Ngay sau khi Việt Nam bán hết trái phiếu Chính phủ tại New York một cách nhanh chóng vượt mong đợi, các tờ báo kinh doanh hàng đầu thế giới của Anh, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã đồng loạt đưa tin và phân tích về sự kiện này.
Xin đăng nguyên văn bài bình luận về sự kiện này của nhà phân tích William Pesek Jr.trên tờ báo kinh doanh Bloomberg News nổi tiếng. Bài viết phản ảnh quan điểm riêng của tác giả về sự kiện quan trọng này.
Việt Nam, một cái tên xứng đáng được nhắc đến
Cao cao trong danh sách cầm tay của các nhà đầu tư hôm nay là một cái tên lâu nay dường như vẫn bị đánh giá thấp. Đó là Việt Nam, một cái tên xứng đáng được nhắc đến, xứng đáng được quan tâm.
Việt Nam vốn vẫn bị coi là một quốc gia nghèo khổ trước nay. Nhưng bây giờ nó không phù hợp, hoặc ít nhất không còn đúng trong mọi trường hợp. Trước đây thì có lẽ đúng, khi kết quả xét đơn thuần về mặt kinh tế là không tốt. Thế rồi năm 1986, mọi chuyện thay đổi với chủ trương "Đổi mới". Các dòng đầu tư chảy vào. Tất nhiên, cũng có lúc các nhà đầu tư lo lắng, bỏ đi.
Nếu ai đó trước nay vẫn có cái nhìn khác về Việt Nam so với số đông thường có cái nhìn tiêu cực, nay họ xứng đáng được thưởng bằng một sự kiện không thể không chú ý: Trái phiếu Việt Nam bán hết veo tại New York.
Đáng chú ý không chỉ vì nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay, một hồi chuông gióng giả như thông báo với thế giới rằng trên bầu trời của các ngôi sao châu Á đang toả sáng chói lọi, không chỉ có mỗi Trung Quốc.
Đáng chú ý không chỉ vì Việt Nam hồi đầu tuần vừa được các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế nâng mức tín nhiệm. Cụ thể, S&P tuần vừa rồi đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên BB. Moody cũng nâng lên mức Ba3 trong khi một tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế nổi tiếng khác là Fitch cũng xếp Việt Nam hạng BB-.
Điều đáng quan tâm với mọi người, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, là Việt Nam đã thực sự đổi mới: chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường và từng bước hình thành thể chế kinh tế thị trường.
Hãy chuẩn bị tinh thần rằng cái tên ấy sẽ còn xuất hiện rất đều đặn trên mặt báo các nước ngoài từ giờ cho tới tháng 6/2006, thời điểm mà Việt Nam có thể sẽ gia nhập WTO. Việc mỗi nước mở cửa đón những dòng đầu tư và dòng người vào làm ăn cũng như du lịch là chuyện bình thường ở các nước đang phát triển.
Nhưng điều quan trọng mà ngày hôm nay tất cả các nhà đầu tư đều thấy là Việt Nam đã bỏ lại cuộc chiến của những năm 1960-1970. Họ đã bỏ lại một nước Mỹ - đối thủ để chủ động đến với một nước Mỹ - đối tác.
Cái nhìn hoàn toàn mới mẻ
Các nền kinh tế đang phát triển và hiện đại hoá thường hay nóng vội vì quá nhiệt tình. Việt Nam tỏ ra kiên định hơn với những chính sách của mình. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã được thương mại hoá trong suốt 4 năm qua với chi phí lên tới khoảng 1,3 tỷ USD, đến nay vẫn nặng gánh tài chính về vấn đề này. Chính sách tiền tệ không linh hoạt trong khi Ngân hàng Nhà nước thiếu sự cởi mở và chỉ thực hiện những chính sách nửa vời để quản lý sự tăng trưởng tín dụng thái quá.
Và dịch cúm gia cầm cũng không làm các công ty định mức tín nhiệm đánh giá thấp họ. Lý do: mức độ nợ nước ngoài của Việt Nam thuộc diện thấp nhấp trong số các nước cùng hoàn cảnh. Agost Benard, một chuyên gia phân tích của Standard & Poor's chi nhánh Singapore, công ty định mức tín nhiệm tuần vừa rồi đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên BB, đã nói như vậy.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có "một nền kinh tế giàu tài nguyên, cởi mở và đa dạng và lại được hậu thuẫn bởi tiềm năng xuất khẩu và hoạt động kinh tế tư nhân nhờ ảnh hưởng của tự do hoá thương mại", theo như kết luận của S&P.
