Lâm Đồng:
DRI thú nhận triền miên thua lỗ
17:08' 25/09/2003 (GMT+7)

Một trong những ngôi biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt được đưa vào liên doanh hiện đang bị bỏ hoang.

Trong suốt hơn mười năm kinh doanh, DRI, một liên doanh với nước ngoài có tầm cỡ của Lâm Đồng, đành phải thú nhận là triền miên thua lỗ. Tình hình thua lỗ kéo dài của DRI khiến cho Tỉnh uỷ Lâm Đồng phải ra nghị quyết chỉ đạo (vào nửa cuối tháng 9/2003): Xem xét lại toàn bộ hoạt động của DRI để chính thức đề nghị các cơ quan chức năng TƯ và Chính phủ giải thể đơn vị liên doanh này trước thời hạn.

Cuộc "hôn phối" vội vàng?

Vào khoảng cuối những năm 80 đến đầu những năm 90, vấn đề liên doanh với nước ngoài để biến đồi Cù (một thắng cảnh tuyệt đẹp của Đà Lạt) thành sân golf 18 lỗ và cải tạo, nâng cấp một số dinh thự, khách sạn hạng sang trên địa bàn Đà Lạt nhằm đón khách du lịch quốc tế đã được đặt lên các bàn hội nghị và nhanh chóng được cơ quan hữu trách thông qua.

Nhờ vậy, ngày 2/6/1991, Công ty Du lịch Lâm Đồng cùng với Công ty Danao, một công ty lớn của nhà tỷ phú người Mỹ Lairy Hillblom có trụ sở đặt tại Hongkong, thành lập Dalat Resort Incorporation (DRI) với tổng vốn pháp định lên đến 40 triệu USD. Hai bên thống nhất: Mỗi bên góp 50% vốn, thời gian hoạt động là 20 năm. Trong đó, 10 năm đầu, bên nước ngoài phải nộp lợi nhuận định mức cho phía Việt Nam 4-10% tổng doanh thu của liên doanh.

Đặc biệt, hai bên còn cam kết: Trong trường hợp lợi nhuận dưới mức 4 triệu USD/năm thì bên nước ngoài vẫn phải đảm bảo nộp đủ 4.000.000 USD cho bên Việt Nam trong thời gian 10 năm đầu. Đến năm thứ mười một trở đi, việc lỗ, lãi trong kinh doanh của DRI sẽ được giải quyết "cưa đôi", mỗi bên chịu thiệt một nửa nếu lỗ và "được" một nửa nếu  lãi.

Thỏa thuận này có thể hiểu đơn giản rằng: Trong thời gian mười năm đầu (giai đoạn 1), phía Danao gần như toàn quyền quyết định trong kinh doanh và buộc phải làm nghĩa vụ cho phía Việt Nam khoản tiền 4 triệu USD (mỗi năm 400.000 USD). Công việc liên doanh giữa Công ty Du lịch Lâm Đồng và Danao trong thời gian đầu tiến triển khá thuận lợi.

Sau khi được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp giấy phép (cuối năm 1991), DRI chính thức ra đời và bắt đầu hoạt động khá rầm rộ: Thắng cảnh đồi Cù Đà Lạt nhanh chóng biến thành sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế; hàng loạt các khách sạn lớn được nâng cấp, trong đó có hai khách sạn cùng một dinh thự khá nổi tiếng là Palace, Dalat và Dinh I.

Những tưởng việc tạo điều kiện thuận lợi như thế thì DRI sẽ kinh doanh đạt hiệu quả cao, nhưng thật không ngờ là hết giai đoạn 1, phía nước ngoài (Danao) lại công bố một số liệu về thua lỗ đến chóng mặt: 25.454.246USD! Và, lấy lý do này, phía Danao từ chối việc làm nghĩa vụ cho phía Việt Nam và đề nghị phía Việt Nam "cưa đôi" khoản lỗ.

Danao không sòng phẳng?

Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của DRI, hồi cuối năm 2001 đến cuối 2002, giữa hai bên đã có những cuộc tranh cãi khá gay gắt bởi sự nhập nhèm về thực tế góp vốn, nghĩa vụ mỗi bên và thời hạn kinh doanh. Theo văn bản của Bộ KH&ĐT, vốn của Danao góp vào DRI là 20 triệu USD. Thế nhưng, sau giai đoạn I, Danao khẳng định rằng mình đã góp vào đây những 35.647.957USD, trong đó có 5 chiếc máy bay làm phương tiện vận chuyển (theo thỏa thuận từ đầu, nhưng cho đến nay thì 5 chiếc máy bay này vẫn nằm trên... giấy).

Trong khi đó, thực tế góp vốn của phía Việt Nam là 50% gồm đất đai, nhà cửa... (65ha đất sân golf, Dinh I, khách sạn Palace, khách sạn Dalat, 16 biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo cùng toàn bộ trang thiết bị kèm theo), thế nhưng bên nước ngoài chỉ công nhận tài sản trên có giá trị chỉ 6.788.437USD, trong đó có diện tích của 3 khu vực thuộc sân golf đã được bàn giao ngay từ đầu nhưng lại được ghi nhận là... 0m2(?).

Bên cạnh đó, sau 10 năm hoạt động, chi phí khấu hao cơ bản mà Danao đưa ra là 17.381.183USD và đề nghị chuyển khoản này sang vốn pháp định của giai đoạn II (có nghĩa là buộc phía Việt Nam phải gánh chịu 50%). Còn về nghĩa vụ đối với phía Việt Nam (400.000USD/năm), Danao nại ra rất nhiều lý do, trong đó có lý do làm ăn thua lỗ nên không thể thực hiện được(?).

Có thật là DRI triền miên thua lỗ? Đó là một câu hỏi hiện chưa có lời giải đáp chính xác nhất. Chỉ biết rằng, cùng với việc công bố các khoản lỗ, thực tế về góp vốn của mỗi bên (Danao gần 36 triệu USD và Việt Nam chỉ không đến 7 triệu USD so với 20 triệu USD)..., kết thúc giai đoạn 1 (10 năm), phía Danao đã từng đề nghị kéo dài thời gian liên doanh lên 40 năm (giấy phép đầu tư 20 năm), tăng vốn pháp định lên 60 triệu USD hoặc chuyển thành 100% vốn nước ngoài. Tất nhiên là nhiều nội dung và đề nghị trên của phía nước ngoài đã bị bác bỏ. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng với cách làm "mập mờ" này, chẳng bao lâu nữa phía Việt Nam hoàn toàn trắng tay? Xem ra, đã không còn sớm để giải quyết dứt điểm vấn đề DRI!

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Caravelle - khách sạn tốt nhất cho các thương nhân ở châu Á (25/09/2003)
Sẽ phải nhập 150.000 tấn phân urê mỗi tháng (24/09/2003)
Vụ kiện quảng cáo của Công ty Kymdan: Lối nào cho doanh nghiệp? (24/09/2003)
Đưa thanh long vượt biển (22/09/2003)
TP.HCM chi 200 tỷ đồng di dời các DN gây ô nhiễm (22/09/2003)
Sôi động MMS (22/09/2003)
Kiến nghị việc ''chỉ định đầu mối nhập khẩu nhựa'' (22/09/2003)
Pomihoa không có ý định bán nhà máy thép (22/09/2003)
Posco quan tâm đến dự án cán thép nguội (22/09/2003)
Điện thoại ''ảo'', tiện ích thực (21/09/2003)
Samsung tiếp cận khách hàng qua ''Vũ điệu sắc màu'' (20/09/2003)
Chọn mua ổ cứng di động (20/09/2003)
Nhà máy Gốm sứ vệ sinh cao cấp Cosevco đi vào hoạt động (18/09/2003)
Quota không người nhận (18/09/2003)
Liên doanh sản xuất tơ lụa xuất khẩu tại Đăklăk (17/09/2003)
Tro ve dau trang