(VietNamNet) - Trong mùa vải thiều, có tới trên 60% lượng vải Bắc Giang được tiêu thụ qua những người bán rong, 24% được bán qua quầy và 16% được bán lẻ tại chợ mà không có chỗ nào trong siêu thị.
|
Bán vải trên đường phố - hình ảnh quen thuộc khi vào mùa vải. |
Đây là con số được chuyên gia Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam đưa ra trong Hội thảo: ''Sự tham gia của người nghèo vào siêu thị'' sáng qua (22/10). Nghiên cứu này đã đưa ra con số có tới trên 6.000 người bán rong vải tươi trong mùa hè trên đường phố Hà Nội, phần lớn là người nghèo. Không chỉ có vải, hiện nay hầu hết các sản phẩm của người nông dân đều rất khó khăn khi tìm đường đến siêu thị, cửa hàng trong nội thành.
Nhu cầu về rau tươi với các thành phố lớn ngày càng tăng đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Với mức 0,13 kg/người/ngày của người dân nội thành và 0,23 kg/người/ngày với người dân ngoại thành thì số lượng rau cần thiết đối với người dân Hà Nội là 516 tấn/ngày và TP.HCM là 1.200 tấn/ngày. Trên thực tế, tại Hà Nội và TP.HCM đã có một số cửa hàng và siêu thị tham gia bán rau tươi, song chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cả về số lượng và chất lượng. Tổng số lượng rau được bán trong các cửa hàng và siêu thị còn quá nhỏ so với nhu cầu rau tươi của thành phố. Riêng Hà Nội ước đạt khoảng 2% nhu cầu của nội thành.
Chính phủ đang chủ trương phát triển hệ thống kênh phân phối hiện đại trên toàn quốc, tuy nhiên, làm thế nào để những sản phẩm rau quả của người nông dân có đường vào siêu thị vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ông Đào Thế Tuấn, Viện Nghiên cứu rau quả lý giải: ''Giá cả nông sản ở Việt Nam hiện nay đang thay đổi rất nhanh, thậm chí là từng ngày nên để ký hợp đồng giữa người bán với người mua là điều rất khó khăn. Điều này có thể nhìn thấy rõ nhất qua những nhà máy đường. Nếu như ở Đài Loan, các nhà máy đường mua mía chỉ trả giá tạm thời, sau khi bán đường họ mới chia lãi cho người nông dân, tạo ra một cơ chế nhà sản xuất và người trồng nguyên liệu cùng chịu rủi ro, thì ở Việt Nam không thực hiện được như vậy''.
Mặt khác, phần lớn những người nông dân trực tiếp bán rong nông sản trên đường phố hay tại các khu chợ lại là những người thiếu việc làm. Cân đối giữa lợi ích kinh tế và xã hội trong giải quyết vấn đề này cũng không hề đơn giản.
Theo điều tra của báo Sài Gòn Tiếp Thị, hàng Việt Nam hiện chiếm trên 70% tổng số lượng hàng hóa được bán tại các siêu thị. Tuy nhiên, 80% chi phí cho các chương trình khuyến mãi tại các siêu thị là do các công ty liên doanh và đa quốc gia thực hiện. Đến các DN trong nước còn than phiền là khó đưa hàng vào siêu thị nên đối với người nông dân, đây lại càng là chuyện xa vời.
|