(VietNamNet) - Vàng, USD và các đồng tiền đều đang biến động mạnh khiến không ít các DN xuất nhập khẩu lao đao. Công cụ nào giúp họ bảo toàn vốn và không bị ngưng trệ các hoạt động trao đổi hàng hóa khi thời điểm kết thúc năm cận kề?
USD đã mất giá trên 50% so với thời điểm đồng EUR ra đời và đã giảm 20% tính đến thời điểm này trong năm 2004. Tỷ giá yen Nhật với USD cũng ở mức thấp nhất kể từ bốn năm qua, còn giá vàng đã tăng khoảng 90.000 đồng/chỉ so với đầu năm (trên 10%). Năm 2004 đang khép lại với dấu ấn của năm đầy biến cố trên thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó thì chưa dừng hẳn. Các DN đã nhập khẩu hàng hóa từ EU chưa thanh toán hết bằng Euro đang lâm vào hoàn cảnh mất cả lãi và thâm hụt vốn bởi giá Euro hiện tăng quá cao so với thời điểm 1 tháng trở về trước, khi đồng tiền này được các DN lựa chọn làm đồng tiền thanh toán hàng hóa với đối tác. Các DN xuất khẩu còn bị nợ tiền bằng USD cũng thiệt hại không nhỏ. Đồng USD giảm giá khiến tỷ giá VND/USD lên cao nhất trong năm nay và câu hỏi đặt ra với nhiều DN là liệu Chính phủ Việt Nam có tác động gì vào đồng bản tệ để có một ''đồng Việt Nam yếu'', giành lợi thế cho xuất khẩu?
Lãng quên ''chìa khóa vàng''
Các chuyên gia cho rằng, trước khi đợi SBV (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) can thiệp thị trường ngoại tệ hoặc một vài ngân hàng lớn trên thế giới bán Euro ra để đẩy USD lên giá thì việc cần làm nhất của các DN Việt Nam là tự bảo vệ mình bằng công cụ bảo hiểm tỷ giá. Trong đó, Option (nghiệp vụ Quyền lựa chọn) vốn được coi là ''chìa khoá vàng'' của các DN nhiều quốc gia, lại đang bị lãng quên ở Việt Nam, mặc dù dịch vụ này ra đời đã gần 2 năm.
SBV ngày 12/2/2003 đã lần đầu tiên cho phép Ngân bàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được thực hiện thí điểm nghiệp vụ quyền lựa chọn trong kinh doanh ngoại hối.
Tuy nhiên, sau 6 tháng thí điểm chỉ được khoảng hơn 10 DN tham gia với 50 hợp đồng thực hiện Quyền lựa chọn, tổng giá trị hơn 5 triệu USD.
Sau đó, SBV cũng lần lượt cho phép 6 ngân hàng khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Citibank, Vietcombank, Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB) và Ngân hàng Hongkong Bank chi nhánh TP.HCM được thực hiện thí điểm Option, nhưng những kết quả thu được đến nay vẫn nhỏ bé. Mặc dù có công cụ để tạo cho DN cơ hội phòng ngừa rủi ro nhưng rõ ràng các DN chưa hề mặn mà với Option, nghiệp vụ này chẳng những ra đời muộn màng ở Việt Nam mà còn chưa hấp dẫn các DN.
Hiện theo thống kê của SBV thị trường ngoại tệ kỳ hạn, hoán đổi ở Việt Nam còn rất nhỏ. Doanh số giao dịch chỉ chiếm khoảng 5% doanh số mua bán ngoại tệ giao ngay. Các giao dịch tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn (7 đến 60 ngày). Trong khi đó, cơ cấu giao dịch bất hợp lý, bán ngoại tệ là chủ yếu, doanh số bán thường gấp 3-6 lần doanh số mua; đối tượng giao dịch tập trung nhiều vào khối các ngân hàng nước ngoài.
Lý giải hiện tượng này, một chuyên gia cho rằng sở dĩ hình thức bảo hiểm tỷ giá chưa phát triển bởi các DN và ngân hàng phần lớn chưa quen sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá trước thực tế tỷ giá giao ngay giữa USD và đồng Việt Nam (VND) quá ổn định trong vài năm gần đây.
