(VietNamNet) - Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) - vừa cho biết, nếu cuộc đấu giá lần đầu cổ phần của Nhiệt điện Phả Lại ngày 25/11 tới thành công, EVN sẽ thực hiện bán tiếp phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.
Thậm chí, ông cho biết, tỷ lệ sở hữu của EVN trong các DN phát điện nói chung và Nhiệt điện Phả Lại nói riêng có thể chỉ còn 51% (thay vì hơn 70% như hiện tại), thậm chí thấp hơn nếu các nhà đầu tư có nhu cầu mua tiếp. "EVN khuyến khích nhân dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển ngành điện cùng Tổng công ty", ông nói.
Nhiệt điện Phả Lại: cổ phần chào bán lớn nhất
Ngày 25/11 tới, trên Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn ra đợt chào bán 72.896.500 cổ phiếu, tương đương 728,9 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Nhiệt điện Phả Lại. Đây là lượng cổ phiếu chào bán lớn nhất trên Thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ trước đến nay, với giá chào bán 10.200 đồng/cổ phiếu. Thông tin về số lượng nhà đầu tư đăng ký mua và số cổ phiếu đặt mua trong đợt đấu giá của Nhiệt điện Phả Lại sẽ được Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố công khai vào ngày 24/11/2005.
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. |
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội - cho biết, việc tổ chức đăng ký mua cổ phiếu của Nhiệt điện Phả Lại được diễn ra đồng thời tại 7 địa điểm, gồm Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM, Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương (trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh tại TP.HCM), Công ty chứng khoán Sài Gòn (trụ sở chính tại TP.HCM và chi nhánh Hà Nội) và tại Nhiệt điện Phả Lại. Theo ông Dũng, đây là đợt đấu giá được triển khai một cách quy mô và rộng rãi nhất từ trước đến nay.
Theo ông Đặng Phan Tường - Trưởng ban Cổ phần hoá và chứng khoán thuộc EVN - ngay sau cổ phần hoá, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại sẽ thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội, với vốn điều lệ 3.107 tỷ đồng - mức vốn lớn nhất so với các DN đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
EVN: không thể lên sàn chậm trễ hơn Theo cân đối tài chính dài hạn, trong giai đoạn 2005 - 2010, EVN cần phải huy động cho đầu tư với tổng số vốn lên tới 231.000 tỷ đồng. Nguồn vốn trước mắt khó có thể đáp ứng nếu không có những giải pháp có tính đột phá để huy động vốn, cụ thể là cổ phần hoá. Hiện, đã có 14 đơn vị của EVN thực hiện xong công tác cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần. Giá trị cổ phần theo mệnh giá do các nhà đầu tư trong và ngoài doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các công ty này lên tới 664,731 tỷ đồng. Vào tháng 3/2005, tổng số tiền thu được qua 2 phiên bán đấu giá cổ phần Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (437,5 tỷ đồng- tính theo mệnh giá) và Điện lực Khánh Hoà (21,218 tỷ đồng - tính theo mệnh giá) lên tới 490,526 tỷ đồng, cao hơn 31,808 tỷ đồng so với mệnh giá. Sự thành công của 2 phiên đấu giá này khiến EVN tiếp tục đẩy mạnh cổ phần các đơn vị còn lại. Cuối tháng 11 này, EVN sẽ bán đấu giá cổ phần của Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại. Trong tháng 12/2005, cổ phần của Công ty Thủy điện Thác Bà (vốn điều lệ 635 tỷ đồng) cũng sẽ được bán đấu giá qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với giá trị cổ phần bán đấu giá ra ngoài doanh nghiệp là 153,86 tỷ đồng (24,23% vốn điều lệ). Giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phiếu. |
Sẽ còn bán tiếp nhiều DN ngành điện
Ông Tường cho biết, một chủ trương lớn mà EVN đã và đang nỗ lực thực hiện là xoá bỏ độc quyền trong ngành điện. Theo đó, ngoài 2 doanh nghiệp ngành điện đã cổ phần hoá (gồm Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hoà); 2 đơn vị sắp cổ phần hoá (Công ty điện Phả Lại, Thuỷ điện Thác Bà), còn 5 nhà máy điện khác cũng đã và đang được xúc tiến cổ phần hoá gồm: Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Bà Rịa, Nhiệt điện Uông Bí, Thuỷ điện Thác mơ, Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Khả năng các nhà máy này sẽ hoàn tất cổ phần hoá vào đầu năm 2006.
