|
Giao cá basa tại 16 Liễu Giai (Hà Nội). |
(VietNamNet) - Trước hết là nếm, thử, sau đó hướng tới một thói quen và sự thích thú, đó là điều mà các DN chế biến thuỷ sản, người nuôi cá tại ĐBSCL mong muốn và hy vọng với các sản phẩm cá tra, basa tại thị trường nội địa. Lượng cá tra, basa và các sản phẩm chế biến từ con cá này bán tại Hà Nội tăng vọt thời gian qua cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường này.
Theo ông Đặng Vũ Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đông Đô - một DN phân phối cá tra, basa khá lớn tại Hà Nội, sức mua cá tra, basa tại Thủ đô cao gấp 10 lần hiện tại.
Ai cũng muốn thử
Con cá tra, basa trở nên hấp dẫn đặc biệt với nhiều bà nội trợ qua vụ kiện tại Mỹ. Người tiêu dùng bỗng thắc mắc, tại sao con cá này lại làm người tiêu dùng Mỹ thích thú? Nó có gì đặc biệt chăng? Bổ, hay thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Chính vì thế, họ đổ xô đến các siêu thị, mua và trước hết là ăn thử. Phóng viên VietNamNet đã gặp hai mẹ con chị Đào An H. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang chọn mua cá basa tại Siêu thị Intimex. Chị cho biết, nghe "tiếng" con cá này đã lâu, nay đi siêu thị gặp nên chị mua thử. Rất nhiều bà, chị em nội trợ cũng xúm quanh tủ đông lạnh, trong đó bày rất nhiều sản phẩm từ cá tra, basa, để lựa chọn và mua.
Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Thụy, xã Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, một trong những khách hàng thường xuyên chọn món cá tra, basa trong thực đơn cho bữa cơm gia đình, nói: "Tôi thường mua cá về cho các cháu ăn, bởi đây là món ăn ngon, bổ, nhất là mỡ cá. Tôi hay mua nguyên con từ các bà hàng rong về rán, kho tộ với giá 20.000 đồng/kg đối với con 8 lạng trở lên, 25.000 đồng/kg loại trên 1kg và 30.000 đồng/kg loại cắt khúc. Nhưng nếu béo quá thì cũng sợ, tôi thường phải rán kỹ cho ra bớt mỡ".
Trò chuyện với "bà nội trợ" Phan T. (quận Cầu Giấy) tại Siêu thị Fivimart, chị cũng cho biết, chị rất hay mua cá basa về ăn, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ cá. Cả nhà ai cũng khen ngon. Tuy nhiên, giá cá có hơi cao so với thu nhập hàng tháng của chị và so với các mặt hàng khác. "Cứ ví dụ như chả quế basa (14.000 đồng/túi), nhà tôi 3 người ăn vèo một cái là hết, vẫn cần thức ăn mặn khác nữa, trong khi nem Hạ Long (chỉ 10.000 đồng/hộp) thì được một đĩa đầy, ăn thoải mái", chị kể.
|
Người Hà Nội mua cá basa. Ảnh trong bài: Nguyên Vũ |
Cầu tăng
"Điều gì gây nên vụ tranh chấp thương mại basa tại Hoa Kỳ" là lời giới thiệu bắt mắt, đánh đúng tâm lý người tiêu dùng, được đăng trên bao bì sản phẩm basa cắt khúc của nhà cung cấp Dafish (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Ông Nguyễn Duy Anh, một thành viên Ban lãnh đạo Dafish, cho biết, tuy chỉ sản xuất 3-4 mặt hàng chính là basa filê, basa cắt khúc, lột da bỏ xương hay basa nguyên con... nhưng từ khi xảy ra vụ kiện, nhất là thời điểm gần đây, mỗi tháng, công ty bán ra trên dưới 10 tấn sản phẩm, tăng gấp 3-4 lần so với trước đó.
Công ty này mua cá của các ngư dân ở An Giang, thuê gia công ngay tại đó và ướp lạnh trước khi chuyển về Hà Nội. Hiện nay, Dafish chủ yếu đưa hàng cho các siêu thị, nhà hàng, quán cơm, nhà trẻ; một số đơn vị quân đội ở các tỉnh miền núi phía bắc... Sản phẩm từ con cá tra, basa đang chiếm 30% trong cơ cấu hàng thuỷ sản của công ty. "Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai quảng bá con cá này bằng nhiều hình thức sinh động, như tổ chức giới thiệu về dinh dưỡng, (nhất là tác dụng của chất DHA trong mỡ cá), hướng dẫn cách chế biến", ông Duy Anh cho biết. Đó chính là cách để khai mở thị trường nội địa ngay trong lòng người dân.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Vũ Hùng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đông Đô (số 18 Phố Mới, Trâu Quỳ, Gia Lâm), tiết lộ, công ty ông cũng mua cá tra, basa tận ĐBSCL. Khi về đến Hà Nội, con cá được tận dụng hết để chế biến trên 10 mặt hàng, như basa filê, basa cắt khúc, bao tử basa, da, vây, mỡ basa... Hiện công ty bán cho hầu hết các siêu thị, các tỉnh phía bắc, với văn phòng đại lý tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Tĩnh... Để người tiêu dùng miền Bắc biết đến con cá tra, basa, công ty đã tổ chức các chương trình giới thiệu các sản phẩm từ con cá này cho các đại lý cấp II, các khách hàng, hỗ trợ và tư vấn phương pháp chế biến cho họ.
