221
5102
Kinh doanh
kinhdoanh
/kinhte/kinhdoanh/
742754
Ngành chăn nuôi Việt Nam đứng bên bờ vực?
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Ngành chăn nuôi Việt Nam đứng bên bờ vực?
,

(VietNamNet) - Hơn 200 triệu gia cầm sạch đang có nguy cơ chết đói vì nông dân không còn tiền mua thức ăn, trong khi đầu ra đang tiếp tục bị thắt chặt. Nông dân điêu đứng, phá sản, còn ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước vực thẳm kiệt quệ nếu không tìm được lối thoát cho đàn gia cầm sạch.

Tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ đàn gia cầm và tiêu thụ sản phẩm ứ đọng hiện nay, do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức hôm 10/12 tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến của nông dân, các địa phương cũng như những chuyên gia góp ý về việc làm thế nào để tìm được đầu ra cho con gà. Có lẽ vì có quá nhiều vấn đề cần giải quyết nên hội thảo kéo dài qua trưa (hơn 13h), không có giờ giải lao và kết thúc bằng một bữa tiệc thịt gà.

Soạn: AM 646512 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cần nhiều hơn nữa những bữa tiệc thịt gà như thế này. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn (ở giữa) đang tham dự bữa tiệc thịt gà, diễn ra sau hội thảo.

Mất tới 5.700 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị The, chủ trang trại gà xã Hoàng Nam, Nghĩa Hưng (Nam Định) nói rằng, gia đình bà chưa kịp hoàn hồn sau đợt dịch trước (năm 2003, gia đình bà mất 900 triệu đồng khi đàn gà 6.800 con bị tiêu hủy) thì năm nay, dịch cúm bùng phát làm bà tiếp tục điêu đứng. Bà nuôi 8.000 con một lứa, đợt vừa rồi phải bán rẻ 5.000 đồng/con, lỗ 160 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền gia đình bà đầu tư cám cho các đại lý cấp 2, cho các hộ nuôi gà đã lên tới 500 triệu đồng mà nguy cơ không thu hồi được là rất lớn. Điều đắng cay ở đây là Nam Định hoàn toàn sạch dịch và đã tiến hành triển khai tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm từ rất sớm.

Cùng cảnh ngộ với bà The là gia đình anh Nguyễn Trọng Nhụ (xóm Ga, xã Lương Sơn, TP Thái Nguyên). Năm ngoái, anh bị hủy hơn 6.000 con gà, thiệt hại 320 triệu đồng nhưng đến tận cuối năm, anh mới được Nhà nước hỗ trợ 2.500 đồng/con (chỉ vào khoảng 15 triệu đồng) trong khi gà không hề bị cúm.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam:

Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang đi ngược với sự phát triển chung của toàn thế giới. Chăn nuôi gia cầm toàn cầu hiện vẫn tăng cao, với 65,1 triệu tấn năm 2005, tăng 4,1% so với năm 2004 và dự kiến sang năm tiếp tục tăng 6,3%. Tiêu thụ gia cầm trên thế giới cũng tăng 3,2%. Thương mại gia cầm (xuất nhập khẩu) cũng đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay và dự kiến sang năm cũng đạt mức này.

Ngay cả Thái Lan, nước láng giềng chúng ta cũng xuất khẩu được khoảng 280.000 tấn gà chín trong năm nay cho Nhật Bản và EU và dự kiến đạt 400.000 tấn trong năm 2006 thì tại sao Việt Nam lại không khuyến khích tiêu thụ và phát triển đàn gia cầm. Chúng ta đang đi ngược xu hướng chung của toàn thế giới.

Đến thời điểm này, gà lại không tiêu thụ được ngay cả khi anh chấp nhận bán rẻ như cho. "Nếu kéo dài tình trạng này, tôi sẽ mất trắng tiếp 200 triệu đồng nữa cho một trại gà 8.000 con nay đã trên 3kg/con, không bán được con số thiệt hại càng lớn", anh Nhụ nói.

Trong khi đó, Thái Nguyên chưa hề xảy ra dịch lớn, ngoài một số hộ ở huyện Phú Lương và Sông Kông. Song, việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã hoàn toàn đình trệ, đặc biệt là ở các chợ nội thành, nội thị.

Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, 5.000 tấn gia cầm ở tỉnh đang bị ứ đọng, trong đó có khoảng 165 tấn gà hơi thuộc 19 triệu chăn nuôi gia cầm tập trung của công ty CP (công ty này cũng đang lúng túng với 1 triệu con gia cầm ở miền Bắc đang chờ được tiêu thụ). Nếu dịch cúm tiếp tục xảy ra, lây lan ở diện rộng, thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh là hàng chục tỷ đồng, chưa kể mỗi trại chăn nuôi tập trung đang tốn 7-8 triệu đồng chi phí thức ăn mỗi ngày. Nhiều hộ trang trại đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, lo lắng, trung bình mỗi tháng cả nước có khoảng 40 triệu gia cầm (tương đương 60.000 tấn thịt, trị giá 900 tỷ đồng) và 300 triệu quả trứng (trị giá 240 tỷ đồng) cần được tiêu thụ. Nếu tình trạng gia cầm ứ đọng kéo dài đến 3/2006, số lượng gia cầm tồn khoảng 160 triệu con gia cầm và 1.200 tỷ quả trứng, dẫn tới tổng thiệt hại có thể lên tới 5.700 tỷ đồng.

