Bộ Thương mại kiểm tra DN xuất khẩu gạo
05:44' 15/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong tuần này, đoàn công tác của Bộ Thương mại, do Thứ trưởng Mai Văn Dâu dẫn đầu, và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) đang có chuyến công tác tại các tỉnh ĐBSCL để kiểm tra tình hình sản xuất, lượng lúa hàng hóa và việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo của các DN.

Theo Vietfood, Việt Nam đang không thiếu gạo xuất khẩu.

Thông tin trái ngược nhau về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay, như lượng gạo còn trong kho, mức giá xuất khẩu, các hợp đồng đã ký... đang làm các DN gạo bị nhiễu thông tin. Điều này khiến Bộ Thương mại cũng như Hiệp hội khó có thể đưa ra các nhận định chính xác về tình hình cung - cầu, giá cả gạo Việt Nam trên thị trường.

Chẳng hạn như, ngày 1/4, tại công văn 40/CV/HH, Vietfood đã "định hướng" các DN xuất khẩu gạo: "Giá gạo trong và ngoài nước còn ở mức cao, lượng gạo bán ra sẽ giảm dần do thu hoạch đông xuân cơ bản đã kết thúc. Vì vậy, kế hoạch giao hàng tháng 4 sẽ còn khó khăn, Hiệp hội thống nhất các hội viên tiếp tục thương lượng với khách hàng để nâng giá bán đối với các hợp đồng chưa giao, giảm bớt số lượng giao hàng tối thiểu từ 10-15%". Kế đó, Hiệp hội yêu cầu các DN nào "đã đủ chân hàng (gạo) cho các hợp đồng đã ký thì không nên mua thêm". Bất ngờ là chỉ 5 ngày sau (6/4), Bộ Thương mại lần lượt ra hai công văn khẩn cấp cảnh báo các chủ vựa, nông dân cùng các DN cân nhắc kỹ việc tích trữ gạo tại thời điểm hiện tại, tránh gặp nhiều rủi ro khi giá gạo thế giới xuống thấp.
 
Hay thông tin từ bà Nguyễn Thị Nguyệt - Tổng Thư ký Vietfood, ngày 7/4 cho rằng, giá gạo thế giới đã giảm đến 10USD/tấn ở hầu hết các loại gạo. Hiệp hội đề nghị các DN thành viên không mua thêm gạo nếu đã đủ lượng hàng giao theo hợp đồng. Trong khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Hãng tin Reuters, mạng Oryza hay Riceonline... , đều không có thông tin gì về việc giá gạo xuất khẩu giảm. 

 

Và ghi nhận ban đầu của đại diện Vietfood tại chuyến kiểm tra này cho thấy, đến nay, các DN đã giao khoảng 1,1 triệu tấn gạo trong tổng số gần 2 triệu tấn đã ký với khách hàng, song, lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu không sợ thiếu. Theo kết quả kiểm tra tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, mặc dù lúa hàng hóa trong dân không còn, nhưng trong kho của các DN và nhà máy vẫn còn lượng lớn.

  • H.Phương

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi