(VietNamNet) - Khí hậu Nga khắc nghiệt với mùa đông kéo dài trên 6 tháng (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) là cơ hội tốt cho các mặt hàng rau quả tươi Việt Nam vào thị trường rộng lớn này.
|
Rau quả Việt Nam yếu ở khâu chế biến. |
Do mùa đông của nước Nga kéo dài, vào dịp này, ở Nga chỉ có các loại hoa quả chủ yếu trồng trong nhà kính, chi phí cao, chất lượng không thật tốt, hoặc rau quả tươi bảo quản trong các kho lạnh, kho mát từ vụ này sang vụ tiếp theo, với chi phí bảo quản lớn, giá thành cao, chất lượng kém đi. Trong khi đó, ở Việt Nam, rau vụ đông lại đang vào mùa, như: bắp cải, su hào, cà chua, khoai tây, hành tây, cà rốt... Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rau quả trước đây xuất theo Hiệp định hợp tác rau quả với Liên Xô cũ như cam, chuối... nay không còn xuất hiện trên thị trường vì Hiệp định này đã không còn hiệu lực.
Theo Bộ Thương mại, hiện, nhu cầu nhập khẩu rau quả của Nga là rất lớn. Cụ thể, mỗi năm, nhu cầu về cam là 30.000 tấn, chuối 600.000 tấn, bắp cải 200.000 tấn, cà rốt 70.000-100.000 tấn, dưa chuột 30.000 tấn, khoai tây 150.000-200.000 tấn, hành tây và tỏi 350.000-400.000 tấn... Ngoài ra, các loại nước quả như: quýt, táo, cam, bưởi, nho, cà chua, dứa, xoài... cũng có nhu cầu rất cao (trung bình trên 200 triệu lít nước quả các loại, trị giá khoảng hơn 100 triệu USD). Việt Nam mới xuất được nước dứa sang thị trường này nhưng chất lượng, bao bì còn kém cạnh tranh. Riêng với cam, theo ước tính của Bộ Thương mại, mỗi năm Việt Nam có thể xuất sang Nga 10.000-15.000 tấn.
Tuy nhiên, để có thể đưa rau quả vào thị trường Nga không hề đơn giản. Bộ Thương mại khuyến cáo, DN phải có cách thức tổ chức từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển nội địa, giao hàng lên tàu lạnh... thật quy củ. Ngoài ra, Nga còn là nước chủ trương tăng cường bảo hộ mậu dịch, tạo dựng những rào cản hạn chế đáng kể đối với xuất khẩu từ nước ngoài vào, nên hầu hết các nước xuất khẩu nông sản sang Nga, kể cả các nước phát triển, đều trợ giá rất cao đối với mặt hàng rau quả, thông thường mức trợ giá lên tới 60-70% trong giá hàng xuất khẩu.
|