Thậm chí, một quan chức ở ngân hàng đang thực hiện thí điểm Option còn thở dài: ''Nói thật, ngay bản thân ngân hàng cũng không cảm thấy hào hứng lắm triển khai Option với khách hàng, vì đây là nghiệp vụ mới, chưa quen làm, phí thu được chẳng đáng bao nhiêu mà rủi ro lại cao...''.
Còn về phía DN, cũng lạnh nhạt không kém. Đa số họ cho rằng việc phải sử dụng đến các công cụ bảo hiểm tỷ giá có vẻ như nghiêng nhiều về việc kinh doanh tiền tệ và điều này phần lớn các DN chưa quen. Còn có lý do khác nữa là DN chưa tin tưởng lắm việc cung cấp dịch vụ này của các ngân hàng vì họ chưa thấy được hiệu quả của phương thức này. Điều này có lẽ do khâu quảng bá về Option của các ngân hàng hiện nay (ngoài Eximbank) đều rất kém, chưa đủ sức thuyết phục khách hàng, những người vốn có tâm lý ''tất cả các quảng cáo đều là dịch vụ kiếm lời''.
Option - lợi cả đôi đường
Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện các DN của họ chủ yếu bán hàng theo phương thức chốt giá sau (Price to be fixed) và hình thức này khiến nhiều DN gặp thiệt hại do tỷ giá biến động. Nếu áp dụng nghiệp vụ Quyền lựa chọn (Option), DN sẽ giảm được rủi ro.
Một hợp đồng Quyền lựa chọn với ngân hàng sẽ giúp DN có cơ hội để quyết định việc thực hiện công cụ bảo hiểm tỷ giá theo tình hình thực tế của thị trường.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đào Hồng Châu - Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết: ''Với một chi phí tương đối thấp, DN có được một Quyền lựa chọn về tỷ giá trong một thị trường ngoại hối cực kỳ biến động. Option tiền tệ cũng giúp tăng tính thanh khoản của thị trường ngoại hối và là một trong những thước đo quan trọng kỳ vọng hợp lý (rational expectation) của thị trường về xu hướng của tỷ giá...''.
Một Quyền lựa chọn tiền tệ là một hợp đồng giữa người mua và người bán, theo đó người bán trao cho người mua quyền, chứ không phải là nghĩa vụ mua (call) hoặc bán (put) số lượng nhất định một loại tiền tệ, vào một khoảng thời gian được xác định, với một giá nhất định (giá thực hiện). Đổi lại người mua phải trả cho người bán một khoản phí (gọi là phí Option). Người bán Quyền lựa chọn giữ khoản phí đó cho dù người mua có thực hiện hay không thực hiện Quyền lựa chọn của mình.
Người mua Quyền lựa chọn là người có quyền thực hiện quyền lựa chọn, nhưng không ràng buộc phải thực hiện việc mua hoặc bán ngoại tệ với tỷ giá đã thỏa thuận. Người mua Quyền lựa chọn phải trả một khoản phí, gọi là phí Quyền lựa chọn, để có được Quyền lựa chọn mua hoặc bán ngoại tệ. Thông thường người mua Quyền lựa chọn là các DN, người bán quyền lựa chọn là các ngân hàng thương mại.
Các DN được giao dịch Quyền lựa chọn bằng tất cả các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi, như EUR, USD, JPY, AUD, CAD, CHF, GBP, SGD. Phí trả cho Quyền lựa chọn dựa trên phí Option của thị trường Option quốc tế.
Trong thị trường giao dịch ngoại hối cùng với giao dịch giao ngay (spot), giao dịch kỳ hạn (forward), giao dịch hoán đổi ngoại tệ (swap) thì giao dịch Quyền lựa chọn (Option) giúp DN có thêm cơ hội lựa chọn loại hình giao dịch hối đoái phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình, giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi nhuận và rủi ro.
Option với DN xuất khẩu
Một DN xuất khẩu dự kiến trong tháng tới sẽ thu về một khoản ngoại tệ là 100.000EUR, và họ cũng dự đoán trong thời gian tới tỷ giá EUR/USD trên thị trường có khả năng sụt giảm mạnh. Để bảo vệ giá trị đồng vốn và hưởng lợi từ việc dự đoán tỷ giá này, DN có thể:
1. Ký hợp đồng bán EUR có kỳ hạn cho ngân hàng. Trong trường hợp này, cho dù vào ngày đáo hạn tỷ giá đồng EUR có tăng hay giảm bao nhiêu thì DN vẫn phải bán cho ngân hàng với giá đã cam kết trong hợp đồng.