Cũng theo ông Tường, chỉ có 3 nhà máy điện gồm Thuỷ điện Hoà Bình, Thuỷ điện Trị An, Thuỷ điện Yaly sẽ được giữ lại trực thuộc Tổng công ty để sau này hình thành nên Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Việc chuyển các doanh nghiệp ngành điện từ 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần là một bước để người dân cùng tham gia đầu tư phát triển ngành điện. Theo Chiến lược Phát triển thị trường điện của EVN đến 2010, định hướng đến 2020, EVN sẽ từng bước hình thành thị trường điện trong nước, trong đó, Nhà nước chỉ giữ độc quyền trong khâu truyền tải và giữ quyền chi phối trong khâu sản xuất, phân phối điện. Trước mắt, sẽ hình thành thị trường mua - bán điện trong EVN và chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường điện độc lập.
Vài nét về Nhiệt điện Phả Lại
Nhiệt điện Phả Lại (thị trấn Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương) được thành lập từ năm 1982, hạch toán phụ thuộc trực thuộc Công ty Điện lực I, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam.
Ngày 30/3/2005, Bộ Công nghiệp đã ra quyết định chuyển Nhiệt điện Phả Lại thành Công ty cổ phần hạch toán độc lập, thuộc EVN. Theo đó, Nhà máy này chính thức hạch toán độc lập kể từ 1/7/2005. Giá trị Nhiệt điện Phả Lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (31/12/2004) là 10.685 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước thuộc công ty là 3.107 tỷ đồng.
Sản phẩm chủ yếu của Nhiệt điện Phả Lại là sản xuất điện năng, với hai nhà máy sản xuất điện (Nhà máy Phả Lại 1 và Nhà máy Phả Lại 2), gồm 6 tổ máy có công suất 1.040 MW. Sau cổ phần hoá, Công ty dự định sẽ mở rộng sang một số ngành nghề có ưu thế như: thành lập Trung tâm sửa chữa dịch vụ Phả Lại (vốn đầu tư 200 tỷ đồng); sản xuất thạch cao là sản phẩm tận dụng có sẵn từ quá trình sản xuất; sản xuất than xỉ; nghiên cứu triển khai dự án sản xuất tro sạch làm phụ gia bê tông (dự án này đã được EVN phê duyệt), nhằm bán lại cho dự án Thủy điện Sơn La trong thời gian 5 năm thực hiện dự án này.
Sau thời hạn 5 năm, Nhiệt điện Phả Lại sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng để bán sản phẩm ra thị trường, chủ yếu cho các công ty xây dựng trong nhà máy điện.
Điểm thuận lợi đáng kể trong hoạt động của Nhiệt điện Phả Lại là về vị trí địa lý. Nằm gần mỏ than Vàng Danh và Mạo Khê nên Công ty có điều kiện nhập nguyên liệu với giá rẻ, do tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Nhà máy Phả Lại 1 trong những năm gần đây thường xuyên được EVN đầu tư kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thiết bị, nên dù đã vận hành khai thác hơn 20 năm, nhưng các tổ máy vẫn có thể phát điện đạt 85-90% công suất thiết kế, trong khi máy móc thiết bị đã khấu hao gần hết, nên chi phí sản xuất giảm.
Nhà máy Phả Lại 2 vừa được đầu tư mới với công nghệ hiện đại, năng suất cao, hứa hẹn khả năng hoạt động ổn định và hiệu quả trong dài hạn. Do từ năm 2004 trở về trước, Nhiệt điện Phả Lại hạch toán phụ thuộc nên rất khó đưa ra các chỉ số tài chính chuẩn xác phản ánh hoạt động. Sau cổ phần hoá, với việc được hạch toán độc lập, Công ty dự tính sẽ đạt lợi nhuận sau thuế từ 300 đến 500 tỷ đồng/năm, với mức cổ tức dự kiến trả cho cổ đông ổn định là 12%/năm.
-
Oanh Phúc