Đưa thanh long vượt biển
18:16' 22/09/2003 (GMT+7)

Thanh long được hái trên cây xuống và trải qua các khâu rửa, ngâm nước ozone và đóng gói tại cơ sở Long Hòa.

Nhìn vẻ cục mịch của Tô Văn Hòa, ít ai ngờ anh đã là nhà buôn thanh long thứ thiệt của đất Bình Thuận. Trong khi người khác xuất khẩu thanh long bằng... máy bay, thì nhà buôn chân đất này ung dung cho trái thanh long xuất ngoại bằng... tàu biển. Tàu sang Tây sau cả tháng, mở thùng ra, trái thanh long vẫn tươi nguyên. Chỉ trong tháng 9 này, anh Hòa đã cho 5 container thanh long ra nước ngoài bằng đường biển.

"Lên đời" cho trái thanh long... vượt biển

Cách đây 10 năm, về Hàm Thuận Bắc, nhiều người chỉ biết đến Tô Văn Hòa, anh chàng làm thuê, sau trở thành người bỏ mối thanh long. Song, cái trò mua bán loại trái cây chóng thối, khó để lâu ấy chẳng mang lại bao nhiêu lãi, Hòa định bỏ nghề. Nhưng... "nó giống như cái nghiệp, bởi mình là dân Bình Thuận - nơi trồng thanh long ngon nhất nước, mà  không thanh long thì còn trái nào là "vua" nữa đâu?"- anh Hòa tâm sự. Tuy nhiên, muốn nhanh giàu, chỉ có cách bán thanh long ra nước ngoài, vì giá cao hơn trong nước (ở châu Âu 1,2USD/kg, Đài Loan 0,6USD/kg, Hồng Kông 0,4 USD/kg..., trong khi trong nước chỉ 6.000 đồng/kg)... Song, trái thanh long theo cách bảo quản truyền thống dấm dúi lăn lóc trong những cần xé, bao tải, có trái nào qua 1 tháng còn tươi nguyên? Muốn xuất khẩu thanh long qua Mỹ, qua Pháp... bằng tàu biển phải mất trên 1 tháng. Còn xuất bằng máy bay thì... tiền lời chưa chắc bù lỗ tiền cước máy bay.

Trong khi dân Tây lại... mê thanh long Việt Nam như điếu đổ. Không chịu thua, năm 1991, khi tự lập cơ sở riêng, anh Hòa bắt đầu mò mẫm, tìm cách "lên đời", làm cho trái thanh long tươi lâu. Giữa năm 1996, qua báo chí, anh biết một nhà buôn Hà Lan từng cung cấp thanh long cho thị trường châu Âu. Hòa liều... bỏ tiền túi, mời luôn nhà buôn Hà Lan sang Việt Nam chơi! Cuộc gặp gỡ giữa nhà buôn ngoại quốc với anh chàng lái buôn chân đất ấy đã diễn ra ngay trên xứ sở thanh long. Cuộc gặp gỡ ấy, không ngờ giúp Hòa "vỡ" ra nhiều vấn đề trong đó có vấn đề bảo quản thanh long. "Muốn bán được thanh long sang châu Âu, chỉ còn cách phải bảo quản thật tốt trái thanh long theo đúng quy trình kỹ thuật", ông khách Hà Lan nhắc nhở anh Hòa.

Năm 2002, vợ chồng anh Hòa quyết tâm xây dựng dây chuyền bảo quản thanh long theo đúng tiêu chuẩn... ông khách Hà Lan tư vấn. Hơn 3 tỷ đồng vay mượn tứ tung, anh Hòa đã hình thành được một dây chuyền bảo quản thanh long khép kín hoàn hảo nhất tỉnh Bình Thuận. Tất cả bàn ghế, dụng cụ đều inox hóa hoặc nhựa hóa. Cái nào cũng sáng loáng, sạch sẽ, vô trùng... Dây chuyền khép kín từ kho chứa đến máng rửa, sau đó vào phòng mát, khu vô trùng bằng nước ozone, kho lạnh 10 tấn, xưởng vô bọc, đóng gói v.v... Khoảng 200 công nhân ngày đêm làm việc tất bật để kịp đưa thanh long xuống tàu.

Anh Hòa cho biết: "Để xây dựng được kho lạnh đúng chuẩn, tôi phải khăn gói 3 ngày xuống TP.HCM, xin phép Hải quan thành phố cho xem kho lạnh bảo quản hàng của họ để học tập. Xong, tôi mua thuốc Pro-long của Anh về thoa lên trái thanh long, rồi cho vào phòng lạnh. Tôi để thanh long ở nhiều nhiệt độ khác nhau, mỗi đợt thử nghiệm một mức nhiệt độ. Nếu không thành coi như tiêu thùng thanh long 100kg... Đến nhiệt độ 4oC, thanh long giữ tươi được một tháng, cuống và tai vẫn còn xanh, thế là thành công. Suốt 15 ngày đặt đổ, tôi mất đứt chục triệu đồng tiền điện". Thử nghiệm thành công, anh Hòa điện cho ông khách Hà Lan. Ông khách Hà Lan hối thúc anh gửi ngay 8 tấn thanh long, nhưng... phải bằng máy bay, để thanh long không bị hư hỏng.

