(VietNamNet)
- Nhóm linh kiện điện tử khó có khả năng sản xuất hoặc có sản xuất nhưng không có lợi thế so sánh sẽ được cắt giảm thuế theo mức: Những linh kiện đang có thuế suất 10% sẽ xuống 5%, đang có thuế 20% xuống 10% và 30% xuống 15%.Bộ Tài chính trong văn bản trả lời kiến nghị của Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC), Hiệp hội các DN điện tử về thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng điện tử vừa khẳng định như vậy. Bên cạnh đó, Bộ này sẽ không giảm đồng loạt thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng điện tử xuống 0% như kiến nghị của các DN mà sẽ cân nhắc một cách tổng thể, cân đối với chiến lược phát triển ngành điện tử, tin học cũng như gắn với tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Bộ dự kiến sẽ phân loại thành các nhóm và hướng xử lý đối với từng nhóm, cụ thể nhóm các sản phẩm hiện đã có mức thuế suất MFN từ 5% trở xuống là lò xo (7230), IC (8542), biến trở (8533), một số loại tụ điện (8532), bộ đổi điện DC (8504), mạch in (8534), điện trở, bóng bán dẫn, ống kính quang học đề nghị giữ nguyên như trước, không giảm xuống 0%.
Trong công văn, Thứ trưởng Trương Chí Trung nêu rõ: Nhóm các sản phẩm đang có mức thuế suất MFN trên 5% dự kiến chia thành các phân nhóm nhỏ, trong đó bao gồm các linh kiện quan trọng trong nước đã đầu tư sản xuất như đèn hình, cuộn lái tia, loa, micro, dây dẫn hiện đang được quy định thuế suất từ 15% đến 30% vẫn giữ nguyên; Nhóm các linh kiện phụ trợ đi kèm, trong nước đã sản xuất được và có lợi thế cạnh tranh với hàng nhập như thùng, hộp carton, nỉ, xốp, keo dán, băng keo, pin, nhãn, đệm cao su, khung nhựa, khoá nhựa, cầu chì, công tắc đề nghị giữ như hiện hành từ 10%-30%; Nhóm các linh kiện chưa sản xuất tại VN nhưng có thể phát triển trong tương lai như cuộn biến áp, diôt, đinh tán, tụ sứ cũng giữ nguyên. Các mức thuế suất từ 15%-30% đề nghị được giữ nguyên nhằm bảo hộ chính sách hợp lý để khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất trong nước.
Theo Bộ Tài chính, hiện ngành sản xuất linh kiện điện tử chưa phát triển được như mong đợi nhưng trên thực tế đã có một số DN đầu tư sản xuất một số linh kiện phụ tùng trong nước như Orion Hanel, TT Electronics, Daewoo Hanel, Partsnic... Vì vậy, việc điều chỉnh giảm thuế sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tạo điều kiện để cho các DN lắp ráp sản phẩm điện tử nhưng đồng thời khuyến khích DN sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước và không gây sức ép cho việc đàm phán gia nhập WTO.
-
Hồng Phúc