Được đưa nợ vào phần vốn Nhà nước khi cổ phần hóa?
18:38' 23/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ông Nguyễn Đức Tặng, Cục phó Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đã cho biết như vậy. Theo ông: ''Chế tài đối với người đứng đầu DN trong việc bắt buộc phải thu hồi các khoản nợ hiện chưa đủ mạnh. Nợ khó đòi nhiều làm tình hình tài chính của DN không lành mạnh và trở thành vật cản đối với cổ phần hóa''.

Nợ không được thể hiện trong sổ sách kế toán

Soạn: AM 148325 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Các ngân hàng thương mại đang gặp khó với nợ xấu.

- Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng thực trạng nợ trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang là chướng ngại vật lớn với tiến trình cổ phần hóa (CPH) hiện nay?

-
Đúng thế, hiện nợ phải trả của DNNN thường gấp 1,2 đến 1,5 lần vốn Nhà nước tại DN. Thậm chí có nhiều DN nợ gấp vài lần đến hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Các khoản này chủ yếu là nợ các ngân hàng thương mại (khoảng 70%), nợ nước ngoài, nợ các doanh nghiệp, ngân sách và các khoản chiếm dụng khác.

Quá trình CPH các DNNN hiện đang vấp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, giải quyết các khoản nợ của DN là một điển hình. Cụ thể là các khoản nợ phải trả và các khoản nợ phải thu.

Về nợ phải thu, khoản này chiếm khoảng 50-60% vốn chủ sở hữu, bằng 15-20% doanh thu hàng năm của DN. Trong đó, nợ phải thu khó đòi chiếm khoảng 15-20% lợi nhuận hàng năm, nhưng đáng chú ý là tỷ lệ này thường không được phản ánh đầy đủ trong sổ kế toán DN.

- Thủ tục tiến hành những việc này có gì khó khăn không?

- Việc xử lý các khoản nợ trên, đặc biệt là nợ xấu, mất rất nhiều thời gian, cần nhiều thủ tục và các cơ sở pháp lý... để xác minh. Quy trình xử lý cũng kéo dài do thủ tục và những khó khăn phát sinh khiến thời gian CPH DN phải kéo dài.

 Được xóa nợ thuế?

- Theo ông, hiện cần những giải pháp gì để thúc đẩy việc này?

- Để xử lý các khoản nợ nói trên, Nhà nước cũng đã có những cơ chế cụ thể. Đối với các khoản không có khả năng thu hồi (đã quá hạn trên 3 năm, khách nợ không có khả năng trả, chưa đến 3 năm nhưng không có khả năng thu) thì phải xác định rõ trách nhiệm và bồi thường, có thể xác định đến trách nhiệm và vai trò của từng cá nhân.

Biện pháp thứ hai là dùng các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng tài chính để bù đắp. Ngoài ra, có thể hạch toán vào chi phí hoặc trừ vào nguồn vốn của Nhà nước khi xác định giá trị DN. Riêng với các khoản nợ khó đòi, có thể bán cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng.

Đối với các khoản nợ phải trả, không có khả năng thanh toán, được xác định theo các nhóm. Cụ thể là nợ thuế và ngân sách thì có thể khoanh, giãn nợ hoặc xóa nợ (tối đa bằng số lỗ lũy kế). Nợ các ngân hàng thương mại nhà nước cũng có thể được khoanh, giãn nợ, xóa nợ lãi, nợ lãi gộp gốc hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần. Nợ nước ngoài thì phải đàm phán để khoanh, giãn hoặc giảm... Riêng nợ bảo hiểm xã hội, nợ người lao động thì phải trả hoặc chuyển thành vốn góp.

- Cơ chế xử lý nợ hiện nay ra sao, thưa ông?

- Cơ chế xử lý nợ đã có đầy đủ nhưng chưa hợp lý. Ví dụ như quy định nợ từ 2 năm trở lên thì DN mới được trích dự phòng hoặc nợ từ 3 năm trở lên mới coi là nợ không thu được, khống chế tỷ lệ trích quỹ dự phòng không quá 20% tổng số nợ...

Hiện vẫn chưa chưa có cơ chế để xử lý nợ phải trả cho Quỹ Hỗ trợ Phát triển. Quy định về nợ tồn đọng cũng chưa phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Về tổ chức thực hiện vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để buộc DN phải xử lý nợ thường xuyên.

- Bộ Tài chính sẽ làm gì để giải quyết việc này?

- Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để xử lý. Sắp tới chúng tôi cũng quy định những khoản nợ quá hạn không thu được thì DN phải trích lập quỹ dự phòng. Quá 2 năm không thu hồi được thì phải trích lập 100%. Điều này sẽ tạo cho DN phải thu hồi nợ. Tiếp đến là làm rõ trách nhiệm của người quản lý, nếu không trích lập dự phòng xử lý các khoản nợ đó thì sẽ bị quy vào là báo cáo sai tình hình tài chính. Chế tài đối với việc báo cáo sai sự thật nếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đánh giá tình hình tài chính DN thì có thể miễn nhiệm chức vụ của nhà quản lý.

Chính phủ đã ban hành việc xử lý nợ của Quỹ Hỗ trợ Phát triển cũng như nợ ngân hàng: xóa lãi vay, chuyển nợ thành vốn góp... Đối với nợ lương và bảo hiểm xã hội thì DN phải hoàn trả. Nợ bảo hiểm xã hội thì khi cổ phần hóa, khoản trả này được lấy từ trong giá trị tài sản của DN để đảm bảo quyền lợi người lao động.

- Cái chúng ta còn thiếu là gì?

- Theo tôi, cần phải sửa đổi một số nội dung trong quy chế tài chính công ty nhà nước. Việc quy định trích lập quỹ dự phòng  đối với nợ khó đòi phải phù hợp với cơ chế thị trường. Quy định việc xử lý nợ không thu hồi thông thoáng hơn. Đặc biệt, Nhà nước cần có những chế tài mạnh hơn đối với hành vi không xử lý nợ khi thu hồi được, không trả nợ đúng hạn của người điều hành DN hoặc không có báo cáo chính xác, rõ ràng. Trong quy chế quản lý và xử lý nợ, cần phải bổ sung xử lý nợ của Quỹ Hỗ trợ Phát triển; phải sửa đổi cơ chế xử lý nợ cho thống nhất giữa các văn bản.

Trong nghị định về CPH, cần quy định trách nhiệm của DN là phải xử lý nợ trước khi CPH và cho phép tiếp tục xử lý nợ bằng việc trừ vào vốn nhà nước.

DN tự định giá tài sản dưới 20 tỷ đồng  

- Bộ vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định 64 sửa đổi về CPH DN nhà nước. Ông có thể cho biết những điểm mới trong việc định giá DN tại Nghị định này?

- Sẽ bãi bỏ việc định giá thông qua hội đồng, bởi việc xác định thông qua cơ chế này do không chuyên nghiệp nên việc xác định giá trị DN chủ yếu dựa vào cảm tính, quá cao hoặc quá thấp. Để khắc phục, Nghị định mới sẽ cho phép những tổ chức định giá chuyên nghiệp như các công ty kiểm toán kể cả trong và ngoài nước vào để định giá.

Bên cạnh đó, đối với những DN có quy mô nhỏ (khoảng 20 tỷ đồng trở xuống) thì sẽ cho phép các đơn vị này tự định giá và báo cáo cơ quan chủ quản.

- Việc CPH gắn với thị trường sẽ được thực hiện như thế nào?

- Những DN CPH lần đầu sẽ được bán theo giá thị trường, thông qua hình thức đấu giá. Từ đó sẽ xác định được giá trị thực của DN. DN sẽ không còn phải quá băn khoăn những giá trị cao, thấp mà tổ chức định giá đưa ra, nhẹ hơn cho các cơ quan xác định giá trị DN.

- Các tổ chức định giá nước ngoài có được tham gia xác định giá trị DN?

- Sẽ có những công ty nước ngoài được tham gia định giá DN Việt Nam. Việc cho phép những đơn vị tư vấn có uy tín của quốc tế thực hiện việc này sẽ giúp DN đưa ra giá trị hợp lý.

- Những công ty định giá nước ngoài muốn tham gia sẽ phải đáp ứng các điều kiện gì?

- Các tổ chức định giá đã hoạt động hợp pháp tại Việt Nam thì sẽ được tham gia, còn những công ty khác thì phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính.

  • Hồng Phúc - ghi

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Nợ xấu đang cản trở cổ phần hóa ngân hàng
Nợ xấu mới giảm 0,1%
Nợ xấu trong ngân hàng :15 - 20%
CÁC TIN KHÁC:
DN Nhà nước: Nợ cao gấp 1,5 lần vốn (22/09/2004)
TP.HCM tăng DN lẫn qui mô vốn CPH (20/09/2004)
Sẽ cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone (15/09/2004)
Cải cách DN nhà nước: Nhìn lại và suy ngẫm (10/09/2004)