(VietNamNet) - Sáng nay (2/12), Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã được khai mạc dưới sự chủ toạ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland.
|
Phó Thủ tướng Vũ Khoan (giữa) và Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc (trái) tại Hội nghị. |
Tham gia hội nghị có 50 nhà tài trợ song và đa phương. Chủ đề của Hội nghị năm nay là "Nhìn lại 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, các giải pháp thực hiện cho 2 năm còn lại". Với 4 phiên họp, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 5 vấn đề chính: tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2001-2003, chính sách và giải pháp cho 2004-2005; tình hình thực hiện chiến lược xoá đói giảm nghèo; doanh nghiệp - tính cạnh tranh và hiệu quả trong nền kinh tế Việt Nam; HIV/AIDS, một thách thức xã hội và kinh tế; nâng cao tính hiệu quả của ODA và giảm chi phí chuyển giao.
|
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Đề cập đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 3 năm qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến 3 cụm vấn đề lớn: mối quan hệ giữa phát triển theo chiều rộng và chiều sâu; giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững; giữa hội nhập và phát triển. Do đó, Việt Nam mong muốn sự trợ giúp của các nhà tài trợ tập trung vào các lĩnh vực như: cải thiện hơn nữa mạng lưới giao thông, điện nước, công trình thuỷ lợi; giải quyết các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, giáo dục, nhất là y tế; phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội nhập kinh tế thế giới; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực.
|
Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn. |
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết trong các cuộc gặp với một số nhà lãnh đạo các nước tài trợ hàng đầu cho Việt Nam, các nước này đều khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác ODA ưu tiên. Chẳng hạn, Chính phủ Bỉ đã xếp Việt Nam trong nhóm 18 nước Bỉ sẽ dành nguồn ODA lớn nhất. Nhật, nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam mặc dù phải cắt giảm nguồn ngân sách ODA song vẫn coi Việt Nam là một trong những nước nhận tài trợ hàng đầu. Các tổ chức tiền tệ vẫn xếp Việt Nam ở hàng ưu tiên. "Điều đó cho thấy tốc độ không thay thế được trình độ phát triển. Trong một thời gian dài nữa, Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Điều đáng phấn khởi là cộng đồng quốc tế tiếp tục coi Việt Nam là một ưu tiên". |
Đồng chủ tịch Hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Klaus Rohland cũng khẳng định vấn đề quan trọng là phải làm sao để tăng trưởng kinh tế đảm bảo được lợi ích cho mọi người, nhất là người nghèo. Vì thế, một trong những ưu tiên của ODA cho Việt Nam là hỗ trợ công cuộc xoá đói giảm nghèo.
|
Nhóm tư vấn các nhà tài trợ tại Hội nghị. |
Từ 12h đến 12h30 trưa mai sẽ là phần quan trọng nhất của Hội nghị khi các nhà tài trợ đưa ra mức cam kết ODA cho Việt Nam trong năm nay. Cho đến thời điểm này, chưa có đại diện nào tiết lộ mức cam kết cụ thể. Như lời ông K.Rohland nói trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị: "Chúng tôi không muốn nói trước điều gì khi cuộc chơi chưa diễn ra". Còn ông Markus Conaro, Trưởng phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam đã phát biểu: "Điều quan trọng nhất không phải là các nhà tài trợ sẽ đưa ra mức cam kết bao nhiêu cho Việt Nam mà là làm sao để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này". Khi được hỏi liệu việc ký Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt - Nhật vừa qua có cho phép hy vọng duy trì mức cam kết cao của Nhật cho Việt Nam hay không, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Norio Hatori, trả lời: "Đương nhiên đây sẽ là một sự khích lệ tích cực đối với Chính phủ Nhật. Việt Nam vẫn là một đối tác ODA ưu tiên của Nhật". Tuy nhiên, một lần nữa ông vẫn nhấn mạnh rằng tương lai của ODA Nhật dành cho Việt Nam phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam có thực hiện các cam kết đó hay không.
|