- Hình ngôi sao màu vàng cam và chữ Jetstar (hoặc Jet) - biểu tượng mà Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam Jetstar Pacific (JPA) sử dụng sau hơn một năm - có thể sẽ phải thay đổi do dễ gây nhầm lẫn với hãng hàng không Jetstar Airways của Australia.
Biểu tượng dễ nhầm lẫn
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) tháng 6/2008 khuyến cáo JPA không được bay với biểu tượng này. Lý do: chiểu theo Luật Hàng không dân dụng (Điều 115), Jetstar Airways không được cấp thương quyền nội địa và quốc tế tại Việt Nam, ngoại trừ các đường bay giữa Việt Nam và Australia mà Jetstar Airways được cấp trên cơ sở Hiệp định hàng không song phương.
"Việc JPA sử dụng thương hiệu và biểu tượng của Jetstar Airways khiến Jetstar Airways được quảng cáo là có các chuyến bay trên đường bay nội địa và đường bay quốc tế mà hãng không có thương quyền vận chuyển", Cục Hàng không lo ngại.
Cơ quan này khuyến cáo: "Các biểu tượng, thương hiệu của JPA phải có yếu tố phân biệt rõ ràng sản phẩm vận chuyển của JPA, không gây nhầm lẫn với bất kỳ biểu tượng, thương hiệu của một hãng hàng không nào khác".
Máy bay của JPA với chữ Jetstar và ngôi sao màu vàng cam. (Ảnh: JPA)
Thực tế, từ tháng 5 năm ngoái, Hãng hàng không Pacific Airlines chính thức mang tên mới là Jetstar Pacific sau khi đạt được thoả thuận nhượng quyền thương hiệu với Jetstar Airways của Tập đoàn Qantas (Australia).
Biểu tượng "chữ Jetstar (hoặc chữ Jet) và ngôi sao màu vàng cam" đã được JPA sử dụng trên máy bay, phòng vé và trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán sản phẩm, mặc dù tên công ty ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là JPA.
Trong khi đó, Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không Bộ GTVT cấp cho JPA ngày 15/9/2008 (sẽ hết hạn vào tháng 9/2010) cũng chưa có quy định về biểu tượng (logo) của JPA.
Do vậy, Cục Hàng không đã có văn bản số 3398/CHK-VTHK ngày 31/10/2008 không cho phép JPA tiếp tục bay với biểu tượng "chữ Jetstar (hoặc chữ Jet) và ngôi sao màu vàng cam". Hãng phải làm thủ tục để bổ sung biểu tượng vào Giấy phép kinh doanh.
Nhưng Sở hữu trí tuệ cho phép
Đăng ký biểu tượng công ty vào Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mới, Tổng giám đốc Lương Hoài Nam đề nghị JPA vẫn được sử dụng hai biểu tượng như cũ. Đồng thời, hãng này kiến nghị xem xét sửa đổi thời hạn giấy phép kinh doanh là không thời hạn, thay vì hết hiệu lực vào tháng 10/2010 như hiện hành.
Trong khi tranh cãi về biểu tượng chưa ngã ngũ thì sau khi nghiên cứu, ngày 30/12/2008, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) đã chính thức cấp phép cho JPA sử dụng ba thương hiệu là Jetstar, Jet (có hình ngôi sao) và Starclass đến hết năm 2014-2015.
Tại văn bản trả lời Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng, JPA có quyền sử dụng 3 nhãn hiệu trên theo quy định pháp luật về nhãn hiệu. Việc sử dụng phải tuân thủ pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về quyền kinh doanh.
Văn bản nêu rõ, nếu JPA chỉ dẫn cụ thể trên giấy tờ giao dịch, phương tiện cung cấp dịch vụ về việc nhãn hiệu được sử dụng theo hợp đồng chuyển nhượng thì khả năng gây nhầm lẫn về tên thương mại, biểu tượng sẽ bị hạn chế hoặc loại bỏ.
Qantas có thể rút vốn nếu JPA không được sử dụng biểu tượng đã đăng ký. (Ảnh: JPA)
Việc sử dụng nhãn hiệu có thực sự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không phụ thuộc vào cách thức sử dụng và phải được đánh giá theo thực tế, ví dụ điều tra xã hội học...
Chẳng hạn, có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng như Honda, Coca Cola được sản xuất và cung ứng ở Việt Nam theo hợp đồng chuyển giao thương hiệu mà người tiêu dùng vẫn không nhầm lẫn.
Do vậy, việc Bộ GTVT không cho phép JPA sử dụng thương hiệu nói trên là không phù hợp với pháp luật về thương hiệu.
Trả lời về trường hợp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng khẳng định, giữa JPA và Jetstar Airways đã có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu chứng tỏ có sự đồng thuận của hai bên nên không phát sinh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.
Điều đáng nói, sau hơn một năm sử dụng biểu tượng (tuy chưa được chính thức công nhận trong giấy phép kinh doanh) song hoạt động của JPA thực sự khởi sắc.
6 tháng đầu năm 2009, hãng này đã đưa đón gần 1 triệu lượt hành khách nội địa, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong thời buổi kinh doanh hàng không hết sức ảm đảm do suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch cúm A/H1N1.
Chưa hết rối rắm
Do còn nhiều ý kiến khác biệt giữa DN, cơ quan chức năng nên sự việc đến nay vẫn chưa hết phức tạp. Bộ GTVT mới đây phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Một lần nữa, Bộ khẳng định việc JPA sử dụng 3 đối tượng sở hữu công nghiệp trên sẽ làm khách hàng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng... với dịch vụ của hãng hàng không nước ngoài khác và vô hình chung, thương hiệu quốc gia không được thể hiện trong một hãng hàng không lớn thứ hai của Việt Nam.
Trả lời kiến nghị của Bộ GTVT, ngày 30/7/2009, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 5159 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc sử đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho JPA. Theo đó, Bộ GTVT thực hiện việc cấp phép cho JPA theo đúng quy định tại Nghị định số 76 ngày 9/5/2007 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hàng không chung. Việc sử dụng biểu tượng của JPA phải phù hợp với pháp luật hiện hành về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và thông lệ quốc tế. |
Cục Hàng không lo ngại, nếu JPA được phép sử dụng thương hiệu và logo "ngoại" thì 5 hãng hàng không còn lại hoàn toàn có thể hợp tác với các hãng hàng không nước ngoài khác để tăng vốn, thương hiệu, năng lực cạnh tranh.
Khi đó, thị trường vận chuyển hàng không nội địa sẽ có nguy cơ thành thị trường vận chuyển hàng không chung cho các hãng hàng không nước ngoài.
Trong công văn số 4421 báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cũng đề xuất hai phương án:
1. Nếu không chấp thuận cho JPA sử dụng thương hiệu như hiện nay, thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam được bảo đảm hoạt động theo các quy định pháp luật và điều ước quốc tế liên quan.
Song, JPA sẽ rơi vào tình thế hết sức khó khăn khi chính cơ quan quản lý cũng nhận ra rằng, nguy cơ Qantas có thể rút vốn khỏi JPA là rất cao. Hiện Qantas đã tăng vốn đầu tư tại JPA lên 27% so với mức ban đầu là 18%.
2. Ngược lại, nếu cho phép JPA tiếp tục sử dụng thương hiệu như hiện nay, đối tác có thể tiếp tục đầu tư nhưng thị trường vận chuyển hàng không nội địa sẽ không bảo đảm hoạt động theo các quy định pháp luật và có thể dẫn đến hệ lụy như ở trên.
-
Hà Yên