Nhu cầu cá basa tăng, các công ty chế biến cá tại An Giang cũng đang đẩy mạnh việc tiêu thụ tại Hà Nội. Giám đốc Xí nghiệp Đông lạnh thuỷ sản Afiex, ông Bửu Huy, cho biết, từ đầu năm đến nay, Afiex đã đạt doanh thu 3-4 tỷ đồng, sản lượng cá tra, basa bán ra là 30-40 tấn. Theo chị Dương Hải Yến, cán bộ kinh doanh và tiếp thị của Công ty TNHH Vega - chuyên cung cấp các sản phẩm cá sạch basa (gọi tắt là casa) của Afiex ở Hà Nội từ hơn 2 năm nay, Vega hiện có hai điểm bán cá lớn 15 Ngô Thì Nhậm và 16 Liễu Giai. Một loạt cửa hàng khác cũng bày bán cá tra, basa, như Cửa hàng tự chọn Kim Liên; tại phố Hoàng Ngọc Phách, Phạm Ngọc Thạch, Khương Trung; chợ Châu Long (129 Nguyễn Trường Tộ)... Có thể nói, đây là một trong những công ty đầu tiên đưa sản phẩm cá tra, basa ra Hà Nội. Tung ra khoảng 30 mặt hàng, nhưng theo chị Yến, chỉ có 4-5 mặt hàng bán chạy nhất là basa nguyên con, basa cắt khúc, basa filê và bao tử basa. Các sản phẩm giá trị gia tăng khác như khổ qua basa, basa dồn thịt, chả quế basa, basa xếp khay... thì tiêu thụ chậm hơn.
Có cá tra, basa tươi sống?
Là khách hàng quen thuộc của cửa hàng số 5 Ngô Thì Nhậm, bà Nguyễn Thị Tâm (quận Hoàn Kiếm), cho biết, chị thường mua cá basa ở đây, khoảng 2-3 lần/tuần, vì theo chị, "cá rất ngon, nhưng thỉnh thoảng mới ăn được do giá hơi cao". Song, bà rất muốn mua cá basa tươi sống ở Hà Nội. Khi tôi hỏi chị Dương Hải Yến, cán bộ kinh doanh và tiếp thị của Công ty TNHH Vega, về điều này, chị nói là rất khó thực hiện do cước vận chuyển khá cao (đối với máy bay) hoặc đảm bảo được cá sống (nếu đi tàu phải mất ít nhất 32 tiếng). Đến nay, chưa có công ty nào vận chuyển được cá tra, basa còn sống ra đến đây, trừ phi chính... Hà Nội cũng nuôi được loại cá này.
Trên thực tế, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội, ông Nguyễn Viết Để, cho VietNamNet biết, cá tra, basa sống và phát triển tốt trong điều kiện mùa hè và mùa thu, ở mặt nước vùng Hà Nội. Sau một năm, cá đạt 0,8-1,2 kg/con. Trung tâm đã bán ra thị trường trên 2 tấn cá thịt, với giá 14.000 đồng/kg loại 0,8kg và 14.500-15.000 đồng/kg loại trên 1kg. 40.000 con giống được nhập từ năm trước nay đã cho thu hoạch, tỷ lệ hao hụt chỉ 5-6%. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công cá tra, basa ở một số ao hồ ngoại thành, thuộc các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Tây Hồ, năm nay, trung tâm nhập về nuôi 300.000 con giống tại TP.HCM.
Trước mắt, để góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm từ cá tra, basa, Công ty Cổ phần XNK An Giang (Agifish) vừa ra mắt 20 sản phẩm mới, như chả giò cá, há cảo cá, cá basa tẩm sa tế, sandwich cá, basa Thăng Long, bao tử cá dồn hải sản, tàu hũ basa… Đặc biệt, trong số này có sản phẩm tàu hũ cá được kết hợp, chế biến từ đậu nành với cá basa giàu canxi và chất dinh dưỡng DHA, phù hợp với người lớn tuổi và đối tượng ăn kiêng. Như vậy, đến nay, Agifish đã có gần 80 sản phẩm được chế biến từ cá basa. Đa dạng hoá mặt hàng để hợp với khẩu vị người tiêu dùng phía Bắc đang được nhiều công ty chế biến thuỷ sản, đặc biệt là chế biến cá tra, basa, hướng tới.
