221
5102
Kinh doanh
kinhdoanh
/kinhte/kinhdoanh/
1232109
Đôn đáo chuẩn bị, "săn" thời điểm du lịch hồi phục
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Đôn đáo chuẩn bị, 'săn' thời điểm du lịch hồi phục
,

 - Tranh thủ thời điểm vắng khách du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn sửa sang lại hay nâng cao chất lượng dịch vụ, "xốc" lại đội ngũ nhân lực và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để "săn" cơ hội khi thị trường hồi phục.

Mô tả ảnh.
Ngân sách cho xúc tiến quảng bá của Việt Nam quá ít ỏi so với các nước trong khu vực. (Ảnh: TCDL).

Chuẩn bị sẵn sàng 

Khách sạn 5 sao Mövenpick Sài Gòn mới đây quyết định chi khoảng 25 triệu USD để sửa sang lại phòng ốc, các khu dịch vụ. Dự kiến, công việc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010. Từ nhà hàng Nhật Bản Nishimura, Café Sài Gòn, nhà hàng Trung Hoa Lotus Court... đến phòng tập thể dục, khu spa và toàn bộ tầng Executive bao gồm cả sảnh VIP sẽ đều được nâng cấp hoàn toàn.

Tổng Giám đốc khách sạn, ông Dominik Stamm, cho biết, lần sửa sang này nhấn mạnh đến cơ hội tái định hình khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế của Tập đoàn Mövenpick.

Do đó, hoạt động xây dựng sẽ chỉ diễn ra hạn chế bắt đầu từ 8h30’ sáng, kết thúc vào 6h chiều ngay cả khi công việc còn đang dang dở, tránh để ảnh hưởng đến khách lưu trú.

Ông nói thêm, bar Mulligan sẽ được chuyển thành hộp đêm, mở cửa đến tận khuya, nhằm cung cấp thêm những địa chỉ vui chơi giải trí cho khách. Đây là việc làm đón đầu khi Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) chính thức có hướng dẫn về việc các khách sạn 4 sao trở lên được mở cửa đến 2h sáng.

Khi khách du lịch "thắt chặt hầu bao" hơn do suy thoái kinh tế và dịch cúm, kinh doanh khách sạn 5 sao ảm đạm hơn nhiều so với khách sạn 3-4 sao.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Huy Tiến, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Liên doanh Berjaya - Hotay - chủ sở hữu khách sạn Sheraton Hanoi, cho biết, ngoại trừ khách sạn Hilton và Melia, ở các khách sạn 5 sao khác, tỷ lệ phòng trống rất lớn.

Ở Sheraton Hanoi, tỷ lệ này là 47% trong 6 tháng đầu năm. Vắng khách đồng nghĩa doanh thu sụt giảm, thể hiện rõ rệt nhất từ 3 tháng cuối năm 2008 đến nay.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Sheraton Hanoi khẳng định vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển và những tiềm năng trong cả thời gian khủng hoảng kinh tế.

"Khách sạn đang lên kế hoạch cho việc phục hồi kinh tế. Chúng tôi tin rằng, các chuyến du lịch bị giới hạn trong khuôn khổ chi phí hạn hẹp, các cuộc hội họp bị huỷ bỏ và các kỳ nghỉ bị chuyển thành nghỉ “tại gia” hiện nay sẽ là những nhu cầu, đòi hỏi bị dồn nén của “ngày mai”, Patricia Neo, Giám đốc cao cấp phụ trách Trung tâm Dịch vụ khách hàng Starwood Hotels & Resots châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Vì thế, tháng 11 tới, Starwood tiếp tục khai trương khách sạn Sheraton Nha Trang. Vừa qua, tập đoàn này cũng đưa vào sử dụng số điện thoại miễn cước đầu tiên tại Việt Nam bằng tiếng Việt, nếu du khách có nhu cầu đặt phòng tại hơn 950 khách sạn do Starwood quản lý.

Ông Tiến đánh giá, dịch vụ này được coi như một giải pháp vừa kích cầu thu hút khách, vừa hỗ trợ khách sạn nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách sẽ tăng trở lại thời gian tới.

Quảng bá đón đầu

Ngoài ra, để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sớm tăng trở lại, các doanh nghiệp lữ hành cũng sẵn sàng lên phương án chuẩn bị.

Ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết công ty đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống Saigontourist tại Hà Nội, mở chi nhánh ở Cần Thơ để tiếp cận thị trường ĐBSCL.

Mô tả ảnh.
Năm nay, mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam có thể chậm hơn và kết thúc sớm hơn (thường là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) - Ảnh H.Y

Song song đó là sự đầu tư về nhân lực, công tác tiếp thị để khi tình hình ổn định trở lại Saigontourist lập tức có đầy đủ khả năng, năng lực, vật chất, tài chính để tiếp tục khai thác khách.

Thực tế, trong giai đoạn biến động vừa qua công ty luôn xác định vai trò trọng tâm của công tác xúc tiến quảng bá, du lịch. Thời buổi khó khăn, Saigontourist cách đẩy mạnh marketing online, tức là thông qua các website về B to B (doanh nghiệp - DN) và B to C (DN - khách hàng).

Ông Tài lo ngại, mức độ hồi phục kinh tế và khả năng ứng phó với dịch cúm của các nước tốt hơn Việt Nam.

Trong khi đó, trước xu hướng đi du lịch có thể thay đổi, việc nghiên cứu sự thay đổi đó như thế nào là cần thiết vì từ đó có cách tiếp thị, quảng bá phù hợp. Điều này, Tổng cục Du lịch làm tốt với khách nội địa nhưng chưa được đối với khách quốc tế.

Điều này cũng được ông Rafael Chavez Ortega, Phó Tổng giám đốc Hội đồng xúc tiến du lịch Mexico tại châu Á, nhận xét tương tự tại một hội thảo về du lịch ngày 25/8.

Ông nói rằng: "Một trong những nhược điểm lớn của du lịch Việt Nam là không thể đưa ra một chính sách về du lịch một cách nhanh chóng, mà phải mất rất nhiều thời gian".

Để thu hút khách trở lại Việt Nam, không nên gián đoạn công tác xúc tiến quảng bá vì hiện nay, cạnh tranh hút khách trên thị trường quốc tế và thị trường khu vực rất lớn. Do vậy, cần có một kế hoạch phát triển xuyên suốt và thống nhất. 

Ông Baron R. Ah Moo - nhóm công tác du lịch tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ, diễn ra hồi tháng 6/2009 tại Tây Nguyên, nói theo ông biết thì ngân sách quảng bá ban đầu của du lịch Việt Nam trong  năm 2009 khoảng 2 triệu USD.

Trong khi hồi tháng giêng, Thái Lan đã công bố cấp bổ sung 140 triệu USD để quảng bá cho ngành du lịch sau sự kiện biểu tình ở sân bay Bangkok, bổ sung cho khoản 80 triệu USD hiện có của năm 2009. Ngoài ra, Malaysia cũng đã dành riêng 180 triệu USD cho chiến dịch “Châu Á đích thực”.

Ông Baron R. Ah Moo góp ý, với nguồn lực tài chính và nhân sự hạn hẹp của Tổng cục Du lịch Việt Nam hiện nay sẽ không thể cạnh tranh nổi với các nước này về mặt tài chính, mà phải vượt qua họ bằng cách khôn ngoan hơn và hiệu quả hơn họ.

Chẳng hạn, Thái Lan ước tính sẽ lỗ khoảng 2,9 tỷ USD doanh thu du lịch trong năm 2009 và Việt Nam, với kế hoạch và chiến lược đúng đắn sẽ có thể nắm lấy cơ hội này để mang về những lợi ích trong dài hạn.

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định, thời gian tới cơ quan quản lý này sẽ tập trung vào 5 giải pháp chính: tiếp tục chương trình giảm giá Ấn tựơng Việt Nam; thực hiện quảng bá Việt Nam ở trong và ngoài nước; tập trung một bước đào tạo nguồn nhân lực; định hướng để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chuẩn bị cơ sở vật chất, chất lượng du lịch để đón trước sự phục hồi trong tương lai.

"Không phải chờ đến 2010 mà phải chuẩn bị những nội dung lớn ngay từ bây giờ để quảng bá", ông Tuấn nhấn mạnh và nêu ví dụ như sự kiện Năm du lịch quốc gia tại Hà Nội, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 50 năm thành lập ngành.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,