|
Các sản phẩm làm ra từ song mây. |
(VietNamNet) - Tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt!. Con người sống nơi cửa rừng phải làm gì để tồn tại phát triển? Đó là nỗi trăn trở của ông Trần Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn (CTLN&DVHS) ở Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ trong vòng 6 tháng của năm 2003, Công ty tạo dựng được cho mình một nghề mới: Nghề mây tre đan xuất khẩu.
Nguyên liệu là những sản phẩm phụ của rừng đã tạo việc làm và thu nhập cho 200 lao động, đưa ngoại tệ về cho doanh nghiệp. Từ nghề này đã mở ra hướng mới cho hàng trăm lao động sống, làm, ăn ở rừng mà không phụ thuộc vào rừng, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – thương mại. Đối với CTLN&DVHS với gần 1.000 công nhân và bề dày hơn 40 năm chuyên khai thác rừng, bài toán cho việc "hậu" đóng cửa rừng bước đầu có lời giải!
Một người lo…
Mấy cán bộ của CTLN&DVHS kể, hồi tháng Hai vừa rồi, ông Trần Cẩm Tú, Giám đốc đơn vị cùng các cộng sự đi họp miền Nam, khi ghé vào nghỉ khách sạn Hương Giang (Huế), mọi người thấy ông cứ đăm chiêu khi thấy ở đây những sản phẩm từ song mây bày bán cho khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, sản phẩm bán chạy với giá tương đối "mắc". Ông Tú bất ngờ nêu ra ý tưởng cho mọi người cùng tranh luận: Song mây ở rừng quê mình không thiếu, sao không chuyển hướng làm mặt hàng này? Mọi người đều nghĩ ông nói có lý và ông quyết định lưu ở Huế để tìm cơ sở sản xuất mặt hàng trên.
Có địa chỉ trong tay, ông Tú ra Chương Mỹ, Hà Tây tham quan. Trở về ông liền triệu tập ban giám đốc, Đảng uỷ, lãnh đạo các phòng họp bàn việc triển khai nghề mây tre đan xuất khẩu. Chỉ trong vòng một tháng, đơn vị đã mời được 8 nghệ nhân từ Hà Tây vào truyền nghề cho gần 200 công nhân (chủ yếu là con em của NLĐ và thanh niên trên địa bàn). Quy trình sản xuất tuy mới mẻ nhưng nhờ một tập thể lao động hợp sức đồng lòng nên mọi việc đều suôn sẻ. Đầu tháng 5/2003, phân xưởng mây tre đan xuất khẩu thuộc Xí nghiệp Chế biến lâm sản xuất khẩu Kim Thành chính thức thành lập, công nhân ở đây với bàn tay khéo léo đã cho ra những mẫu mã mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mở ra một "chương" mới trong hơn 40 năm tồn tại và phát triển của đơn vị có gần 1.000 công nhân từng nổi tiếng nghề khai thác rừng. … bằng kho người làm
|
Công đoạn chẻ sợi mây nguyên liệu. |
Nguyễn Thị Hằng 19 tuổi ở thị trấn Tây Sơn, vừa học xong lớp 12, được tuyển làm công nhân. Sau 19 ngày được các nghệ nhân truyền nghề, cô đã làm được các sản phẩm đạt yêu cầu. Cầm chiếc lẵng hoa xinh xắn từ chất liệu mây tre của mình, Hằng phấn khởi khoe: "Ban đầu chưa quen việc nên cũng khó, bọn em phải phấn đấu rất nhiều, lại được sự dạy bảo nhiệt tình của các thầy nên tay nghề chắc dần lên…". Sau 3 tháng học nghề, Hằng có thu nhập 700 - 800 nghìn đồng/tháng, một khoản không nhỏ so với thu nhập của người sống bên cửa rừng. Làm ở xưởng không kịp, Hằng tranh thủ nhận về nhà làm thêm rồi hướng dẫn cho mẹ và các em cùng làm cải thiện đời sống gia đình. Hằng là một trong số 100 công nhân trẻ mới tuyển vào có công việc ổn định, có thu nhập khá từ nghề mới này.