Còn một lý do khác làm tăng mức tín nhiệm cho Việt Nam: nước này đang nỗ lực và đã quyết tâm hình thành một thị trường trái phiếu năng động. Việt Nam đã biến niềm tin của quốc tế thành nguồn tiền mới cho mình. Cuộc thử nghiệm thành công ngày 28/10 là ví dụ điển hình. Việt Nam đã gọi. Các nhà đầu tư quốc tế trả lời: đặt mua với số tiền lên tới 4,5 tỷ USD, cao gấp 6 lần trị giá chào là 750 triệu USD.
Lấy kinh nghiệm làm trái phiếu cho các công ty
Sự kiện này đánh dấu bước đi quan trọng trong hành trình dài tiến tới nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhưng nó còn mang một sứ mệnh lớn hơn thế mà các doanh nghiệp trong nước đã gửi gắm: tìm ra cái mốc cho họ làm bằng khi vươn ra biển lớn của thị trường tài chính thế giới.
Trước đó, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực cho biết họ sẽ bán trái phiếu ra nước ngoài một khi trái phiếu Chính phủ được bán. Giá trái phiếu hôm nay sẽ được coi là mốc chuẩn để các công ty trong nước tham khảo khi chào bán cổ phiếu của mình ra nước ngoài. Vậy là Việt Nam đã xây dựng cho mình một thị trường chứng khoán có nền tảng vững chắc, đúng tuần tự.
Nhu cầu phát triển các thị trường trái phiếu đã nổi lên từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 khi các thị trường nợ kém phát triển đã tạo ra những nền kinh tế quá nhạy cảm với việc tăng đột ngột lãi suất, đổ vỡ tín dụng hay sự lưu chuyển các dòng vốn.
Các thị trường nợ năng động cũng làm giảm chi phí vay và mang lại nhiều lựa chọn tài chính hơn cho các công ty hiện đang phải vay tiền từ một số ngân hàng nhất định. Điều đó đến lượt nó sẽ làm tăng tốc sự phát triển các công ty nhỏ và vừa ở Việt Nam hơn lúc nào hết. Đó chính là tương lai.
Tách nhóm
Trái phiếu Brady là loại trái phiếu định giá bằng đồng USD, đặt theo tên Bộ trưởng Ngân khố Mỹ trước đây là ông Nicholas Brady. Brady có thể giao dịch trên thị trường trái phiếu quốc tế, cho phép các nước đang phát triển và mới gia nhập có thể chuyển các dạng trái phiếu không có khả năng thanh toán quốc tế thành loại trái phiếu khả hoán. Loại trái phiếu này được xây dựng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước nhằm giúp các nước đang phát triển giảm nợ. Trái phiếu Brady cho phép các nước này tìm kiếm nguồn tiền từ các ngân hàng thương mại thay vì các khoản vay hỗ trợ giữa các chính phủ, ít nhiều mang tính chính trị. "Brady Bunch" là nhóm các nước đang phát triển phát hành Brady bonds |
Đó cũng là cơ hội để Việt Nam tách ra khỏi nhóm "Brady Bunch" - nhóm các nước đang phát triển đang phát hành trái phiếu Brady.
Năm 1998, Việt Nam đã cho các quỹ tín dụng phát hành trái phiếu Brady để đáp lại thiện chí hoãn nợ của các ngân hàng quốc tế. Đó là một giải pháp được cho là rất dễ làm tổn thương nền kinh tế các nước trong thời điểm ấy. Thế nhưng Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đó, ra khỏi nhóm các nước có chung hoàn cảnh, nhanh hơn dự báo.
Cách Việt Nam tiếp cận với toàn cầu hoá cũng đáng để ý. Đất nước 82 triệu dân này muốn hưởng các nguồn lợi tới từ thương mại và các dòng luân chuyển tư bản và con người thay vì chỉ có những cửa hàng Starbucks hay McDonald's trên các góc phố.
Tất cả cùng vui vẻ
Những năm gần đây, toàn cầu hoá có vẻ như là một "người đàn bà lẳng lơ" hơn là một "liều thuốc chữa bách bệnh" cho các nền kinh tế đang phát triển. Trong những năm 1980-1990, các nền kinh tế châu Á mở cửa ra thế giới nhanh chóng và hồ hởi. Trong khi đa số dễ dàng nhìn thấy bánh Burger King và nước giải khát 7-UP cùng phong cách phương Tây tràn ngập ngay trên sân nhà thì sự tăng trưởng ổn định và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn ở tận đâu đâu.
Hà Nội đã rút ra nhiều bài học từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực trong suốt 20 năm qua và đang có những chiến lược kinh tế tài chính được đánh giá cao. Nếu chiến lược đó hoạt động tốt, thực tế là đã hoạt động tốt ít nhất cho tới nay, các nhà đầu tư đầu tiên vào Việt Nam sẽ là những người vui vẻ nhất.
-
Nhật Vy (Theo Bloomberg)