(VietNamNet) - "Không tập trung đầu tư vào Việt Nam và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội là điều sai sót đối với các doanh nghiệp Tây Ban Nha từ nhiều năm nay" - Ông José Manuel Reyero, Phó Chủ tịch điều hành Viện Ngoại thương Vương quốc Tây Ban Nha, đã phát biểu như vậy.
|
Diễn đàn Đầu tư và Hợp tác doanh nghiệp Tây Ban Nha - Việt Nam tại TP.HCM. |
Diễn đàn hợp tác, đầu tư Việt Nam và Tây Ban Nha tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 8 - 9/12 qui tụ đại diện khoảng 200 doanh nghiệp của hai nước.
Tây Ban Nha, một nước thuộc thành viên Liên minh châu Âu, có quan hệ thương mại tăng trưởng cao với Việt Nam nhưng mức tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước đặc biệt là lĩnh vực đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ông Reyero cho biết từ năm 1998 xuất khẩu của Tây Ban Nha vào Việt Nam tăng 30%, chiếm khoảng 4.7% lượng xuất khẩu của Liên minh châu Âu vào thị trường Việt Nam. Xuất khẩu của Liên minh châu Âu vào Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD.
Xuất khẩu của Tây Ban Nha bao gồm nhiều sản phẩm như hóa chất phục vụ sản xuất gạch men, máy móc cơ khí, thiết bị điện, thép tấm. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam vào Tây Ban Nha chỉ gấp khoảng 3 lần chiều ngược lại và thị trường này đứng thứ bảy trong tổng số 15 nước châu Âu nhập hàng của Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dệt may, giày dép và cà phê.
Về mặt đầu tư, cho đến nay mới có duy nhất một dự án đầu tư của doanh nghiệp Tây Ban Nha vào Việt Nam. Năm doanh nghiệp khác mới có văn phòng đại diện.
Mức đầu tư của Tây Ban Nha hiện nay quá thấp so với tiềm năng của hai nước.
"Đây là sai xót của các nhà đầu tư Tây Ban Nha và chúng tôi đang sửa chữa chúng bằng việc có mặt tại đây để tìm hiểu Việt Nam thay vì để quá trễ. Hy vọng rằng trong một tương lai gần, chỗ đứng của các doanh nghiệp Tây Ban Nha trong thị trường Việt Nam cũng sẽ tương đương như ở khu vực khác", ông Reyero nhận định. Ông gọi kêu các doanh nghiệp Tây Ban Nha hãy tận dụng cơ hội quý báu mà Việt Nam đang chào mời các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông nói rằng những cơ hội Việt Nam đang dành cho các nhà đầu tư nước ngoài là những ưu thế về thị trường nội địa đang lớn mạnh và đa dạng hóa, giá nhân công rẻ, lực lượng lao động hiệu quả, ưu đãi về thuế và nhiều triển vọng cho tự do hóa thương mại. Hơn nữa Việt Nam đang được sự ủng hộ của các nhà tài trợ tài chính quốc tế .
Tây Ban Nha có thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính, ngân hàng, công nghiệp ôtô, máy móc công cụ, vô tuyến viễn thông... Riêng về du lịch, Tây Ban Nha là nước đứng thứ hai trên thế giới thu hút nhiều khách du lịch nhất với 67 triệu lượt khách. Những lĩnh vực này doanh nghiệp Tây Ban Nha đang muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ba mươi tám doanh nghiệp Tây Ban Nha sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư và xúc tiến thương mại trong diễn đàn này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, giày da, năng lượng, hóa chất, dệt may, du lịch và dịch vụ du lịch, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng và môi trường.
Diễn đàn đầu tư và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Tây Ban Nha kéo dài trong hai ngày này là kết quả của nhiều chuyến xúc tiến thương mại của Việt Nam, đáng chú ý nhất là chuyến thăm Tây Ban Nha của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi năm 2001. Chuyến thăm này đã mang lại kết quả là hiệp định khung về hợp tác giữa hai Chính phủ.
Đến nay, Tây Ban Nha đã ký kết ba chương trình hợp tác về tài chính với Việt Nam với mức tài trợ cho Việt Nam khoảng 60 triệu USD. Ngoài ra hai nước còn ký kết hiệp định về hợp tác du lịch, khoa hoc - kỹ thuật và tránh đánh thuế hai lần. Sắp tới Việt Nam và Tây Ban Nha sẽ đàm phán để ký kết hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
|