Nghệ nhân Hoàng Văn Trực ở làng nghề Phú Mỹ, Hà Tây cho biết: "Công nhân ở đây chịu khó, nhiệt tình, khéo tay và có khả năng tiếp thu nhanh, dù mẫu mã "độc" đến mấy, chỉ hướng dẫn ít ngày là các em làm được ngay". Tôi còn gặp một nhóm thanh niên ở huyện Thạch Hà đang học nghề, tuy mới vào nghề nhưng thấy ai cũng thao tác thuần thục khéo léo. Em Nguyễn Thị Thuỷ quê ở Văn Khê xã Thạch Sơn, Thạch Hà thổ lộ: "Bọn em cố học cho vững tay nghề để còn về dạy cho các bạn ở nhà…".
Tại xưởng chế biến nguyên liệu, bên cạnh mấy đống song mây là những cỗ máy đang ầm ầm biến thứ cây đầy gai góc ở rừng thành những sợi trắng nõn nà cho giá trị cao. Nhiều người đang tập trung vào các công đoạn luộc dầu, chống mốc, tuốt chẻ, phơi sấy và phân loại kỹ càng, các chuyên gia đang hướng dẫn tốp công nhân cạnh đó nắm bắt tính năng sử dụng những cỗ máy. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Xí nghiệp cho biết: "Tính đến tháng 8 đã có 200.000 sản phẩm gồm bàn ghế, lọ hoa, valy, khung gương, giá đèn, bộ cơi… gắn nhãn mác sản xuất tại CTLN&DVHS đã được Tổng công ty BAROTEX xuất khẩu sang các thị trường Tây Âu, Canada…
Mang theo niềm vui
Được biết, tuy mới 6 tháng triển khai nghề mới nhưng đơn vị đã giải quyết xong các yếu tố cơ bản của bài toán kinh tế. Với trình độ tay nghề hiện nay của công nhân và Công ty đang không ngừng bồi dưỡng nâng cao cho họ, chắc chắn rằng CTLN&DVHS sẽ trình làng nhiều loại sản phẩm mây tre xuất khẩu có chất lượng cao. Vấn đề Công ty đang quan tâm là lo đủ nguyên liệu và tổ chức sản xuất. Thời gian qua Công ty đã thành công trong việc tạo ra giống song mây nơi vườn ươm, cung cấp đủ cây giống để toàn Công ty trồng mới 100-150ha và xen dăm trên một số diện tích khác. Với diện tích song mây trồng mới, Công ty đang lập dự án mở rộng khu sơ chế để cung cấp nguyên liệu cho 4 cụm làng nghề đang được hình thành ở các xã Sơn Tây, Sơn Kim, Sơn Thịnh, thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn và xã Trường Sơn - Đức Thọ, Thạch Long, Thạch Sơn - Thạch Hà. Từ các vệ tinh này Công ty sẽ có đủ hàng xuất khẩu theo nhu cầu của khách hàng để thu về lượng ngoại tệ không nhỏ. Công ty sẽ chuyển dần từng bộ phận để đến năm 2005 cơ bản toàn bộ Công ty sẽ chuyển sang làm nghề mây tre đan xuất khẩu.
Các công nhân được gặp đều nói lên suy nghĩ với chúng tôi: Nghề mới mở ra đã góp phần giải quyết việc làm cho cha mẹ và cho cả con cháu của họ, tạo thu nhập khá ổn định cho gia đình. Cái được lớn hơn là từ nghề này, thanh niên ý thức được giá trị lao động của mình, không chơi bời lêu lổng, tránh xa các tệ nạn xã hội... Không những mang lại giá trị về kinh tế, nghề mây tre đan xuất khẩu còn góp phần tích cực về mặt xã hội. Với nghề mới đã có nơi vùng đất này nhiều người dân một thời quen dựa vào "của trời cho" đã thực sự hiểu rằng: chỉ với bàn tay khéo léo của mình thì mới biến rừng thành thứ vàng đích thực.
|