Tuy nhiên, anh Hòa nhận thấy cước phí gửi một tấn thanh long bằng máy bay đắt gấp 8 lần thanh long gửi theo đường tàu biển. Anh Hòa cam kết với ông khách Hà Lan rằng sẽ gửi thanh long theo đường... tàu biển. Nếu thanh long hư hỏng trên 30%, anh sẽ bồi thường hợp đồng, chịu tiền phạt và phí tiêu hủy thanh long. Quả thật, sau một tháng lênh đênh trên biển, 8 tấn thanh long đầu tiên xuất qua Hà Lan chỉ hỏng có... 5%. Ông khách Hà Lan kinh ngạc khi trái thanh long sau hành trình kéo dài một tháng mà cuống và tai vẫn còn xanh ngắt như vừa hái trên cây xuống.

Lập tức, hãng Asia Fresh Fruit (Hà Lan) ký luôn hợp đồng tiếp theo với cơ sở Long Hòa 10 container thanh long và xin độc quyền phân phối thanh long do cơ sở Long Hòa xuất qua, trên toàn châu Âu, thêm vào đó là 100 loại rau củ khác cũng xuất xứ từ Việt Nam.

Cây "làm giàu"

Nhà buôn Tô Văn Hòa.

Sau chuyến xuất khẩu thanh long đầu tiên bằng tàu biển thành công, cơ sở Long Hòa liên tục ký được những hợp đồng mua thanh long của nước ngoài. Khách hàng Mỹ, Hà Lan, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan... liên tục ghé thăm cơ sở Long Hòa. Mỗi tuần Long Hòa lại xuất 2 công (container) thanh long sang châu Âu. Tất cả đều bằng tàu biển, nhờ đó mà Long Hoà giảm được chi phí giá thành đáng kể... Mới đây, Công ty TNHH Yiuzon (Đài Loan) cũng ký một hợp đồng mua thanh long dài hạn của Long Hòa suốt một năm (1/7/2003 - 1/7/2004), với số lượng trên 6.000 tấn.

Chưa hết, anh Hòa hiện đang giới thiệu thanh long ở Mỹ. Bên cạnh đó, anh đang chuẩn bị trồng 20ha thanh long theo tiêu chuẩn riêng cho khách hàng Nhật... Gần đây, nghe tin Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện năng) có nghiên cứu tạo ra loại nước ozone bảo quản trái cây không thua gì thuốc Pro-long, mà giá thành lại rẻ hơn 20 lần; trong khi tính năng làm sạch chất bẩn, làm bóng trái cây như nhau. Thế là anh Hòa chuyển sang sử dụng ozone, thanh long xuất khẩu vẫn tốt, bảo đảm vô trùng, hợp vệ sinh, không xảy ra sự cố nào, mà tiền lãi vẫn không ngừng gia tăng.

Ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN & PTNT Bình Thuận, thừa nhận: "Bình Thuận hiện có khoảng 4.800ha thanh long, với sản lượng 80.000 tấn/năm. Hiện nay, thanh long không còn là cây xoá đói giảm nghèo nữa, trái lại, nó đã là cây cho người dân Bình Thuận làm giàu, thành tỉ phú. Lâu nay, thanh long Bình Thuận chưa tìm được đầu ra, nên giá cả bấp bênh...; việc ông Hòa mày mò tìm đường xuất khẩu cho thanh long Bình Thuận rất đáng nhân rộng". Năm 2002, tỉnh Bình Thuận xuất khẩu 28.000 tấn thanh long, là loại trái cây xuất khẩu nhiều nhất nước. Trong 37 DN mua bán thanh long, duy nhất chỉ có Long Hòa xuất bằng... tàu biển, trong 30 ngày. 

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM chi 200 tỷ đồng di dời các DN gây ô nhiễm (22/09/2003)
Sôi động MMS (22/09/2003)
Kiến nghị việc ''chỉ định đầu mối nhập khẩu nhựa'' (22/09/2003)
Pomihoa không có ý định bán nhà máy thép (22/09/2003)
Posco quan tâm đến dự án cán thép nguội (22/09/2003)
Điện thoại ''ảo'', tiện ích thực (21/09/2003)
Samsung tiếp cận khách hàng qua ''Vũ điệu sắc màu'' (20/09/2003)
Chọn mua ổ cứng di động (20/09/2003)
Nhà máy Gốm sứ vệ sinh cao cấp Cosevco đi vào hoạt động (18/09/2003)
Quota không người nhận (18/09/2003)
Liên doanh sản xuất tơ lụa xuất khẩu tại Đăklăk (17/09/2003)
DN được tự quyết định giá bán xăng, dầu (17/09/2003)
Thêm một DN chế biến thủy sản được cấp chứng chỉ ISO (17/09/2003)
Cơ hội tham dự hội chợ quốc tế cho DN nhỏ và vừa (16/09/2003)
Tribeco xuất hàng sang Mỹ (16/09/2003)
Tro ve dau trang