221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
882538
Cần khoảng 20 tỷ USD vốn ODA từ nay đến 2010
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Cần khoảng 20 tỷ USD vốn ODA từ nay đến 2010
,

(VietNamNet) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký QĐ 290 phê duyệt Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006-2010. Theo đó, từ nay đến 2010, Việt Nam cần tới 19-21 tỷ USD vốn ODA cam kết từ các nhà tài trợ.

Theo Đề án này, để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm, Việt Nam cần huy động tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 nghìn tỷ đồng (theo tỷ giá năm 2005), tương đương gần 140 tỷ USD (theo tỷ giá hiện hành là 160 tỷ USD). Trong đó, 65% huy động từ các nguồn vốn trong nước và 35% từ các nguồn vốn ngoài nước.

Riêng nhu cầu về vốn ODA, trong 5 năm tới, cần thực hiện được khoảng 11 tỷ USD vốn ODA . Để thực hiện được nguồn vốn trên, cần phải có vốn ODA cam kết khoảng 19-21 tỷ USD.

Soạn: HA 999499 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguồn vốn ODA cho thời gian tới vẫn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông... Ảnh minh họa.

ODA cho Việt Nam tăng khoảng 8%/năm

Đề án về thu hút và sử dụng ODA giai đoạn tới, do Bộ KH-ĐT lập, đưa ra dự báo, nước ta có nhiều thuận lợi để tiếp tục thu hút nguồn vốn này. Tuy nhiên, cũng không hiếm khó khăn khi nhu cầu về vốn ODA của các nước đang phát triển tiếp tục tăng mạnh, trong khi năng lực quản lý, thực hiện các chương trình và dự án ODA của Việt Nam còn nhiều yếu kém.

Chính vì vậy, sau khi phân tích các yếu tố liên quan đến chính sách, xác định nguyên tắc thu hút và sử dụng vốn ODA thời gian tới, Đề án dự báo, nguồn vốn này dành cho Việt Nam sẽ đạt mức cam kết khoảng 19-21 tỷ USD, bình quân 4 tỷ USD/năm, tăng trung bình 8% so với mức cam kết ODA năm 2005.

Trong đó, vốn ODA ký kết trong thời kỳ 2001-2005 chuyển tiếp sang khoảng 8 tỷ USD; nguồn vốn ký kết mới dự báo sẽ đạt 12,35-15,75 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn ODA được ký kết thời kỳ 2006-2010 sẽ đạt khoảng 20,4-23,7 tỷ USD. Kết quả khảo sát các nhà tài trợ cũng cho con số tương đương với dự báo này. 

Đề án về thu hút vốn ODA giai đoạn tới cũng thông báo, cơ cấu vốn ODA thời gian tới tập trung nhiều nhất vào giao thông, BC-VT, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, môi trường, KHCN... Riêng đầu tư nguồn vốn này cho công nghiệp và năng lượng giảm còn 15%.

Trong số các dự án giao thông được đầu tư vốn ODA thời gian tới, theo Đề án của Chính phủ, sẽ tập trung và việc phát triển hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, các đường trục chính của các vùng kinh tế; ưu tiên phát triển các tuyến đường ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL....; xây dựng một số cầu đường bộ lớn ở cả ba miền. Ngoài ra, sẽ câng cấp, xây dựng một số tuyến đường sắt, kể cả tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM.

Việc xây dựng mới một sân bay quốc tế hiện đại cho Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế T2), sân bay Long Thành - Biên Hoà, Đà Nẵng (nhà ga), Cam Ranh - Khánh Hoà (nhà ga) và Phú Quốc - Kiên Giang cũng sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn vốn này.

Riêng với việc thu hút và sử dụng ODA sau 2010, Đề án nêu rõ, đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.050USD. Do vậy, tỷ trọng nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi cao trong tổng vốn ODA sau 2010 sẽ giảm, đồng thời vốn vay ODA có điều kiện gần với điều kiện vốn vay thương mại có thể sẽ tăng lên.

ODA không phải là thứ cho không

Thời kỳ 2001-2005, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA gần 14,9 tỷ USD, trong đó 80% là nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, ODA giải ngân trong thời kỳ này đạt hơn 7,9 tỷ USD. Hiện có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương cung cấp ODA cho hầu hết các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Trong kế hoạch 5 năm 2001-2005, ODA đã bổ sung khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đề án của Chính phủ cho rằng, mặc dù vậy, việc thu hút và sử dụng ODA thời gian qua, có nơi có lúc chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Nhiều nơi coi ODA là nguồn vốn nước ngoài cho không, nếu là vốn vay thì Chính phủ có trách nhiệm trả nợ. Nhận thức sai lệch như vậy dẫn tới tình trạng một số chương trình, dự án ODA kém hiệu quả. 

Ngoài ra, phải kể đến việc chậm cụ thể hoá chủ trương, chính sách và định hướng thu hút và sử dụng ODA. Điều đáng nói là khuôn khổ pháp lý về quản lý và sử dụng ODA còn nhiều bất cập. Giữa các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng ODA và các văn bản pháp quy chi phối nguồn vốn này còn thiếu sự đồng bộ. Quy trình và thủ tục thu hút và sử dụng ODA chưa rõ ràng và còn thiếu minh bạch. Việc thi hành các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý và sử dụng ODA chưa nghiêm.

Các quy trình thủ tục quản lý ODA của Việt Nam và nhà tài trợ chưa hài hoà, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng chi phí giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý ODA, năng lực đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém. Công tác theo dõi và đánh giá ODA hạn chế.

4 bài học về thu hút và sử dụng ODA:

- Một là, cần nhận thức đúng đắn về ODA, coi ODA là nguồn lực bên ngoài có tính chất bổ sung chứ không thay thế nguồn lực nội sinh. ODA không phải là "thứ cho không" mà chủ yếu là vay nợ nước ngoài theo các điều kiện ưu đãi, gắn với uy tín và trách nhiệm quốc gia trong quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế. 

- Hai là, để phát huy vai trò làm chủ trong thu hút và sử dụng ODA nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. 

- Ba là, sự cam kết mạnh mẽ, chỉ đạo sát sao và có sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng sẽ bảo đảm việc thực hiện các chương trình, dự án ODA có hiệu quả, phòng và chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng. 

- Bốn là, xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với các nhà tài trợ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hợp tác xây dựng và cùng chia sẻ trách nhiệm trong cung cấp và tiếp nhận ODA là yếu tố không thể thiếu để quản lý và sử dụng ODA có hiệu quả.

  • Hà Yên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,