Vietnam Airlines mở rộng hoạt động tại miền Trung - Tây Nguyên
07:55' 11/09/2003 (GMT+7)

Sân bay Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế quan trọng của Vietnam Airlines.

(VietNamNet) - Hôm qua, 10/9, Văn phòng Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại miền Trung kỷ niệm 10 năm thành lập bằng việc đón nhận Huân chương lao động hạng 3 do Nhà nước trao tặng. Đây là sự phần thưởng cho những nỗ lực của Vietnam Airlines qua một thập niên hoạt động tại một địa bàn còn nhiều khó khăn như miền Trung - Tây Nguyên.

10 năm, một bước tiến dài

Theo đánh giá của ông Lưu Văn Hạnh, Giám đốc Văn phòng Vietnam Airlines khu vực miền Trung, vị trí trung độ đã tạo nên những tiềm năng thiên nhiên và nhân văn hết sức phong phú, đa dạng và đặc sắc cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên, một khu vực đã được Chính phủ xác định là vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nổi bật là cụm 4 Di sản văn hoá thế giới gồm Mỹ Sơn, Hội An, Huế và Phong Nha - Kẻ Bàng. Văn hoá Sa Huỳnh, Chăm pa và các dân tộc Tây Nguyên là những di sản vô giá của cả khu vực này.

Về kinh tế, tại đây có nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai. Về giao thông vận tải, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có mạng sân bay dày đặc gồm 8 sân bay đang khai thác thương mại là Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Tuy Hoà, Nha Trang, Đà Lạt và sắp đến có thêm 2 sân bay nữa sẽ được đưa vào khai thác là Cam Ranh và Chu Lai; có hệ thống cảng biển đạt tiêu chuẩn; dự án đường hầm Hải Vân sắp hoàn thành... Đặc biệt, với vai trò là cửa ngõ của cả miền Trung – Tây Nguyên, là tâm điểm của “Con đường di sản”, TP. Đà Nẵng đang nhanh chóng vươn lên ngang tầm với một đô thị loại 1 của quốc gia.

Nhằm đón bắt các cơ hội phát triển mới, trên quan điểm kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh doanh vận tải với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, Vietnam Airlines tại miền Trung đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Từ năm 1997 trở về trước, khu vực này chỉ mới khai thác một số đường bay nội địa với vài chuyến bay đi - đến/ngày đêm. Nhưng đến nay, Vietnam Airlines nói chung và Văn phòng Vietnam Airlines tại miền Trung nói riêng đã xây dựng mạng đường bay rộng khắp và phủ kín đến tất cả các sân bay của miền Trung – Tây Nguyên đủ điều kiện khai thác máy bay thương mại với hơn 50 chuyến bay đi - đến/ngày đêm, đưa khu vực này trở thành một trung tâm vận tải hàng không lớn của đất nước và là điểm trung chuyển không thể tách rời trong mạng đường bay quốc tế của Vietnam Airlines.

Trong 10 năm qua, Vietnam Airlines Văn phòng miền Trung đã liên tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, chỉ tiêu về sản lượng và doanh thu hàng năm liên tục tăng trưởng, đạt mức trung bình 12-13%/năm. Riêng năm 2002 vận chuyển được 1,25 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2001; doanh thu đạt 238,5 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch năm và tăng 31,5% so với năm 2001. Bên cạnh đó, đơn vị luôn cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bay phục vụ vùng sâu vùng xa, đảm bảo khai thác có hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho hành khách và các chuyến bay đi - đến khu vực này.

Ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc Khách sạn 5 sao Furama Đà Nẵng nhận xét: “Còn nhớ những năm 1996–1997, khu Furama mới ra đời, Vietnam Airlines chỉ có vài chuyến bay Hà Nội – Đà Nẵng và chỉ sử dụng máy bay của Liên Xô cũ, tiện nghi không đầy đủ. Nên ở thời điểm đó, Việt Nam không có nhiều khách du lịch, chưa là điểm đến của thiên niên kỷ mới. Tôi vẫn nhớ năm 1997, Vietnam Airlines chỉ vận chuyển được 879.000 lượt khách. Thế nhưng nhờ tăng thêm tuần suất bay, phương tiện bay mà năm 2002 lượng khách đã tăng lên 1,4 triệu lượt; Việt Nam nói chung, Đà Nẵng và miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đã trở thành điểm đến của thiên niên kỷ mới. Có thể khẳng định, nhờ sự tăng trưởng không ngừng, sự quảng bá và xúc tiến du lịch của Vietnam Airlines và Văn phòng khu vực miền Trung mà Furama cùng nhiều khách sạn ở Đà Nẵng, Huế, Hội An... đã trở thành điểm đến của du khách bốn phương.

Trước đây, Giám đốc Lưu Văn Hạnh từng mơ Việt Nam và châu Âu có những chuyến bay con thoi, nay giấc mơ đó đã thành hiện thực với hệ số sử dụng ghế của mỗi chuyến bay đạt hơn 80%. Trước đây, Vietnam Airlines chỉ phục vụ các đối tượng khách nội địa thì nay tập trung vào vận chuyển và phục vụ khách du lịch, hội nghị, thương gia, thương nhân, nhà đầu tư nước ngoài... Tôi có thể khẳng định, nếu không có Vietnam Airlines và Văn phòng khu vực miền Trung thì Furama sẽ không có được sự phát triển như ngày nay. Không chỉ thế, miền Trung nói chung, Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng cũng sẽ không có được sự phát triển về dịch vụ - du lịch, về kinh tế - xã hội!”.

Vượt qua dịch SARS

Đón khách quốc tế tại sân bay Đà Nẵng.

Dịch SARS bùng phát đã làm chững lại lượng khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không, là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines từ trước tới nay. Ông Lưu Văn Hạnh cho biết, thời gian từ 15/3/2003 đến cuối tháng 7 vừa qua, tổng lượng khách đi lại bằng đường hàng không giảm 40%, trong đó khách quốc tế giảm 60%. Đặc biệt, các đường bay đi và đến ở khu vực miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang suy giảm nhiều nhất do có tỷ trọng khách quốc tế cao. Hàng loạt chỗ đặt trước bị huỷ, kéo theo hàng loạt chuyến bay phải cắt giảm để tiết kiệm chi phí. Lịch bay, công tác điều hành cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Sau khi Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận không chế được dịch SARS, Vietnam Airlines đã có các phản ứng tích cực để ổn định công tác phục vụ, thu hút khách. Nhiều giải pháp đã nhanh chóng được Vietnam Airlines đưa ra như: giảm giá các hành trình nội địa (30 – 40%); khuyến mãi bằng việc tăng thêm đêm nghỉ tại các khách sạn; phối hợp với ngành du lịch tổ chức các tour du lịch làm quen (Famtrip), quảng bá, tiếp thị, tổ chức hội thảo, đưa máy bay Boeing 777 vào hoạt động... Từ những động thái tích cực này, ông Lưu Văn Hạnh cho biết, Vietnam Airlines đưa ra dự đoán năm 2003 chỉ riêng khách Nhật đến VN sẽ đạt 400.000 lượt người; và cứ đà này đến năm 2010, khách Nhật đến Việt Nam sẽ đạt mức hơn 500.000 – 1 triệu lượt. Khách đi châu Âu tháng 8/2003 đặt trước cũng đã kín chỗ, thậm chí có quá tải...

