Máy ATM của ngân hàng này từ chối thẻ của ngân hàng khác phát hành. |
Trả lời phỏng vấn của giới báo chí, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, đề cập đến mảng dịch vụ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo ông mở rộng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ là điều kiện sống còn để các ngân hàng có thể cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi mà thời điểm mở cửa lĩnh vực tài chính- ngân hàng của Việt Nam đang đến gần.
Ông Trần Ngọc Minh cho biết: "Đề án phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng tại TP.HCM" được UBND và Thành uỷ thông qua năm ngoái. Đến nay các tổ chức tín dụng đã bắt đầu triển khai, tập trung vào một số giải pháp như công nghệ hiện đại, tài khoản cá nhân, thương phiếu và hoạt động cho thuê tài chính. Sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ điện tử-tin học sẽ làm ngân hàng tụt hậu và không thể cạnh tranh nổi ngay trên địa bàn của mình".
- Thưa ông, nói các ngân hàng đã triển khai đề án thì chung chung quá, cụ thể họ đã và đang làm gì?
Các ngân hàng tuỳ điều kiện và khả năng đã ứng dụng phần mềm tin học vào các khâu tín dụng, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ. Các dịch vụ chuyển tiền điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán bằng máy rút tiền tự động ATM, thanh toán trực tuyến đang tạo ra tiện ích thu hút khách hàng. Các ngân hàng đang đổi mới nhanh chất lượng dịch vụ bao gồm Ngoại thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Á Châu, Sài Gòn Thương Tín, Đông Á, Xuất nhập khẩu, Đầu tư và Phát triển. Riêng ngân hàng Xuất nhập khẩu trong lộ trình 2002-2003 đang triển khai 12 loại hình dịch vụ, kể cả quyền lựa chọn, tư vấn tài chính, tiền tệ; nghiệp vụ quản lý vốn; địa ốc. Nguyên thẻ tín dụng , trong vòng một năm qua các ngân hàng đã liên tục trang bị máy ATM, phát hành cả thẻ nội địa lẫn quốc tế.
- Sự xuất hiện hàng trăm máy ATM, hàng nghìn điểm chấp nhận thẻ thanh toán và số lượng thẻ tín dụng phát hành gia tăng gần như chỉ là bề nổi. Thẻ tín dụng thực chất vẫn là chưa đi vào cuộc sống khi mà máy ATM của ngân hàng này từ chối thẻ của ngân hàng khác phát hành?
Đó là một câu chuyện dài. Ứng dụng công nghệ điện tử -tin học đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, trong khi khả năng tài chính của các ngân hàng có hạn. Hơn nữa trình độ quản trị, điều hành, nguồn nhân lực của ngân hàng chưa cao. Điều này dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Gần đây một số ngân hàng hùn vốn lại, cùng nhau lập công ty cổ phần thẻ, công ty chuyển mạch, công ty cổ phần tin học. Theo tôi, mô hình này cho phép khắc phục hạn chế về vốn đầu tư và tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ cũng có thể hiện đại hoá.
- Có lẽ khả năng tài chính hạn chế không phải là lời giải thích duy nhất khi có ngân hàng trang bị hàng chục máy ATM, mà giá mỗi máy tới 30.000 USD?
Vấn đề là các ngân hàng chưa nối mạng với nhau. Phần mềm ứng dụng trong quản lý phát hành thẻ của ngân hàng này chưa tương thích với phần mềm của ngân hàng khác. Đầu tư vào thẻ tín dụng còn mang tính cục bộ, tự phát. Một số ngân hàng như Ngoại thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Á Châu đã và đang thực hiện quá trình hiện đại hoá theo chuẩn Ngân hàng Thế giới (WB), giao dịch thông suốt từ hội sở đến chi nhánh, họ thuê đường truyền riêng của bưu điện. Tất nhiên, để máy ATM chấp nhận thẻ của nhiều ngân hàng, các ngân hàng phải ngồi lại với nhau, hợp tác và hợp sức, nhưng sự hợp tác, gắn kết rõ ràng còn rất lỏng lẻo.
- Thiếu hợp tác, các ngân hàng đang tự tạo các khó khăn cho mình. Mới đây các chủ thẻ hay những người có tài khoản ở ngân hàng bắt đầu kêu ca hiện tượng họ bị thu thêm phí. Ông có biết việc này?
Tôi đã nghe một số ngân hàng phản ánh và những phản ánh đó là thật. Chi nhánh Vietcombank TP.HCM nói rằng khách hàng ở thành phố hiện nay đã có thể trả tiền điện bằng thẻ Vietcombank qua máy ATM. Họ đang tiến tới áp dụng trả tiền nước và tiền điện cho khách hàng trên phạm vi cả nước. Ngân hàng Á Châu đang chuẩn bị thanh toán dịch vụ qua điện thoại di động, bằng một vài động tác bấm trên điện thoại di động. Nhưng họ yêu cầu nhà nước phải có chính sách khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn đã có hiện tượng chủ thẻ trả tiền bằng thẻ, các nơi chấp nhận thanh toán thẻ đòi thêm 10% thuế giá trị gia tăng. Một số điểm nói thẳng trả tiền bằng thẻ hay chuyển khoản thì giá trị món hàng cao hơn 2-3% so với trả bằng tiền mặt. Tôi cầm thẻ đi mua hàng hay thanh toán đôi khi rất bức xúc.
(Theo TBKTSG)