(VietNamNet) - "Xu hướng của các nhà đầu tư hiện nay là đầu tư trong ít nhất 5-10 năm. Trong khoảng thời gian đầu tư, họ muốn các chính sách của Chính phủ nếu thay đổi thì phải theo một chiều hướng nhất quán, dễ tiên liệu và có lợi cho đa số, trong đó có chính sách thuế. Việt Nam chưa làm tốt việc này" - ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã trao đổi với các phóng viên như vậy.
- Thưa ông, ông có dự đoán gì về khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới?
- Theo tôi, Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới. Về trung hạn, Việt Nam cần tiếp tục cải tổ cơ cấu, hạn chế tình trạng lỗ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, khắc phục những nhược điểm của các ngân hàng thương mại quốc doanh, nhất là vấn đề nợ khó đòi.
Trên đà phát triển, trình độ và tay nghề của lực lượng lao động là yếu tố đóng vai trò ngày càng quan trọng. Ở Việt Nam, chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, nhất là giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực nông thôn. Hệ thống giáo dục ở đây cũng cần được cải tiến cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Chính phủ nên có một luật chung điều chỉnh tất cả các loại hình doanh nghiệp, và khuyến khích hơn nữa sự phát triển của khu vực tư nhân. Đây sẽ là khu vực giải quyết được phần lớn việc làm cho những người mới bước vào thị trường lao động. Mà theo như dự đoán, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1,2 triệu lao động mới.
Việt Nam cũng cần khắc phục tình trạng "trên thoáng, dưới không thông". Nhiều khi Chính phủ đã có chủ trương, đường lối đúng đắn. Nhưng các địa phương lại không thực hiện đúng.
- Vậy Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Việt Nam cải cách trong những lĩnh vực nào?
- Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ chính phủ cải cách cơ cấu: cải cách khu vực tài chính, cải cách doanh nghiệp, cải cách khu vực hành chính công... Chúng tôi chú trọng tới công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn thông qua các chương trình năng lượng, hạ tầng cơ sở và giáo dục. Ngân hàng Thế giới muốn bất kỳ ai ở bất cứ đâu tại Việt Nam đều có cơ hội đồng đều để có một cuộc sống tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông.
|