|
Nữ công nhân may mặc Campuchia làm việc tại một công ty do Hongkong đầu tư. |
9 tỉnh phía Bắc và các Bộ Thương mại, Bộ NN & PTNT, Tổng cục Hải quan... ngày 16/9 đã họp bàn về biện pháp để phát triển quan hệ thương mại với Campuchia trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, từ 14/9 (khi Campuchia gia nhập WTO), tình hình đã khác và Việt Nam chỉ có thể giành phần thắng trong cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả. Tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Buôn bán giữa hai nước đều không thông qua quan hệ ngân hàng mà chỉ trao đổi bằng tiền đồng và chỉ dựa trên quan hệ quen biết nên dễ dẫn đến thất thoát và khó thanh toán nợ. Mặt khác do không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng nên doanh nghiệp không được hoàn thuế VAT và hưởng các chế độ ưu đãi xuất khẩu. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Du lịch An Giang kiến nghị: cần phải có chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Campuchia.
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ sang Campuchia thu ngoại tệ mạnh bằng tiền mặt được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0%, được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (với điều kiện doanh nghiệp phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép nộp USD tiền mặt vào tài khoản). |
Theo bà Phạm Kim Hồng, Giám đốc Sở Thương mại TP.HCM: Doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng cho được hệ thống các kênh phân phối, bán lẻ tại thị trường Campuchia để hàng Việt Nam thật sự "bám rễ" tại đây. Cũng theo bà Hồng, hàng Việt Nam xuất hiện tại thị trường Phnom Penh rất nhiều nhưng hầu hết đều là hàng giả, hàng nhái. Muốn đứng được tại thị trường này thì cần thiết phải dành lại thương hiệu Việt, "phải cho người tiêu dùng thấy rằng hàng Việt Nam chính hiệu chất lượng cao chứ không phải nhái hiệu của ai hết". Bà Hồng phát biểu: So sánh tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Campuchia, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được nhu cầu cho tầng lớp thu nhập thấp của nước bạn. Trong khi sức mua của lớp "nhà giàu" rất lớn thì lại chưa tranh thủ được.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Campuchia sắp tới sẽ ban hành quy chế về biên mậu nâng cao hiệu quả của các khu kinh tế cửa khẩu như: gia công chế biến, lắp ráp, đóng gói, tạo thành đầu mối cho xuất nhập khẩu. Thứ trưởng cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong việc chiếm lĩnh thị trường "muốn làm được điều này thì yếu tố giá cả và chất lượng phải đặt lên hàng đầu, bởi không chỉ có thị trường Campuchia mà hầu hết các thị trường ASEAN đều có mặt hàng xuất khẩu tương tự nhau".
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ ba của Campuchia trong khối ASEAN và đúng thứ 6 trong các nước có quan hệ buôn bán với Campuchia. Từ 1999 đến nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng trưởng đáng kể. Những mặt hàng chính của Việt Nam nhập vào Campuchia chủ yếu là hàng nông, lâm, thuỷ sản, cơ khí và hàng gia dụng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đã đạt 146 triệu USD. Trong đó Campuchia đã nhập từ Việt Nam 6,4 triệu USD nguyên, phụ liệu dệt may; 8,7 triệu USD sản phẩm nhựa; 8,8 triệu USD mì ăn liền... các mặt hàng này chiếm lĩnh 60-70% thị phần. Điều đáng ngại nhất khi Campuchia gia nhập WTO là hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hoá của Thái Lan, Trung Quốc tràn vào Campuchia với sự ưu đãi về thuế của các nước WTO. Đặc biệt là những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này thì Thái Lan và Trung Quốc cũng có thế mạnh tại đây.
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)
Tin liên quan:
|