(VietNamNet) - Đây là đánh giá của các đại diện phái đoàn Bộ Thương mại và đại diện Thương mại Mỹ sau các cuộc họp với Chính phủ Việt Nam ngày 17 và 18/3 về mức xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ. Phía Mỹ đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam và sẽ đưa ra kết luận dựa trên các thông tin phía Việt Nam cung cấp trong thời gian sớm nhất.
|
Dệt may, mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của thành phố. Ảnh: Đ.V. |
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho hay, phái đoàn này đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, đoàn các quan chức Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Hải quan. Cuộc gặp bàn kết quả của đợt điều tra chung do Bộ Thương mại Việt Nam và Hải quan Mỹ tiến hành về mức xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ trước khi ký Hiệp định.
Theo điều khoản của Hiệp định, Mỹ và Việt Nam có thể trao đổi ý kiến trong vòng 90 ngày về việc các mức quota dành cho Việt Nam có phản ánh chính xác mức độ trao đổi thương mại trước khi có hiệp định hay không. Washington sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt bao gồm cả việc cắt giảm hạn ngạch nếu hàng dệt may mang nhãn mác Việt Nam được chuyển lậu từ Trung Quốc nhằm tăng lượng hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Thắng, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại, phía Mỹ đánh giá Việt Nam đã tích cực chống gian lận thương mại, thể hiện qua việc triển khai nhanh chóng hệ thống cấp visa điện tử cho DN Việt Nam.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, điều tra của hải quan Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái đối với khoảng 100 DN Việt Nam cho thấy "chỉ có khoảng 6 hoặc 10 công ty có vấn đề đối với vận chuyển hàng bất hợp pháp".
Một nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp dệt may Hoa Kỳ cho hay ông không tin có sự gian lận phổ biến vì "Việt Nam với tư cách là một trong những nơi có chi phí sản xuất thấp nhất, hiệu quả nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới không có chút lợi ích kinh tế nào trong việc này cả".
Một trong những "bức xúc" của các DN dệt may Việt Nam hiện nay là tình trạng khan hiếm hạn ngạch. Trong năm 2004, Việt Nam sẽ chỉ có thể đáp ứng một nửa số đơn đặt hàng nhận từ Mỹ, thị trường lớn nhất hiện nay đối với hàng hoá Việt Nam. Năm ngoái một số DN đã mượn hạn ngạch cho năm 2004.
|