(VietNamNet) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm là rất tích cực.
Các nhà đầu tư đang mong chờ luật mới đi vào thực tế. |
Với tất cả các động thái đó có thể tin rằng mục tiêu thu hút 6,5 tỷ USD vốn FDI trong năm nay chắc chắn đạt được.
Trước một số thông tin lo ngại tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 6 giảm sút ông Tuấn cho rằng, thu hút đầu tư là một quá trình và không thể phân ra từng ngày từng tháng được. Vì vậy, việc tăng giảm hàng tháng là không đáng lo ngại. Xu hướng chính là rất tích cực đó mới là điều quan trọng.
Trong tháng nào mà có một dự án lớn được cấp phép thì kết quả thu hút vốn FDI trong tháng đó tăng lên trái lại nếu chỉ có các dự án vốn nhỏ thì thu hút vốn trong tháng đó có thể tụt xuống. Ví dụ, nếu 1 dự án lớn 600 triệu USD được cấp phép thì riêng dự án đó đã cao hơn bình quân các tháng khác. Đầu tư ra nước ngoài cũng thế, trong vòng 10 năm các DN chỉ đầu tư 300 triệu USD nhưng chỉ cần 1 dự án như Xekaman 3 sang Lào trị giá 270 triệu đã gần bằng 10 năm trước cộng lại.
Trong năm nay, Việt Nam đang rất hy vọng và nỗ lực để thu hút các dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia vào Việt Nam. Ông có thể cho biết xu hướng đó được thể hiện như thế nào trong nửa đầu năm 2006?
- Có thể nói sẽ có rất nhiều dự án lớn vào nước ta. Hiện nay, các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn đã tăng cường các chuyến khảo sát ở Việt Nam. Trong đó, bên cạnh những nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, còn có cả những nhà đầu tư khá mới như đến Tây Ban Nha... tất cả đều bày tỏ đánh giá cao về môi trường đầu tư Việt Nam. Đặc biệt, mô hình đầu tư Trung Quốc + 1 thể hiện rất rõ trong xu hướng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các nhà máy mới của các nhà đầu tư Nhật Bản đã được triển khai và chưa có thời điểm nào các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản triển khai đồng loạt như hiện nay.
Cụ thể, Tập đoàn Canon ngoài nhà máy ở KCN Thăng Long đã triển khai thêm 2 nhà máy ở Bắc Ninh, Tập đoàn Matsushita cũng đang triển khai thêm 2 nhà máy mới, Tập đoàn Terumo chuyên sản xuất thiết bị y tế đang triển khai dự án ở KCN Quang Minh - Vinh Phúc. Tập đoàn Sumitomo, sau khi triển khai thành công giai đoạn 2 dự án KCN Thăng Long - Hà Nội đang tìm kiếm địa điểm để thành lập KCN mới, thu hút thêm các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Hiện nay, Sumitomo đang đề xuất 1 dự án tại Khánh Hoà về xây dựng một khu kinh tế tổng hợp về du lịch, đô thị, công nghiệp, thuỷ sản và các công trình hạ tầng lên đến hàng tỷ USD.
Bên cạnh đó, một tập đoàn Hàn Quốc đang mong muốn triển khai một nhà máy đóng tàu lớn nhất khu vực ở Khánh Hoà. Còn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, sau câu chuyện Intel đầu tư hơn 600 triệu USD vào Việt Nam và triển khai thì đã có 1 số nhà đầu tư khác cũng theo vào để cùng triển khai với dự án này. Một động thái mới nhất là các nhà đầu tư vừa và nhỏ đi liền với các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam khá nhiều.
Có thể nói trong năm nay, Nhật Bản có thể vươn lên dẫn đầu trong danh sách các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam; bên cạnh đó, trong những năm tới Hoa Kỳ chính là một nhà có triển vọng rất lớn cho Việt Nam.
Từ 1/7 tới, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới sẽ có hiệu lực, nhiều nhà đầu tư đang chờ hướng dẫn cụ thể từ các Luật mới để quyết định đầu tư. Hiện nay, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn đang được triển khai thể nào?
