Các ngân hàng (NH) thương mại nhà nước (NH quốc doanh) đã bắt đầu giảm lãi suất (LS) huy động, mức tối đa chỉ còn 0,63%/tháng (kỳ hạn 12 tháng) theo một thỏa thuận thông qua Hiệp hội NH. Như vậy người gửi tiền sẽ bị giảm thu nhập từ tiền lãi mặc dù ngay lúc này họ đang bị thiệt thòi vì LS âm do chỉ số tiêu dùng cao hơn cả LS gửi tiền.
BIDV chi nhánh Sài Gòn có lãi suất huy động cao lại còn khuyến mãi, cứ gửi 50 triệu đồng được 1phiếu mua hàng trị giá 50.000đ. |
Trong tháng 7-2004, các NH quốc doanh đã đồng loạt ấn định LS huy động như sau: tiền gửi dân cư sáu tháng là 0,58%/tháng, 12 tháng là 0,63%/tháng.
Với các kỳ hạn dưới sáu tháng, tuy không ấn định trần LS huy động nhưng các NH cũng chỉ đạo các chi nhánh phải ấn định theo mức thấp hơn các kỳ hạn liền kề.
Mặt bằng LS này tuy cao so với khu vực phía Bắc nhưng với khu vực phía Nam thì lại nằm dưới mức LS mà các NH đang huy động.
Tính chung hầu hết các NH quốc doanh tại TP.HCM đều có mức LS huy động vượt trần. Nếu theo đúng chỉ đạo thì phải đồng loạt giảm LS huy động, NH giảm ít cũng phải cắt đi 0,03%, giảm nhiều đến 0,06%.
Cùng với chỉ đạo phải giảm LS huy động, các NH quốc doanh cũng đồng loạt tăng LS cho vay. Mỗi NH tăng mỗi kiểu. NH Nông nghiệp đã ấn định LS cho vay ngắn hạn là 1%/tháng, trung hạn là 1,15%/tháng và dài hạn là 1,25%/tháng.
NH Công thương (ICB) thì không qui định cụ thể mà lại qui định mức tối thiểu: ngắn hạn tối thiểu là 8,5%/năm, trung dài hạn là LS tiết kiệm 12 tháng cộng với 2,5%. Vietcombank cũng ấn định LS cho vay tối thiểu: ngắn hạn thấp nhất là 0,725%/tháng, trung hạn là LS tiết kiệm 12 tháng cộng với 2,2%, dài hạn thì cộng với 2,5%.
Hiện NH quốc doanh chiếm đến 70% thị phần huy động vốn, do vậy giảm LS sẽ tác động lớn đến mặt bằng LS chung.
Hơn nữa, việc giảm LS diễn ra trong bối cảnh người gửi tiền đang chịu thiệt vì chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt. Vì vậy hầu hết NH đều có chung một nỗi lo đó là khách hàng sẽ ra đi.
(Theo Tuổi Trẻ)