|
Đoàn DN Nhật Bản thăm KCN Thăng Long. |
(VietNamNet) - Ông Watanabe Osamu, Chủ tịch Jetro, Trưởng đoàn DN Nhật Bản đang tìm hiểu cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam vừa cho biết, 3/4 trong tổng số 46 DN muốn đầu tư vào Việt Nam, và 16 DN đã sẵn sàng. Đặc biệt, có 6 công ty cho biết họ sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư ngay sau khi về nước, 1 DN đã quyết định đầu tư ngay vào lĩnh vực CNTT với số vốn ban đầu 2 triệu USD tại khu công nghiệp Thăng Long.
Ông Nakao Isamu, Chủ tịch Công ty Fusion Techno Solutions, Công ty quyết định đầu tư vào KCN Thăng Long giải thích cho quyết định của mình, ''Tôi đã đến thăm KCN Thăng Long và nhận thấy đây là một điểm đầu tư hấp dẫn. Thực ra, lúc đầu chúng tôi dự định triển khai dự án này ở Kiến An, Trung Quốc nhưng bây giờ tôi quyết định chuyển sang Việt Nam. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này, một trong những lý do đó là chúng tôi muốn phân tán sự rủi ro. Có thể lợi nhuận ở Việt Nam sẽ thấp hơn Trung Quốc nhưng đây là một hành động theo phương châm NPO (non profit). Lợi nhuận ở Trung Quốc sẽ được tái đầu tư ở Việt Nam. Vào mùa thu này, cơ sở ở Hà Nội sẽ được xây dựng và sang năm một cơ sở ở TP. HCM sẽ ra đời''.
Tại sao đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam liên tục giảm ?
Ông Watanabe Osamu: Trung Quốc thu hút đầu tư rất lớn. Đầu tư vào Trung Quốc lợi nhuận rất cao nên Trung Quốc luôn là lựa chọn đầu tiên của các DN Nhật Bản. Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam do đó bị ảnh hưởng, tất nhiên phải nói là tốc độ cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam còn chậm.
Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ KHĐT: Có 3 nguyên nhân chính. Một là, khủng hoảng khu vực 97 - 98, cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc. Hai là, các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã chắc chân ở thị trường Việt Nam, đầu tư bây giờ hầu hết là các công ty vừa và nhỏ nên giá trị đầu tư sụt giảm. Thứ ba, cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn rườm rà, các cải cách chính sách còn mang tính tình thế, chưa có chiến lược lâu dài, nhất quán để yên lòng các nhà đầu tư. |
Công ty của ông Nakao hoạt động trong lĩnh vực lập trình, thiết kế những toà nhà siêu cao tầng, nhà máy lọc dầu... Ông cho biết, CNTT ở Việt Nam có triển vọng không thua kém các nước khác nhưng cần phải được đào tạo bài bản hơn. Ông dự định sẽ lập một trung tâm đào tạo khoảng 5.000 kỹ sư để phục vụ cho hoạt động của công ty.
Dự án đầu tư trên cho thấy, lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư của Nhật Bản là ưu thế về địa lý và giá nhân công rẻ. Bản thân ông chủ tịch Watanabe đã thừa nhận điều này. Ông so sánh, các DN Nhật Bản luôn muốn đi bằng 2 chân để ổn định, 1 chân họ đã đặt ở Trung Quốc, chân còn lại là sự lựa chọn giữa các nước ASEAN. Việt Nam có lợi thế là gần Trung Quốc và nhân công có trình độ, giá rẻ, nếu phát huy tối đa điểm mạnh này thì Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với các nước ASEAN.
Tuy vậy, không ít DN Nhật Bản đến Việt Nam lần này cảm thấy băn khoăn vì hình như Việt Nam chỉ chú trọng thu hút đầu tư ở một vài khu vực trọng điểm như Đông Nam bộ, Hà Nội... mà bỏ quên các địa phương khác, nhất là các địa phương phía Bắc (?). Đây là một yếu tố rất quan trọng vì đoàn DN Nhật Bản đến Việt Nam lần này hầu hết là các DN trung tiếu (vừa và nhỏ). Và không phải DN nào cũng mặn mà với các KCN, có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng chi phí cũng cao hơn.
Ông Takashi Noguchi, Chủ tịch Công ty Sun Mark, một công ty sản xuất thực phẩm ở miền Trung Nhật Bản, là một ví dụ. Ông cho biết, ông đã đi tìm hiểu cơ hội đầu tư ở nhiều KCN cả ở miền Bắc và miền Nam nhưng vẫn chưa ưng ý. Lý do chính là các KCN này đòi hỏi chi phí không phù hợp với những DN vừa và nhỏ như công ty của ông. ''Công ty của tôi hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và có thể cung cấp các sản phẩm cũng như công nghệ chế biến phù hợp với nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Do đó, thích hợp nhất là đầu tư xây dựng nhà máy ở một địa phương chứ không phải nhảy vào các KCN gần các thành phố lớn'' - ông giải thích.
Đây cũng chính là một trong những nội dung được các DN Nhật Bản quan tâm nhất trong các cuộc gặp và trao đổi với Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các quan chức TP. HCM. Phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam cho biết rõ sự gắn kết giữa chủ trương thu hút đầu tư với định hướng phát triển của các địa phương và TP.HCM.
|