(VietNamNet) - Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa vào lưu thông khoảng 200 triệu tờ tiền mới (chưa kể tiền xu). Ngân hàng cũng không loại trừ khả năng sẽ đưa ra thêm các loại tiền mới và mệnh giá khác nhau để đảm bảo cơ cấu tiền.
|
|
Chiều qua (27/11), sau khi công bố về việc phát hành 5 loại tiền mặt mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý đã trả lời phỏng vấn báo chí về những vấn đề xoay quanh việc phát hành bổ sung đồng tiền Việt Nam.
- Thưa Thống đốc, lần gần đây nhất Việt Nam đưa ra loại tiền mệnh giá mới là khi nào?
- Năm 2000, khi tiền 100.000 đồng được đưa vào lưu thông.
- Lượng tiền mới dự kiến đưa vào lưu thông lần này là bao nhiêu?
- Hiện tại nhà in tiền vẫn đang hoạt động cho nên tôi chưa thể có con số chính thức. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, ngân hàng sẽ đưa vào lưu thông khoảng 200 triệu tờ tiền mới. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục sản xuất thêm và không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều loại tiền mệnh giá khác tiếp tục được đưa vào lưu thông để đảm bảo cơ cấu tiền và giúp cho tiền Việt Nam có khả năng chống giả cao hơn, thời hạn sử dụng dài hơn.
- Người dân có thể tiếp cận với tiền mới bằng cách nào?
- Từ ngày 17/12, người dân hoàn toàn có thể nhận được những đồng tiền mới tại các điểm giao dịch của kho bạc, ngân hàng, quỹ tín dụng trong hệ thống ngân hàng khi rút tiền, lĩnh lương... Các tờ rơi giới thiệu về các loại tiền mới đã được in xong và đang rải đến các điểm dân cư, các thôn bản, niêm yết ở chợ, siêu thị, các ngân hàng...
- Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra 5 loại tiền mới vào thời điểm này?
- Việc đưa ra các loại tiền mới là chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu tiền mặt thường tăng mạnh.
- Việc phát hành đồng tiền mệnh giá lớn tới 500.000 đồng có phải vì những lo ngại đồng tiền Việt Nam mất giá?
- Hoàn toàn không phải! Với mức lạm phát trong những năm gần đây, đồng tiền Việt Nam đang khá ổn định. Không phải tỷ lệ lạm phát cao mà đưa ra tiền mệnh giá cao bởi tỷ lệ lạm phát năm nay còn thấp hơn so với dự kiến. Dự kiến cả năm 2003 tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức trên dưới 3%, thậm chí tính đến cuối tháng 11 này, tỷ lệ lạm phát mới là 2,2%. Đồng tiền mệnh giá lớn nhất hiện tại mới là 100.000 đồng, trong tương lai là 500.000 đồng thì mới chỉ tương đương 7 USD và 30 USD. Như vậy chưa thể gọi là có mệnh giá lớn được.
- Ngân hàng Nhà nước có thu hồi những đồng tiền cùng mệnh giá hiện đang lưu hành?
- Đây là bổ sung chứ không phải Việt Nam đang thiếu tiền. Ngân hàng Nhà nước không thu hồi những đồng tiền cùng mệnh giá hiện đang lưu hành.
- Liệu trong tương lai Ngân hàng Nhà nước có tính đến việc đưa ra những loại tiền mệnh giá cao hơn nữa, ví dụ như 1 triệu đồng?
- Hiện nay chúng tôi chưa có kế hoạch, nhưng điều này không thể loại trừ trong tương lai.
- Tại tại sao chúng ta lại chọn chất liệu polymer, khi chỉ có 16 nước trên thế giới sử dụng chất liệu này để in tiền và chi phí in tiền bằng polymer đắt hơn so với các loại tiền hiện nay?
- Đầu những năm 90, thế giới bắt đầu đưa tiền Polymer vào sử dụng và mỗi nước đều có lý do riêng. Với điều kiện khí hậu Việt Nam và nạn làm giả tiền hiện nay thì việc áp dụng chất liệu này là phù hợp. Sử dụng chất liệu polymer để in tiền sẽ tạo điều kiện nâng cao khả năng chống làm giả tiền. Điều này đã được thừa nhận trên thế giới.
