(VietNamNet) - ''Rất cần xây dựng một thị trường chứng khoán (TTCK) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội. Phần lớn các doanh nghiệp cổ phần, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu huy động vốn qua TTCK. Tuy nhiên, vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ điều kiện niêm yết trên thị trường tập trung hiện nay nên họ không có khả năng tiếp cận thị trường này'' - TS. Vũ Bằng - Phó chủ tịch UBCKNN trong một cuộc gặp gỡ với các DN tại Hà Nội đã phát biểu như vậy.
TTCK chính thức chưa hết cảnh ''đìu hiu chợ chiều''. |
Ông Vũ Bằng dẫn chứng, tổng số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả nước hiện nay (có vốn dưới 10 tỷ đồng) chiếm khoảng 75% tổng số doanh nghiệp và tạo ra khoảng 25% GDP hàng năm. Do vậy, việc mở ra một thị trường chứng khoán dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo cơ hội lớn về huy động vốn cho các đối tượng này.
Nhà nước cần
Hiện nay, do nhiều doanh nghiệp, công ty cổ phần chưa đủ điều kiện niêm yết trên TTCK tập trung đã phát sinh một thực tế là gần đây tại một số nơi đã hình thành TTCK tự do để giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp này. Hoạt động giao dịch theo hình thức đó đã phần nào đáp ứng được nhu cầu mua bán chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp và người đầu tư, song đi kèm với nó là nhiều rủi ro về giả mạo và lừa đảo. Về lâu dài, sự tồn tại của thị trường tự do sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường chính thức và đến sự phát triển lành mạnh, ổn định các hoạt động nói chung.
Riêng đối với Hà Nội, để có thể đáp ứng đầy đủ và liên tục nguồn vốn cho các doanh nghiệp thì TTCK phải là một kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu, quan trọng. Với vị trí một trung tâm kinh tế lớn, nơi tập trung hơn 10.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật DN với tổng lượng vốn đầu tư phát triển trong vòng 5 năm (2001-2005) được dự báo vào khoảng 122,9 nghìn tỷ đồng, Hà Nội rất cần một kênh huy động vốn qua TTCK. Ngoài ra, việc hình thành một TTGDCK trên Hà Nội sẽ tạo ra sự đồng bộ của cả hệ thống tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm để biến Thủ đô thành trung tâm tài chính của khu vực.
Nhiều doanh nghiệp cũng muốn...
Theo kết quả thăm dò về ''Khả năng tham gia TTCK của doanh nghiệp vừa và nhỏ'' của UBCKNN mới đây cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều muốn huy động vốn qua TTCK. Kế hoạch sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn vừa và nhỏ trong thời gian tới, Nhà nước cũng có chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá loại hình doanh nghiệp này. Dự kiến giai đoạn từ 2001-2010 sẽ cổ phần hoá và sắp xếp lại 2.500 doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng. Như vậy, cùng với tỷ lệ khá lớn các doanh nghiệp mong muốn huy động vốn qua TTCK (53,98%), thì đây là một nguồn cung ứng lớn về hàng hoá cho TTCK .
Hầu hết các ý kiến chuyên gia trong ngành và doanh nghiệp đều tán thành việc xây dựng trung tâm GDCKHN bởi họ muốn được đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những người mua chứng khoán là các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện niêm yết, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoà nhập dần vào TTCK tập trung.
Về phía công chúng đầu tư, ông Vũ Bằng cho biết, theo số liệu điều tra của UBCKNN về khả năng tham gia TTCK của công chúng trên cả nước nói chung và địa bàn Thủ đô nói riêng, tuyệt đại đa số dân chúng, đặc biệt là ở Hà Nội, đều rất quan tâm đến chứng khoán, nhất là khối doanh nhân và sinh viên.
Một thị trường cho các doanh nghiệp 5-10 tỷ, tại sao không?
Các DN và chuyên gia trong giới tài chính đồng nhất rằng, việc xây dựng và phát triển TTCK ở Hà Nội trước mắt cũng nên tiến hành trên cơ sở những quan điểm chung về phát triển TTCK ở Việt Nam. Thị trường sẽ được xây dựng từng bước với quy mô từ nhỏ đến lớn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Xây dựng thị trường phải đảm bảo việc hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định, thích ứng linh hoạt với những thay đổi của môi trường và tôn trọng các quy luật thị trường. Đảm bảo sự thuận tiện cho các đối tượng tham gia thị trường để khai thác tối đa mọi nguồn lực của nền kinh tế.
Trước mắt, TTGDCK Hà Nội từ nay đến năm 2010 sẽ được xây dựng như một thị trường giao dịch tập trung cho chứng khoán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hàng hóa cho thị trường dự kiến sẽ là chứng khoán của các doanh nghiệp có số vốn từ 5 đến 10 tỷ. Các doanh nghiệp này cũng sẽ phải đáp ứng được một số các yêu cầu khác như yêu cầu về kết quả hoạt động kinh doanh (kinh doanh có lãi trong hai năm liên tục), yêu cầu về kế toán kiểm toán và công bố thông tin, yêu cầu về tỷ lệ nắm giữ (dự kiến đòi hỏi tối thiểu 20% vốn cổ phần được nắm giữ bởi ít nhất 50 cổ đông nhỏ). Ngoài ra, các chứng khoán khác có thể niêm yết trên TTGDCK Hà Nội bao gồm trái phiếu Chính phủ các loại, chứng chỉ quỹ đầu tư.
Theo UBCKNN, hệ thống của TTGDCK Hà Nội sẽ bao gồm các hệ thống chính là: hệ thống giao dịch, hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, hệ thống giám sát và hệ thống thông tin thị trường. Cơ chế giao dịch trong giai đoạn đầu của TTGDCK Hà Nội cũng sẽ giống TTGDCK TP.HCM, đó là giao dịch tập trung trên sàn giao dịch, nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch tại bất kỳ công ty chứng khoán nào.
Sau gần 3 năm hoạt động, TTCK của Việt Nam còn bộc lộ nhiều khó khăn. Số lượng chứng khoán được đã niêm yết, giao dịch trên thị trường còn quá ít và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng số lượng chứng khoán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cho tới nay, cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp Nhà nước, hơn 900 doanh nghiệp cổ phần hoá, 40.000 doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, nhưng mới chỉ có 21 loại cổ phiếu, 53 loại trái phiếu được niêm yết trên thị trường.
Nguyên nhân cơ bản khiến cho ít doanh nghiệp được tham gia vào TTCK là: Sự hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường chưa nhiều hoặc chưa nhận thức được lợi ích của việc tham gia thị trường; Nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi phải kiểm toán và công bố thông tin; Bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp sợ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp; Cơ chế chính sách vĩ mô để phát triển thị trường này chưa hoàn thiện; Một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về vốn để niêm yết trên thị trường... |
-
Hồng Phúc