(VietNamNet) - Các quốc gia ngày càng khắt khe hơn trong kiểm soát thủy sản nhập khẩu và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tại Mỹ, chỉ riêng tháng 9/2003, đã có 13 lô hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo.
|
Theo VASEP, cần đẩy mạnh kiểm soát chất lượng trong nguyên liệu thủy sản nhập khẩu. |
Trong số đó có 3 lô không ghi nhãn bằng tiếng Anh hoặc nhãn ghi sai quy định, còn lại chưa đáp ứng yêu cầu ATVSTP.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Chống khủng bố sinh học và quy định về ghi nhãn mác của Mỹ đã làm phát sinh nhiều phiền toái cũng như chi phí cho DN. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu trước 12/12/2003, mọi cơ sở sản xuất thực phẩm phải thông báo về các lô hàng chuẩn bị cập cảng Mỹ; các cơ sở thực phẩm nước ngoài phải chỉ định một đại lý của Mỹ khi đăng ký với FDA. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam hiện vẫn chưa biết rõ đạo luật này, hoặc biết rồi nhưng còn lúng túng trong việc thực hiện đăng ký.
Canada thì đang trang bị thiết bị kiểm tra các chất kháng sinh chính xác hơn. Trong tháng 9/2003, đã có 8 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo, trong đó có 7 lô không đáp ứng quy định ATVSTP; tháng 10/2003 có 6 lô hàng bị cảnh báo do nhiễm vi sinh và Chloramphenicol.
Từ đầu tuần này, một đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu đang có mặt tại Việt Nam để kiểm tra thực tế việc kiểm soát dư lượng kháng sinh và thực hiện ATVSTP trong nuôi trồng, chế biến thủy sản. Một quan chức Bộ Thủy sản cho rằng, điều quan trọng là chúng ta phải chứng minh được rằng, thủy sản Việt Nam "sạch" ngay từ khâu con giống, không sử dụng chất kháng sinh bị cấm. |
Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thủy sản) cho biết, Nhật Bản, sau khi phát hiện có kháng sinh trong tôm nhập từ Trung Quốc, cũng tăng cường các yêu cầu về an toàn thực phẩm và quy định chặt chẽ về ghi nhãn hàng hóa. Đây là thách thức lớn đối với các DN, nếu mất uy tín với người Nhật, chúng ta sẽ mất thị trường này.
Trong khi đó, EU ngày càng thắt chặt các biện pháp giám sát thực hiện tiêu chuẩn ATVSTP, thể hiện qua việc thành lập Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm; tới đây sẽ thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng dịch bệnh. Song, nhờ kiểm soát tốt chất lượng nên số lô hàng thủy sản xuất vào EU của Việt Nam bị cảnh báo giảm đáng kể so với cùng kỳ (chỉ 17 lô cho đến tháng 10). Hiện nay, xuất khẩu thủy sản sang EU luôn là cái đích để DN Việt Nam hướng tới. Bởi tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu được các nước trên thế giới công nhận, nên một khi đã được xuất sang thị trường này, DN sẽ có khả năng để xuất đi tất cả các thị trường khác.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), về cơ bản, tình hình đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể. Việc sử dụng chloramphenicol hầu như đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ngành thủy sản cần quản lý tốt chất lượng giống ngay từ nguồn, thanh tra các trại giống và đình chỉ trại nào không đảm bảo chất lượng con giống. Đồng thời, ngăn chặn việc sử dụng các loại kháng sinh bị cấm; quy hoạch lại, xác định và đánh mã số vùng nuôi an toàn để tăng khả năng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm; bắt buộc ghi mã số lô nguyên liệu.
|