham gia triển lãm này có gần 30 doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam. Họ đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc ''tái chinh phục'' này. 

Tại triển lãm, Việt Nam sẽ trưng bày các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, cao su, hoá chất, sản phẩm cơ khí, thiết bị y tế, du lịch, hàng tiêu dùng... với sự có mặt của các tổng công ty (TCT) lớn như TCT Cao su Việt Nam, TCT Hoá chất Việt Nam, TCT Thuỷ tinh và Gốm xây dựng... Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ chuyến đi dự kiến trên 1 tỷ đồng, trong đó DN được hỗ trợ 50% các chi phí thuê gian hàng, vé máy bay, ăn ở đi lại, cước vận chuyển. Bộ Thương mại yêu cầu tất cả các brochure, catalogue... của DN giới thiệu công ty, sản phẩm đều phải bằng tiếng Nga. Bộ cũng tư vấn các DN nên mang theo những mặt hàng có ưu thế.

Chất lượng là hàng đầu

Ông Nguyễn Lai, Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty Giày da và may mặc xuất khẩu TP. HCM (Legamex), cho biết lần trở lại thị trường Nga lần này Legamex mang đầy đủ các chủng loại hàng của công ty như jacket, sơmi, quần kaki nam, jean, đồ lót, giày thể thao... với các mẫu mã mới, nhất là những sản phẩm phải phù hợp kích cỡ, thị hiếu người tiêu dùng Nga. Công ty đã nhờ các chuyên gia châu Âu tư vấn thêm về thị trường Nga. Ngoài ra, Legamex cũng đầu tư kỹ vào khâu in ấn brochure, catalogue, danh thiếp bằng tiếng Nga. Các cán bộ công ty cử đi hội chợ đã từng làm việc tại Nga nhiều năm, giỏi tiếng Nga và am hiểu thị trường.

Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã nghiên cứu kỹ để đem qua những hàng hoá có khả năng thâm nhập thị trường như sữa đặc có đường, sữa đậu nành, nước ép trái cây. Ông Mai Quang Liêm, Phó phòng thị trường Vinamilk, nói: ''Trước đây hàng Việt Nam xuất qua Nga không đòi hỏi về chất lượng nhưng hiện nay chất lượng là hàng đầu. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng sẽ đứng được khi hàng của mình chất lượng tốt mà giá cả lại rẻ hơn''.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng tiếp thị của Kymdan, cho biết Châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Kymdan, công ty đã có hai chi nhánh ở Pháp và Đức, vì vậy chuyến đi này dù mang tính khảo sát nhưng nằm trong chiến lược chung phát triển thị trường châu Âu của công ty. Hơn nữa, vừa qua có một số DN Nga đã tiếp xúc với Kymdan để đặt vấn đề mua hàng sang Nga, nên chuyến đi này sẽ quyết định cách thức làm ăn.

Khó mà dễ

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Xe và máy, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP. HCM, có mặt trong đoàn khảo sát thị trường Nga cuối tháng 5 vừa qua nhận định: ''Chúng tôi đi chợ, ra cửa hàng, thấy mặt hàng xe đạp giá bán lẻ cao gấp rưỡi ở TP. HCM. Nếu so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam, cả về mẫu mã chất lượng, thì hàng Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh. Thêm vào đó, thực tế hiện nay Nga tập trung vào công nghiệp nặng, còn ngành công nghiệp tiêu dùng thì hầu như đang bỏ ngỏ. Song các loại chi phí khác cho vận chuyển, thuế... để đưa hàng qua Nga khá cao, có khi lại đội giá thành cao hơn giá thị trường. Trong khi đó, hàng Trung Quốc vào Nga với chi phí thấp hơn nhờ vận chuyển bằng đường bộ, bán theo đường tiểu ngạch. Giải được bài toán này không dễ''. 

Nhóm các công ty Masan, một đơn vị có thâm niên làm ăn với Nga hơn 10 năm nay, có mạng lưới phân phối và chi nhánh tại Nga, hiện là một trong 6 DN nòng cốt dự định lập một trung tâm thương mại Việt Nam tại Nga. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan, cho biết Masan sẵn sàng làm cầu nối, đầu mối hỗ trợ các DN khác vào Nga. Theo ông Quang, thị trường Nga đúng là còn nhiều rủi ro nhưng nếu nắm được cách thức thì sẽ tiếp cận dễ chứ không khó. Cách nhìn thị trường phải khác đi nhiều so với trước: không bán hàng rẻ tiền; hệ thống phân phối phải tổ chức bài bản; phải chú trọng marketing, xây dựng thương hiệu. Vì vậy, để bán được hàng ở Nga nên lựa chọn 2 phương thức: chọn đối tác thương mại hoặc lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nga.    

(Theo Tuổi Trẻ)       

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cơ hội tìm hiểu thị trường Campuchia (10/06/2003)
Bộ Công nghiệp công bố sản phẩm có khả năng cạnh tranh (05/06/2003)
Lần đầu tiên xuất khẩu tủ lạnh sang Hàn Quốc (03/06/2003)
VASEP yêu cầu DOC tính theo quy trình sản xuất liên hoàn (02/06/2003)
Mitsui trúng thầu Dự án đài TT duyên hải (29/05/2003)
Cổ phần hoá 4 DN ngành ngân hàng (30/05/2003)
Xe máy ''thoát'' khỏi thuế TTĐB (27/05/2003)
Hòn Tre có khu du lịch tầm cỡ quốc tế (21/05/2003)
Các khách sạn 5 sao khuyến mại "mua 2 tặng 1" (16/05/2003)
Chọn mua xe đạp điện như thế nào? (08/05/2003)
''Banking 2003'' rút ngắn vì SARS (08/05/2003)
Tập đoàn thép lớn nhất Australia xây nhà máy sơn ở VN (08/05/2003)
Tập đoàn thép lớn nhất Australia xây thêm nhà máy ở VN (08/05/2003)
Nippon cho rằng Viglacera không công bằng (08/05/2003)
Bia Hà Tây trở thành công ty 100% vốn nước ngoài (07/05/2003)
Tro ve dau trang