Cần học cách chế biến
Theo ông Đặng Vũ Hùng, mặc dù tiêu thụ hàng tấn cá tra, basa/tháng, nhưng đến nay, Đông Đô chỉ dám giới hạn trong một số đối tượng nhất định, trước hết là ưu tiên cho những bạn hàng lớn của công ty. Bên cạnh đó, phát hiện thấy các khu vực, tỉnh, vùng... có tiềm năng (hợp khẩu vị người dân, có thu nhập khá), Đông Đô mới tổ chức các đợt khuyến mại, mời ăn thử. Ông Hùng cho biết, kể cả khi miền Bắc, trong đó có Hà Nội, là thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng cá tra, basa, song, do đây là con cá mới, người tiêu dùng ít biết (mới "nổi tiếng" qua vụ kiện tại Mỹ), lại chưa hợp khẩu vị (1/4 trọng lượng cơ thể cá là mỡ)... nên sức mua còn đang hạn chế.
Thậm chí, ngay cả một nhân viên bán hàng của Đông Đô tại Siêu thị Fivimart cũng thừa nhận, 60% số người tiêu dùng sau khi đã dùng thử sản phẩm cá tra, basa đã không mua lần thứ hai. Theo chị, nguyên nhân cũng là do con cá này chỉ phù hợp với những người thích ăn mỡ. Đó là chưa kể, người tiêu dùng cũng không phân biệt được đâu là cá tra, basa. Một chị bán hàng ở chợ Hàng Bè còn xẵng giọng với phóng viên VietNamNet: "Gớm, lắm chuyện. Cá bông lau hay cá tra, basa thì cũng là một hết".
Chưa biết con cá tra, basa là như thế nào, vậy làm sao mà biết được cách chế biến nó? Chị Dương Hải Yến thừa nhận, đến nay, số người biết cách chế biến cá đúng kiểu, phù hợp khẩu vị không nhiều. Ví như, cá basa nguyên con hay cắt khúc thì không nên rán mà kho tộ là ngon nhất. Nhưng khi kho tộ, cũng không nên làm theo kiểu miền Bắc (cho gừng, riềng), mà chỉ cần nêm chút nước hàng dừa khi kho cá là được. Vì chưa biết cách chế biến nên món ăn từ cá tra, basa chưa ngon, chưa hấp dẫn người tiêu dùng Thủ đô cũng là điều dễ hiểu.
Trao đổi với báo chí gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, thị trường nội địa đòi hỏi sản phẩm phải đa dạng cao, chứ không chỉ là cá filê đông lạnh như xuất khẩu. Bên cạnh đó, giá bán các sản phẩm này cần phù hợp hơn với túi tiền người tiêu dùng trong nước. Hiện nay, chúng ta cũng rất yếu về hệ thống phân phối, đặc biệt là tại thị trường các tỉnh phía Bắc. Do vậy, quá trình thâm nhập của DN còn gặp khó khăn.
Cá basa lên Tây Nguyên
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang (AFA), đại diện hiệp hội, ngư dân trực tiếp nuôi cá và DN chế biến đang có chuyến khảo sát và quảng bá sản phẩm cá tra, basa lên Tây Nguyên, dự kiến kéo dài trong 10 ngày. Đoàn sẽ làm việc với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, các KCN, lãnh đạo quân khu, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn các tỉnh.
Ngoài việc giới thiệu các sản phẩm chế biến mà DN An Giang đã phân phối đến hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua, đoàn còn ra mắt đồng bào Tây Nguyên cả những mặt hàng chế biến thô, như khô cá tra, cá basa, cá tra tươi nguyên con (đã bỏ nội tạng). Các DN cũng sẽ chính thức công bố các chế độ đãi ngộ để thu hút các doanh nhân địa phương tham gia phân phối sản phẩm, như áp dụng mức hoa hồng 15-20% cho người đứng ra làm đại lý cấp 1.
Ông Bửu Huy, Giám đốc Xí nghiệp Đông lạnh thuỷ sản Afiex, cho chúng tôi biết, mặt hàng cá tra, basa được chính quyền, DN và người dân Tây Nguyên rất ủng hộ. Trên thực tế, cá basa đã "lên" đến vùng đất cao nguyên này từ lâu, nhưng mới chỉ ở dạng ướp đá và thường là cá nhỏ. Do các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang phải nhập từ đồng bằng nên nhu cầu về các mặt hàng thuỷ sản là rất lớn. Afiex dự định sẽ tổ chức một loạt các điểm phân phối cá tra, basa tới các nông trường cao su, cà phê; các đơn vị quân đội, theo hai dạng: các mặt hàng giá trị gia tăng (đã chế biến) ưu tiên bán cho các nhà hàng, khách sạn; dạng basa filê, basa cắt khúc, nguyên con bán cho đối tượng bình dân. Sau khi kết thúc chuyến khảo sát này, công ty tiếp tục hành quân ra bắc để củng cố lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội và các tỉnh. |
|