Mất hàng trăm triệu USD mỗi năm vì không thương hiệu
08:06' 22/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài phải qua trung gian dưới những thương hiệu của các nước khác nên người tiêu dùng thế giới vẫn chưa biết nhiều về những nét đặc thù của nông sản Việt Nam.

 

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đang là vấn đề cấp bách nhằm giảm thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp và nâng cao vị thế của của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Đó là nội dung chính của buổi Hội thảo ”Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Công ty Cà phê Trung Nguyên, Đại học Kinh tế TP.HCM và Công ty VietNam Marcom phối hợp tổ chức vào sáng 21/11 tại TP.HCM.

 

Hầu hết rau quả xuất khẩu của ta còn chưa có nhãn hiệu.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, thứ hai về cà phê và các sản phẩm khác như điều, chè và xuất khẩu thủy sản đều ở mức cao trên thế giới. Tuy nhiên, theo Bộ NN - PTNT, hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất ra nước ngoài đều được bán dưới dạng thô hoặc sơ chế nên chưa tạo giá trị cao để tăng lợi nhuận cho nông dân. Thêm vào đó, trên 90% nông sản Việt Nam xuất ra thị trường nước ngoài là chưa có thương hiệu. Theo tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam, điều này khiến nước ta thất thu hàng trăm triệu USD mỗi năm.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ NN - PTNN và Cục Sở hữu trí tuệ, là do các doanh nhiệp chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thương hiệu, vẫn còn quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, thiếu thông tin thị trường cũng như không rõ về thủ tục, chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ và thương hiệu.

 

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc xây dựng thương hiệu nông sản phải đầu tư toàn diện, có chiến lược phát triển lâu dài và sự kết hợp đồng bộ của tất cả các khâu từ việc chọn lựa giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà truyền thông, doanh nghiệp và Nhà nước. Điều quan trọng khác là những sản phẩm nông sản phải tạo được một “linh hồn” gắn liền với lịch sử và truyền thống văn hóa của địa phương. Thêm vào đó, Việt Nam cần xác định được ưu thế của những nông sản mũi nhọn ở từng khu vực, từng loại hàng hóa để phát huy thế mạnh và tạo sự độc quyền trên thị trường quốc tế. 

  • Phi Long
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Cơ hội vay vốn ưu đãi để nhập nông sản từ Mỹ
Nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản bị phá vỡ
Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ nông sản cho Việt Nam
An Giang đưa giá nông sản lên trang web
Đưa nông sản vào Mỹ cần sự mạnh dạn của DN
Hàng nông sản Việt Nam vào Dubai