(VietNamNet) - Nhiều khu phố của Hà Nội đã bắt đầu chìm trong bóng tối khi ngành điện tuyên bố phụ tải năm nay tăng vọt.
Tiết kiệm nghĩa là cắt điện !
Nhiều khu phố của Hà Nội đã bắt đầu chìm trong bóng tối khi ngành điện tuyên bố phụ tải năm nay tăng vọt. (Ảnh minh hoạ) |
Khi ngành điện tuyên bố phụ tải năm nay tăng vọt, vượt ngoài dự tính, thì ngay lập tức, những biện pháp tiết kiệm điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra nhằm giảm phụ tải sử dụng điện.
Nhưng để cho chắc ăn, song song với tiết kiệm điện, EVN cũng ngay lập tức giao chỉ tiêu tiết kiệm cho các điện lực. Với chỉ tiêu này, để tiết kiệm 10%, đèn đường thì “cắc bụp, cắc xòe”, còn đèn quảng cáo thì theo kiểu “10 bóng tắt 1”. Nhưng với khu vực điện sinh hoạt thì làm sao mà biết người tiêu dùng tiết kiệm hay không nên biện pháp “cắt điện luân phiên” đã ngay lập tức được áp dụng triệt để và có "sáng tạo".
Đó là cắt điện luân phiên nhưng không diễn ra đồng thời trên diện rộng (kiểu cả dãy phố hay cả tổ dân phố cùng mất). Thay vào đó, biện pháp nhanh nhất giúp ngành điện tiết kiệm điện chính là cắt từng hộ nhỏ. Vì thế, trên cùng một con phố thì chỉ có khoảng hai, ba chục số nhà bị cắt điện. Các số nhà trước và sau khu vực đó vẫn “sáng đèn”. Hôm sau, đến phiên hai, ba chục hộ khác ở phố đó lại "được" cắt điện luân phiên.
Kiểu cắt điện này khiến người dân ở những nơi mất điện chỉ còn biết cười với nhà hàng xóm bởi chỉ nghĩ được là đường dây nhà mình hỏng. Mà có hỏng hay không thì trời biết vì điện chỉ do mỗi ngành điện là cấp được, không mua của "ông" ấy thì mua của ai. Có trả lời đường dây hỏng, quá tải thì khách hàng biết đường nào mà lần vì biết gì về điện đâu!
Nhưng xem ra Thủ đô mất điện nhiều thì chẳng khác nào chuyện “giữa thời bình vẫn phải dùng cầu phao” vì thiếu dự báo tình hình khi tăng trưởng phụ tải nhanh như điện!!!
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Huệ, Phó trưởng Phòng Thi đua - Tuyên truyền của Công ty Điện lực Hà Nội cũng thông báo với báo chí rằng, trước ngày 15 tháng 3 thì có tình trạng mất điện do sa thải phụ tải nhưng từ ngày 15 tháng 3 trở đi thì không còn tình trạng này nữa!
Hỏi ngành điện: độc thoại !
Mặc dù đại điện của Công ty điện lực Hà Nội tuyên bố không cắt điện từ ngày 15 tháng 3 trở đi và nếu có cắt thì cũng đóng lại trước 5 giờ để dân có điện dùng. Nhưng sự thật lại “tối như mất điện”.
Những hộ dân nhà ở ngõ 30 đường Tây Hồ vẫn liên tục bị cắt điện. Ngày 19 tháng 3, mất điện buổi tối từ khoảng 7giờ 30 đến hơn 10 giờ mới có lại.
Những tưởng “nay mất, mai có” nhưng từ 8h25 sáng ngày 20 tháng 3, điện đã cắt. Gần 5 giờ chiều, điện bừng sáng lên rồi lại tịt ngóm cũng “nhanh như điện”.
Thông cảm với ngành điện lắm vì nghe lãnh đạo EVN nói nhiều về khó khăn khi xây mãi mà nhà máy chưa xong để có thêm điện cho bà con dùng thoải mái! Nhưng vẫn phải hỏi về việc sao đèn đường có, hộ đầu đường có mà nhà mình không có. Người dân bức xúc, lúc 19h 20, đã gọi tới tổng đài 2222000 của điện lực Hà Nội, thì được trả lời: “đang sửa, chắc khoảng 1 tiếng nữa có điện”.
Tiếp tục điện thoại, người dân lại được thông báo là: ” trục đường dây khu vực này đang quá tải nên cứ đóng cầu dao vào là lại nhảy ra và anh em đang khắc phục”. Tuy nhiên, bà Huệ cũng nhấn mạnh rằng, ngành điện phải tiến hành sửa chữa, đại tu các trạm biến áp, đường dây để phục vụ bà con được tốt hơn khi mùa nóng bức ngày càng đến gần. Như vậy, trong khi sửa chữa thì phải cắt hẳn điện.
Dĩ nhiên là EVN bấy lâu chỉ tự hào với “sửa chữa nóng” trên đường dây 500 kV thôi (không cắt điện mà làm được) chứ có bao giờ khoe là “sửa chữa nóng” ở trạm biến áp đâu. Vậy nên "ông độc quyền" bảo sao thì biết vậy chứ đố ai mà kiểm chứng được! Mà ông bảo “sự cố” phải khắc phục thì khách hàng cũng biết đâu mà lần.
Hơn 1 tiếng 30 phút sau, tình hình "tối như mực" chẳng được cải thiện, hỏi tổng đài 2222000 và câu trả lời vẫn chẳng khác gì là “chờ thêm”. Những số điện thoại "đường dây nóng" khác của lãnh đạo EVN công bố cũng không có ai nhấc máy. Còn lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực thì tỏ ra bất ngờ với thông tin “Hà Nội vẫn mất điện” bởi ngành điện thông báo là “Hà Nội đã không phải cắt điện nữa rồi cơ mà!”
21h40, tổng đài 2222000, cô trực ca cho biết, khu vực đó bị quá tải, phải sa thải. Trả lời đề nghị cung cấp địa chỉ chính xác của trạm điện đó thì cô điện thoại viên yêu cầu khách hàng cung cấp lại điện thoại, tên và cho hay sẽ thông báo sau.
22h15, gọi lại tổng đài 2222000, cô trực ca mới cho biết, vừa thay ca lúc 10h và không thấy ai thông báo phải trả lời khách hàng nào. Cô này cũng cho hay, khu vực đó vẫn quá tải, đóng điện vào lại nhẩy ra và cũng chỉ biết có vậy. Đề nghị cung cấp số điện thoại của Điện lực Tây Hồ, nhanh chóng được đáp ứng (210335). Nhưng số điện thoại này liên tục trong tình trạng bận và không thay đổi tình hình trong hai lần tôi gọi lại sau đó.
22h33, có điện. Nhưng cũng chỉ được 3 phút lại mất. Gọi đến Điện lực Tây Hồ, nhận được trả lời “quá tải, đóng vào lại mất, khoảng 15-20 phút sau sẽ có”.
22h43, có điện lại nhưng cũng chỉ được 1 phút lại mất. Chắc lại quá tải.
23h08, có điện lại nhưng cũng chưa được 2 phút lại mất. Chắc vẫn lý do trên.
23h25, có điện nhưng lại mất luôn. Lại nhẩy antomat.
23h45, có điện lại, chưa đầy 2 phút lại mất. Chắc lý do không có gì thay đổi.
23h58, vẫn không có điện. Và ngày mới đang bắt đầu. Hy vọng hôm nay không mất điện để đỡ phải “độc thoại” với “ông độc quyền”!!!
-
Thanh Hương (ngõ 30 đường Tây Hồ, Hà Nội.)