Phòng dịch không bằng sợ dịch?

Soạn: AM 646510 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Công ty Phúc Tịnh tặng thịt gà sạch cho các đại biểu dự hội thảo.

Anh Nguyễn Đình Thi, một chủ trang trại gà khá lớn ở Hà Tây, bức xúc, đối tượng dễ lây nhiễm bệnh nhất là người chăn nuôi, người buôn bán, người giết mổ và cán bộ thú y không lo bị nhiễm cúm thì thôi, tại sao người dân phải sợ đến vậy?

Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Hạ, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng cho biết, việc tuyên truyền thái quá đã làm người tiêu dùng hoang mang. Hơn 9.000 con gia cầm nhà chị đang nuôi có nguy cơ ế đọng, thiệt hại có thể tới 500 triệu đồng mặc dù gia đình chị chăn nuôi hoàn toàn khép kín, xa khu dân cư và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm.

Tất nhiên, việc tuyên truyền để người dân biết và tự phòng tránh cho mình là hoàn toàn cần thiết, nhưng thông tin nhiều mà chưa chính xác đã gây tác động ngược lại. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, ông Đoàn Xuân Trúc, cho rằng, trong khi Pháp phải chi tới 1,5 triệu USD để khuyến khích người dân ăn thịt gà, thì ở Việt Nam, tuyên truyền đang làm người dân xa lánh thịt gà.

Nguyên nhân khác nữa là do chúng ta chưa quan tâm đến việc giết mổ và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có nhiều các điểm bán gia cầm sạch. Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng (kiểm dịch) vẫn còn nhiều bất cập, khiến người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào thực phẩm an toàn.

Giải pháp nào?

Biện pháp quan trọng nhất được đưa ra trong thời điểm này, theo nhiều đại biểu, vẫn là cần nhanh chóng xây dựng các lò giết mổ tập trung, đảm bảo VSATTP. Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Trần Công Xuân kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ kinh phí xây dựng nhanh chóng các cơ sở giết mổ tập trung, với lãi suất ưu đãi 0% trong hai năm đầu.

Trước mắt, xây dựng ngay các cơ sở bán tự động để giải quyết sản phẩm tồn đọng hiện nay, sau đó mới tiến đến tự động hóa. Đồng thời, cần hỗ trợ thu mua gia cầm đạt tiêu chuẩn với giá thấp nhất 15.000 đồng/con và song song đó là tổ chức, hỗ trợ các cơ sở tiêu thụ sản phẩm gia cầm sạch như hệ thống siêu thị, cửa hàng ở các thành phố, thị trấn, nơi đông người... với  các sản phẩm đông lạnh, thịt gia cầm đã chế biến như quay, nướng, làm ruốc, sấy khô, đóng hộp...

Soạn: AM 647843 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Xuân lưu ý, chỉ nên giết mổ, chế biến từ những gia cầm sạch bệnh, qua kiểm dịch thú y và có nguồn gốc rõ ràng. Thực tế chứng minh là ngay sau khi nhiều công ty tung ra các sản phẩm gia cầm sạch, người tiêu dùng đã bắt đầu quay trở lại dùng thịt gia cầm.

Ông Vũ Hồng Xuân, Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN-PTNT Nam Định, rút ra kinh  nghiệm: sau khi chi cục Thú y tỉnh triển khai cấp giấy phép kiểm dịch, có dán tem thú y hoặc đóng dấu kiểm soát giết mổ gia cầm với những con khoẻ mạnh, tỉnh đã giải quyết được phần nào đầu ra cho chăn nuôi. Việc tiêu thụ thịt gia cầm đã có cải tiến đáng kể. Trứng vịt, trứng gà từ 400-500 đồng/quả này đã tăng lên gấp đôi; gà thả vườn 10.000 đồng/kg tăng lên 14.000-16.000 đồng/kg; gà công nghiệp từ 5.000-6.000 đồng tăng lên 9.000-10.000 đồng/kg.

TS. Trương Văn Dung, Viện trưởng Việc Thú y, cũng góp ý, chúng ta nên tận dụng các cơ sở chế biến đông lạnh để trữ thịt gia cầm. Hiện nay, các cơ sở kho đông lạnh của Tổng Công ty Chăn nuôi, các nhà máy chế biến thịt xuất khẩu tại một số địa phương đều có thể đảm nhiệm được công việc này (năng lực trữ đông để bảo quản của Việt Nam có thể đạt 3.100 tấn).

Hầu hết các ý kiến đưa ra đều cho rằng không nên và không thể tiêu hủy đàn gia cầm.

TS. Hoàng Văn Tiệu, Viện phó Viện Chăn nuôi, nói rằng không nên tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm cũng như thủy cầm. Ngoài Hồng Kông là nơi không có chăn nuôi gà nhiều thì trên thế giới, không có nước nào giết toàn bộ đàn gia cầm, thủy cầm cả. Họ cũng khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.

Nếu chúng ta giết toàn bộ đàn gia cầm, cũng không giải quyết được triệt để sự tái phát của dịch cúm vì không thể diệt hết chim di cư theo mùa, mà đây lại là vật mang virus dẫn đến lây lan dịch cúm. Vì vậy, việc tiêu hủy một cách tràn lan hoặc toàn bộ đàn gia cầm sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập và đời sống của hơn 60 triệu dân cư nông thôn hiện nay.

  • Bài, ảnh: Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,