Liên quan đến những sai phạm tại PMU18, chiều 7/4 báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá về trách nhiệm của bộ này trong việc quản lý và giải ngân nguồn vốn ODA.
Ông Tá nói: Hiện nay PMU18 quản lý các dự án vốn vay ODA thay cho chủ đầu tư là Bộ GTVT, tức là bên A, còn lại bên B thì hầu hết là “sân sau”, do đó việc đấu thầu, kể cả tư vấn giám sát chỉ là hình thức. Ở đây, PMU18 đã xảy ra sự lũng đoạn bởi ở một chu trình khép kín.
- Nhưng hiện nay dư luận đang đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp các nguồn vốn ODA là Bộ Tài chính...
- Thật ra, theo Luật ngân sách, quản lý vốn đầu tư từ nguồn ODA là Bộ KH-ĐT, còn Bộ Tài chính chỉ quản lý việc phân bổ, dự toán ngân sách, đồng thời ghi sổ việc tiếp nhận ODA trong mục lục dự toán ngân sách.
Theo tôi, trách nhiệm của các bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý vốn đầu tư phải tiếp tục được sắp xếp lại, không để tình trạng “ai cũng có trách nhiệm, từng khâu từng phần nhưng cuối cùng khi xảy ra một dự án lãng phí, thất thoát thì lại không biết trách nhiệm thuộc về ai”.
- Nhưng thưa ông, để những ban quản lý dự án như PMU18 có thể tự tung tự tác “rút ruột” vốn vay một cách thoải mái như vậy không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nguồn vốn, như Bộ Tài chính chẳng hạn?
- Tất cả những dự án liên quan đến lĩnh vực GTVT mà PMU18 quản lý đều do Bộ GTVT (là chủ đầu tư) quyết toán. Bộ Tài chính, nếu có, chỉ thông qua hợp tác để ghi sổ nợ ngân sách.
Xung quanh vấn đề này thủ tục của ta thường tách bạch giữa cơ quan ký vay, tiếp nhận sử dụng, quyết toán và trả nợ, chứ không tập trung vào một cơ quan duy nhất.
Nói như vậy để thấy rằng thủ tục của chúng ta cũng không đến nỗi lỏng lẻo, điều đáng nói là cách thức tổ chức như kiểu PMU18 là có vấn đề.
Không ai lại đứng ra thành lập kiểu ban quản lý như PMU18, bộ chủ quản đã giao quá nhiều quyền lực cho anh ta nhưng lại không quản lý được. Khi có quá nhiều quyền trong tay cộng với năng lực quản lý yếu kém, cán bộ hư đốn thì nảy sinh chuyện tiêu cực là đương nhiên.
Hôm qua (7/4), Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Khoan yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính rà soát lại cơ chế phân bổ, sử dụng, quản lý, kiểm tra việc sử dụng vốn ODA, kể cả việc rút kinh nghiệm cụ thể từ vụ án PMU18 Bộ GTVT, từ đó đề xuất những biện pháp cần thiết để cải tiến và bảo đảm tối đa việc sử dụng vốn ODA. Hai bộ phải báo cáo Thủ tướng chậm nhất vào đầu tháng năm. N.L. |
- Sau khi xảy ra vụ PMU18, Bộ Tài chính có rút ra được điều gì liên quan đến qui chế quản lý tài chính đã ban hành?
- Nói đến cơ chế chính sách để xảy ra lỗ hổng như PMU18, theo tôi, nó liên quan đến rất nhiều bộ, ngành về quản lý vốn ODA. Và đây là vấn đề phải được đưa ra thảo luận để khắc phục những điểm thiếu sót.
- Trở lại vấn đề của PMU18, như ông vừa nói thì trách nhiệm chỉ thuộc riêng một Bộ GTVT?- Đây là một chuyện hết sức phức tạp! Bây giờ nói trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu trong chuyện này, giả sử nếu có thì công an đã “sờ” vào rồi. Nhưng quả thật, qua bài học này cũng là dịp để chúng ta phải rà lại hết qui trình quản lý hiện nay đối với các dự án.
Ngay sau khi xảy ra vụ PMU18, Bộ Tài chính đã họp và giao nhiệm vụ cho các vụ, cục liên quan phải rà soát lại tất cả các khâu mà Bộ Tài chính có tham gia, đồng thời rà soát toàn bộ các qui định quản lý tài chính trong lĩnh vực đầu tư.
- Nhưng như vậy thì liệu có phải qui trình quản lý vốn đầu tư của chúng ta hiện nay đang có vấn đề?
- Thật ra không có vấn đề gì lớn vì nó đã được tổng kết và đổi mới nhiều. Mới đây phát biểu trên báo chí, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) - một trong những cơ quan cho vay ODA lớn của VN - cũng không có than phiền gì nhiều.
Tôi không phủ nhận là đang vẫn còn những vấn đề trong qui trình quản lý ODA tại VN cần sửa đổi, song đây không phải là nguyên nhân chính để xảy ra những vụ việc như với PMU18. Tôi hi vọng rằng qua rà soát lại những dự án đã thực hiện, những qui định thường bị các chủ dự án “lách” để rút ruột dự án sẽ được phát hiện để điều chỉnh lại.
- Phải làm thế nào để giảm thiểu tình trạng thất thoát?- Hiện nay, ngoài vốn ODA, quản lý vốn ngân sách của chúng ta cũng vẫn đang có chuyện. Thủ tục quản lý chúng ta có rất nhiều nhưng vẫn không chặt và chưa hiệu quả.
Vì vậy, cần phải được phân cấp mạnh hơn nữa, chứ không phải như trước đây là dự án nào cũng đưa lên Thủ tướng quyết, nhưng cuối cùng có nắm được đâu. Tất nhiên, việc phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm: ai quyết thì người đó phải chịu trách nhiệm.
- Ngoài những mô hình đang có, ông có nghĩ rằng cần đưa ra hình thức quản lý vốn đầu tư khác hiệu quả hơn?
- Thật ra một cơ chế minh bạch là phải tách bạch giữa quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh trong các cơ quan nhà nước hiện nay. Anh không thể vừa làm chính sách lại vừa làm chủ đầu tư. Do đó, theo tôi nghĩ, việc sử dụng các công ty độc lập có chuyên môn về quản lý đầu tư thay thế cho mô hình PMU hiện nay là hợp lý.
Xuân Toàn - Nhật Linh (Tuổi Trẻ)