Do miền Trung còn có nhiều hạn chế về sản phẩm du lịch, công tác tiếp thị chưa cao, hoạt động kinh tế - kinh doanh cũng chưa nhộn nhịp bằng hai đầu đất nước nên lượng khách đến không bằng TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên mục tiêu phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất rõ ràng là đầu tư lớn cho miền Trung. Thời gian qua, các sân bay Đông Tác (Phú Yên), Chu Lai (Quảng Nam), Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) đều đã được đầu tư nâng cấp. Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng đã phục hồi các tuyến bay quốc tế như Đà Nẵng - Hongkong, Đà Nẵng – Siemriep, Đà Nẵng – Bangkok; tháng 10 sắp tới sẽ là tuyến Đà Nẵng – Đài Bắc – Los Angeles. Ông Lưu Văn Hạnh khẳng định: “Có thể nói, Hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines Văn phòng miền Trung nói riêng đang làm tất cả để hàng không khu vực này dày hơn, đầy hơn và xa hơn!”.

Hướng tới tương lai

Về các định hướng sắp tới, ông Lưu Văn Hạnh cho hay, Vietnam Airlines tiếp tục khẳng định Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế quan trọng (sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất). Do đó, trong giai đoạn từ 2002 - 2005, ngoài việc tiếp tục liên doanh liên kết với các hãng hàng không quốc tế khác, Vietnam Airlines sẽ mở đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến các nước thuộc vùng Đông Bắc Á. Đồng thời phối hợp với các hãng hàng không trong tiểu vùng như Lào, Campuchia, Myanmar để mở đường bay thường xuyên cố đô Luang Phrapăng – Siemriep - Huế. Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp tụ dự án mời các công ty phát chuyển nhanh quốc tế như DHL, Fedex, UPS cùng hợp tác liên doanh thành lập trung tâm trung chuyển và phát chuyển nhanh của châu Á tại sân bay Đà Nẵng hoặc Chu Lai. Tiếp tục củng cố, phát triển và tăng tần suất bay trên toàn mạng đường bay khu vực, đặc biệt là tăng mạnh trên các tuyến điểm du lịch như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt và chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để mở đường bay đến các sân bay Cam Ranh, Chu Lai.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines khu vực miền Trung cũng sẽ chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục chính sách tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch của miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là chương trình “Con đường di sản” đến các thị trường trong và ngoài nước thông qua các sự kiện về lễ hội văn hoá, theo phương châm “Đưa Việt Nam đến với thế giới, mang thế giới đến với Việt Nam”. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng sẽ mở rộng mạng lưới bán vé, phấn đấu phủ mạng giữ chỗ toàn cầu (Gabriel – 02) và máy in vé tự động đến 100% điểm bán vé tại tất cả các tỉnh, thành trong khu vực. Một xưởng bảo dưỡng và sửa chữa máy bay tại Đà Nẵng cũng đang được Văn phòng Vietnam Airlines miền Trung – Tây Nguyên tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực để sớm hình thành...

  • Thanh Hải
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Có nhà máy chế biến, giá cá tăng gấp đôi (10/09/2003)
Saigontourist giảm cước thuê bao truyền hình cáp (09/09/2003)
La Vie tặng 154 xe lăn cho trẻ khuyết tật (09/09/2003)
Xi măng Nghi Sơn sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD? (06/09/2003)
Trung tâm công nghệ phần mềm đầu tiên nhận chứng chỉ ISO 9001/2000 (09/09/2003)
Dự án FDI đầu tiên vào lĩnh vực sản xuất thiết bị trường học (09/09/2003)
Hàng may mặc Trung Quốc chiếm 60% thị phần trong nước (04/09/2003)
Petro Vietnam có Tổng giám đốc mới (08/09/2003)
Sắp khai trương đường bay TP.HCM - Fukuoka (29/08/2003)
Cuba chuẩn bị tiếp nhận 3.000 máy tính Hanel (29/08/2003)
Nhãn Hưng Yên đã có mặt tại Đức (26/08/2003)
Cổ phần hoá ở Hải Phòng ''dậm chân tại chỗ'' (26/08/2003)
Chế tạo toa xe siêu trọng (25/08/2003)
Có cần đổ 18.000 tỷ đồng vào ngành ôtô? (24/08/2003)
Sẽ xây dựng đường ống dẫn dầu từ Phú Yên lên Tây Nguyên (21/08/2003)
Tro ve dau trang