,
221
460
Ô tô - Xe máy
oto
/oto/
160322
Cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô VN có còn?
1
Article
null
,

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô VN có còn?

Cập nhật lúc 07:47, Thứ Ba, 09/12/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (VINA MOTOR) đã được thành lập trên cơ sở cơ cấu lại Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải. Đây là một quyết định táo bạo khi thuế đánh vào sản phẩm này tăng lên và một số liên doanh ôtô có ý định rút khỏi thị trường Việt Nam.

Sản xuất ôtô tại liên doanh VMC.

VINA MOTOR sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty Cơ khí ôtô 1 tháng 5, Công ty Cơ khí ôtô 3 tháng 2, Công ty Cơ khí ôtô Ngô Gia Tự, Công ty Cơ khí ôtô 120, Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư thiết bị giao thông vận tải, Công ty Cơ khí ôtô và xe máy công trình, Công ty Sản xuất và Kinh doanh xe máy… Sau đó sẽ tiến hành hình thành 3 công ty con trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Cơ khí 19 tháng 8, Công ty Môi giới Thương mại và Đầu tư phát triển giao thông vận tải, Công ty Xây dựng và Cơ khí số 1. Bước tiếp theo có 5 công ty con được hình thành, gồm một công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước và các công ty TNHH 2 thành viên trở lên mà công ty mẹ nắm giữ 50% vốn điều lệ...

Lãnh đạo VINA MOTOR cho biết mục đích của quyết định này không nằm ngoài mong muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Đây là giải pháp khả thi để hình thành nền công nghiệp ôtô tự chủ dựa trên phát huy nội lực và tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới. Hướng đi của ngành công nghiệp ôtô sẽ là: xây dựng loại xe mang thương hiệu Việt Nam với giá rẻ và xe chuyên dụng, có chất lượng đảm bảo, hợp với túi tiền người tiêu dùng. 

Theo tính toán ban đầu thì nhu cầu ôtô cả nước hiện nay vào khoảng 100.000 xe mỗi năm. Những loại xe tải nhẹ, xe du lịch phân khối nhỏ (giá dưới 10.000 USD/chiếc) và xe khách liên tỉnh, xe buýt hiện có nhu cầu rất lớn (khoảng 60.000 xe/năm) chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Trước mắt ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ tập trung thoả mãn nhu cầu này, với tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao. Việt Nam sẽ có 2 dòng xe cùng phát triển và song song tồn tại, đó là xe giá rẻ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, xe sang trọng do các liên doanh ôtô sản xuất.

Nhưng một số ý kiến đến nay vẫn hoài nghi rằng Việt Nam khó có thể có được ngành công nghiệp ôtô. Việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp ôtô vào thời điểm bây giờ là quá muộn và thời cơ đã qua từ lâu rồi.

Qua phân tích cho thấy: để có ngành công nghiệp ôtô thì các quốc gia châu Âu phải mất 100 năm, Nhật Bản 50 năm và Hàn Quốc 30 năm. Theo tính toán Việt Nam muốn có ngành công nghiệp ôtô cũng phải mất ít nhất 30 năm như Hàn Quốc. Bên cạnh đó phải hội đủ các điều kiện cần thiết như được bảo hộ cực cao, vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại tiến tiến có chuyển giao và thị trường rộng (bao gồm cả trong nước và xuất khẩu) thì mới phát triển được.

Với Việt Nam phần lớn điều kiện này lại không có. Chúng ta đã gia nhập AFTA và đang đàm phán để gia nhập WTO vào năm 2005, như vậy chậm nhất đến 2018 thị trường ôtô phải mở cửa. Khoảng thời gian 15 năm còn lại là quá ít để ngành công nghiệp ôtô lớn mạnh và đứng vững trên đôi chân của mình. Các điều kiện khác như vốn (đòi hỏi tới hàng chục ngàn tỷ đồng), công nghệ tiên tiến ta đều thiếu. Những cơ sở sản xuất ôtô trong nước vừa cũ vừa lạc hậu, hiện chỉ lắp ráp chứ chưa chế tạo. Trong khi sản xuất ôtô cần tới hàng nghìn các nhà cung cấp linh kiện, trong khi chúng ta mới chỉ có hơn chục DN, sản xuất những phụ tùng hết sức đơn giản như kính, khung ghế, đệm mút, săm lốp... Bên cạnh đó là hệ thống giao thông yếu kém, cản trở sự phát triển của thị trường ôtô nội địa... Với những bất lợi này Việt Nam khó có được ngành công nghiệp ôtô của riêng mình.

Hướng đi mà ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vạch ra, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình, nhất là từ phía các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Nhật Bản. Viện này đã có nhiều nghiên cúu và thảo luận về hướng phát triển công nghiệp ôtô của Việt Nam, cho rằng với hướng đi trên sẽ tạo ra khoảng cách công nghệ giữa loại xe sang trọng và loại xe giá rẻ. Loại xe giá rẻ không đòi hỏi công nghệ cao, không cần áp dụng những nghiên cứu mới, vật liệu mới vào sản xuất, linh kiện không đạt được độ tinh sảo... Xe ôtô giá rẻ thời gian đầu có thể phát triển được nhờ dựa vào thị trường trong nước, nhưng nó bị cô lập, tạo ra khoảng cách với so công nghệ sản xuất ôtô thế giới và không thể xuất khẩu được sản phẩm. Khi đời sống của người Việt Nam được nâng cao, nhu cầu thay đổi thì loại xe giá rẻ sẽ mất thị trường và không còn chỗ đứng. Như vậy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phải xây dựng lại?

Bài học kinh nghiệm là Malaysia đã từng phát triển ngành công nghiệp ôtô với thương hiệu riêng đó là xe Proton, nhưng đến nay thương hiệu này đang chết dần do chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Không xuất khẩu được,sản lượng thấp, đã không khuyến khích các nhà sản xuất linh kiện đẩy mạnh đầu tư chiều sâu và khoảng cách giữa nền công nghiệp ôtô của Malaysia với thế giới ngày càng xa. Những thế hệ đi sau sẽ phải trả giá cho hậu quả này.

Thực tế, một quốc gia 80 triệu dân với nền kinh tế đang phát triển thì nhu cầu sử dụng ôtô là rất cao, cần thiết phải có ngành công nghiệp ôtô của riêng mình. Hơn nữa, công nghiệp chế tạo ôtô với những công nghệ cơ bản như: chế tạo máy, vật liệu, điện tử… còn là nền tảng để áp dụng vào nhiều ngành sản xuất khác. Vì vậy bất cứ một quốc gia nào cũng thèm muốn có ngành công nghiệp ôtô mạnh. Khi ngành công nghiệp ôtô phát triển, chúng ta sẽ hạn chế được việc phải chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu ôtô (ước tính đến 2020 Việt Nam sẽ phải chi 3 tỷ USD/năm để nhập ôtô), tránh thâm hụt cán cân thương mại… Đó là những lợi ích rất lớn, nhưng cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ôtô liệu có còn?

  • Trần Thuỷ

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,