- Có thể xuất hiện hiện tượng trước khi áp dụng luật mới, các nhà đầu tư có ý chờ những hướng dẫn cụ thể. Nhưng có một điều có thể khẳng định rằng, luật mới đã gửi đến các nhà đầu tư những thông điệp rất rõ ràng về các ưu đãi đầu tư, về mở cửa thị trường... Tất cả đã được quy định rất rõ trong luật và điều này được các nhà đầu tư đánh giá rất tích cực.
Hiện nay, VN đang triển khai nhanh chóng xây dựng các nghị định hướng dẫn như: Nghị định hướng dẫn chung cho Luật Đầu tư; Nghị định về các hình thức đầu tư như BOT, BT... Nghị định đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam; Nghị định đăng ký kinh doanh; Nghị định về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước... Nói chúng công việc khá dồn dập và gấp gáp. Các Bộ ngành đang nỗ lực và để trình Chính phủ xem xét, ban hành sớm nhất.
- Trong 6 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài có 1 số điểm đáng chú ý như: số lượng các dự án công nghệ cao, công nghiệp chế tạo tăng lên. Các dự án của tập đoàn xuyên quốc gia tăng lên, những dự án của các tập đoàn trong top 500 thế giới đến Việt Nam ngày càng nhiều. Điểm đáng chú ý nữa là tốc độ giải ngân đã được đẩy mạnh hơn.
Nếu như trước đây, vốn thực hiện hàng năm chỉ tăng khoảng 4 - 5%/năm và dao động ở mức 2,5 - 2,7 tỷ USD/năm. Nhưng đến nay đã vượt lên khoảng 3,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, so với vốn đăng ký thì vốn thực hiện vẫn còn thấp. Vấn đề trọng tâm hiện nay là tạo điều kiện để các dự án triển khai nhanh chóng và mục tiêu năm nay khoảng 3,7 tỷ USD trong những năm tới tốc độ giải ngân sẽ tăng 15 - 20%/năm.
Tuy nhiên, qua thực tế 6 tháng đầu năm, để tiếp tục thu hút đầu tư và đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án, chúng ta vẫn cần giải quyết một số vấn để cải thiện môi trường đầu tư. Trước hết đó là tình trạng đình công gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nếu chúng ta không giải quyết tốt thì vấn đề này sẽ trở thành 1 lực cản. Bên cạnh đó, dù đã được cải thiện nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng của chúng ta vẫn còn yếu kém. Đặc biệt là chi phí vận tải biển vẫn còn cao...
- Việt Nam đang mong muốn thu hút đầu tư vào hạ tầng nhưng kết quả chưa được nhiều. Ông có thể cho biết nguyên nhân của thực tế này?
- Đây là lĩnh vực về chủ trương VN khuyến khích nhưng các nhà đầu tư vào chưa nhiều. Nguyên nhân có thể do luật pháp VN về các công trình hạ tầng còn những chỗ chưa hoàn chỉnh. Ví dụ những dự án hình thức BOT hay dự án BT cho phép thu phí để hoàn vốn... chưa có quy định rõ ràng nên so với các quy định của các nước khác vẫn còn những điểm kém thuận lợi. Bên cạnh đó, trước đây, VN chưa có danh mục cụ thể để kêu gọi đầu tư hạ tầng. Như đối với một số dự án trong ngành điện, nhà đầu tư đã vào rồi nhưng lại vướng những vấn đề như về giá bán điện, giá mua than... mà các nhà đầu tư và DN trong nước chưa thuận được...
Hiện nay, trong danh mục các dự án thu hút đầu tư 2006 - 2010 đang trình Chính phủ có nhiều dự án hạ tầng. Trong 84 dự án sẽ có nhiều dự án hạ tầng lớn. Sau khi được Thủ tướng ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư, VN sẽ tiếp tục vận động đối với nhà đầu tư cụ thể và từng dự án cụ thể. Trong thời gian tới Chính phủ cũng sẽ ban hành quy chế khuyến khích tư nhân trong nước và ngoài nước tham gia xây dựng hạ tầng.
-
Phước Hà