|
Cà phê là thực phẩm có yêu cầu cao trong chế biến. |
(VietNamNet) - ''Biện pháp tốt nhất để nâng cao vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới là xây dựng hình ảnh về một nền sản xuất bảo vệ môi trường đồng thời với sản phẩm cà phê sạch và bền vững''. Jan Cvon Enden, chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) khẳng định tại Hội thảo ''Ảnh hưởng của Ochratoxina đến chất lượng cà phê'' ngày 11/7 của VICOFA.
Ochratoxina (OTA) là một loại nấm độc có thể gây ra các bệnh ung thư và thận cho con người, có thể phát sinh trong bất cứ khâu nào của sản xuất và vận chuyển cà phê. Đối với các thị trường khó tính, đây là rào cản lớn, gây khó khăn cho các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam trong việc vượt qua trách nhiệm hợp đồng và bảo hiểm. Mặt khác, loại nấm này cũng gây ảnh hưởng đến vị cà phê, làm thay đổi mùi vị, màu sắc cà phê.
Hiện cà phê Việt Nam bán trên thị trường thường bị cho là ''chất lượng thấp''. Trong lúc cung vượt cầu trên thế giới và giá thấp, nâng cao chất lượng là con đường tất yếu để tiến vào các thị trường bạn và tạo dựng một thương hiệu cà phê Việt Nam trong người tiêu dùng thế giới.
Ông Keith Chapman, cán bộ về cây công nghiệp của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), cho biết: ''Hội thảo này là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu của Hiệp hội Cà phê Quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập từ tháng 9/2002''.
|