Việc lựa chọn chất liệu này để in tiền còn xuất phát từ điều kiện khí hậu và tập quán sử dụng tiền mặt hiện nay của chúng ta. Tiền này khó rách hơn, không thấm nước nên độ bền, tuổi thọ của đồng tiền sẽ dài hơn.
Nhiều nước đã tồn tại một nền công nghệ in tiền cổ điển rất lâu đời nên không dễ gì thay đổi, còn Việt Nam ta từ trước tới nay vẫn nhập giấy in tiền nên không khó khăn gì khi áp dụng vật liệu mới vào in tiền. Mặc dù chi phí in tiền mới đắt gấp 2 lần nhưng tuổi thọ lại tăng đến 3-4 lần, tính ra lại rất tiết kiệm.
- Trong tương lai, Việt Nam có đưa tiền polymer vào thay thế toàn bộ tiền giấy không?
- NHNN sẽ phải xem xét đến khả năng kinh phí. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, tiền mới có nhiều ưu việt: độ bền tiền polymer gấp 3-4 lần tiền cotton hiện nay, tiền xu có tuổi thọ khoảng 30-40 năm.
- Trước đây, đã từng có thời kỳ chúng ta có tiền xu, nhưng đã ngừng lưu thông, tại sao bây giờ lại quay trở lại với loại tiền này?
- Tiền xu đã biến mất khỏi lưu thông khoảng đầu những năm 1980, do khi đó lạm phát quá cao đã khiến những đồng tiền xu mệnh giá quá nhỏ không còn giá trị lưu hành. Còn hiện tại, giá trị đồng tiền Việt Nam đang khá ổn định, trong khi nhu cầu phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại tự động đang ngày càng phát triển nên sự lựa chọn này là tất yếu.
Tiền xu đảm bảo 20-30 năm không bị bào mòn và lộ lõi sắt, khuôn khổ được tính toán phù hợp với tất cả các máy ATM và thanh toán tự động sau này như máy bán nước uống, máy điện thoại công cộng, tàu điện ngầm, toalet công cộng... Bên cạnh đó cũng phải tính đến một yếu tố nữa là tuổi thọ của tiền kim loại cao hơn tiền giấy rất nhiều, 10-15 lần.
- Làm sao để người khiếm thị nhận biết được mệnh giá những đồng tiền Việt Nam?
- 10 đồng tiền hiện hiện đang lưu thông (100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng) hầu như chưa có các yếu tố nổi trội giúp người khiếm thị nhận biết mệnh giá. Nhưng đối với 5 loại tiền mới này, người khiếm thị hoàn toàn dễ dàng kiểm tra những nét nổi bằng tay nhờ những ký hiệu ở phía góc dưới bên trái đồng tiền giấy mới.
Phía dưới góc trái của mặt trước đồng tiền năm trăm nghìn đồng có 3 hoa thị và 1 gạch ngang dưới hoa thị, con số mệnh giá 500.000 in nổi, một cửa sổ trong suốt hình bông sen bên trong dập nổi con số 500.000. Đồng tiền 50.000 đồng mặt trước góc trái phía dưới có 3 hoa thị dập nổi, mệnh giá dập nổi nên rất dễ nhận biết bằng tay. Tiền xu có thể nhận biết nhờ con số mệnh giá in nổi và các đường rãnh ở vành đồng tiền: xu 200 đồng vành trơn, xu 1.000 đồng vành có khía liên tục và xu 5.000 vành có khía vỏ sò.
- Toàn bộ các loại tiền mới đều được in ấn, sản xuất tại Việt Nam?
- Tiền Việt Nam đã từng được in ở nước ngoài nhưng hiện thì tuyệt đại bộ phận đã được in tại Nhà máy in tiền Quốc gia với công nghệ của Việt Nam, chỉ có nguyên vật liệu là phải nhập ngoại. Đối với tiền giấy, hiện toàn bộ các loại tiền đều đã được in tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 1993 sau khi nhà máy in tiền được thành lập. Trước khi tiến hành in tiền polymer tại Việt Nam chúng tôi đã cho in thử 20 triệu tờ 50.000 đồng tại Hãng in tiền polymer duy nhất trên thế giới của Australia để nhằm tập dượt và đào tạo cho công nhân Việt Nam.
Tiền kim loại thì hiện vẫn phải thuê một công ty tại châu Âu đúc toàn bộ, nhưng về lâu dài chúng tôi cũng sẽ thành lập một xưởng đúc tiền kim loại tại Việt Nam.
-
Hồng Phúc