2. Hoặc ký hợp đồng Option bán EUR cho ngân hàng vào ngày có tỷ giá EUR/USD là 1.0900 (tỷ giá đặt bán) với thời hạn một tháng (ngày đáo hạn 17/12/2004 chẳng hạn).
Tới ngày 17/12/2004 sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp:
- Tỷ giá EUR/USD trên thị trường là 1.1200 cao hơn tỷ giá đặt bán, DN có quyền không thực hiện hợp đồng đã ký kết với ngân hàng mà bán 100.000EUR để lấy 112.000USD theo giá thị trường vì họ đã có quyền lựa chọn bán hay không bán theo giá đã ký kết trong hợp đồng.
- Tỷ giá EUR/USD giảm mạnh còn 1.0500, DN được quyền bán cho Eximbank 100.000EUR lấy 109.000USD theo tỷ gia đã ký kết trong HĐ Option. Nếu không có hợp đồng Option thì với 100.000EUR, họ chỉ có thể bán theo tỷ giá spot 1.0500, thấp hơn 4.000USD so với tỷ giá đặt bán trong HĐ Option.
Option với DN nhập khẩu
Một DN nhập khẩu dự kiến trong tháng tới sẽ phải thanh toán cho đối tác nước ngoài một khoản ngoại tệ là 100.000EUR và họ cũng dự đoán trong thời gian tới tỷ giá EUR/USD trên thị trường có khả năng tăng mạnh. Để bảo vệ giá trị đồng vốn và hưởng lợi từ việc dự đoán tỷ giá này, DN có thể:
1. Ký hợp đồng mua EUR có kỳ hạn (Forward) với ngân hàng. Trong trường hợp này, cho dù vào ngày đáo hạn tỷ giá đồng EUR có tăng hay giảm bao nhiêu thì DN vẫn phải mua với giá đã cam kết trong hợp đồng kỳ hạn.
2. Hoặc ký hợp đồng Option mua EUR của ngân hàng ngay hôm nay (30/11/2004) với tỷ giá EUR/USD là 1.0800 (tỷ giá đặt mua). Thời hạn một tháng (ngày đáo hạn 30/12/2004).
Tới ngày 30/12/2004 sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp:
- Tỷ giá EUR/USD trên thị trường giảm còn 1.0500 thấp hơn tỷ giá đặt mua, DN có quyền không thực hiện hợp đồng đã ký kết với ngân hàng mà chỉ dùng 105.000USD để mua 100.000EUR theo giá thị trường vì họ đã có Quyền lựa chọn mua hay không mua theo giá đã ký kết trong hợp đồng.
- Tỷ giá EUR/USD tăng lên 1.1200, DN được quyền mua của Eximbank 100.000EUR chỉ với 108.000USD theo tỷ gia đã ký kết trong HĐ Option. Nếu không có hợp đồng Option thì DN phải bỏ ra tới 112.000USD để mua 100.000EUR, tức cao hơn 4.000USD so với tỷ giá đặt mua trong hợp đồng Option.
Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, cũng là người có công đầu đưa Option vào thị trường Việt Nam, ông Trương Văn Phước cho biết, các công ty kiều hối cũng có thể cần đến nghiệp vụ Option. Ông này lý giải bởi trong tổng số kiều hối chuyển về Việt Nam những năm qua, các loại ngoại tệ khác ngoài USD chiếm tỷ trọng khá lớn. Tỷ giá giữa các ngoại tệ này với USD có thể biến động trong khoảng thời gian nhận ở nước ngoài cho đến lúc chi trả lại kiều hối trong nước, vì vậy có Option sẽ bảo hiểm được rủi ro.
Mặc dù vào thế kỷ 19, khái niệm về Quyền lựa chọn đã được hình thành tại London, tuy nhiên do đặc tính đặc biệt của Quyền lựa chọn nên thị trường chưa được hình thành trong giai đoạn này. Đến năm 1973 thì nghiệp vụ Quyền lựa chọn mới được giao dịch mạnh mẽ tại thị trường hàng hóa Chicago (Chicago Board Options Exchange - CBOE). Nghiệp vụ này hoạt động theo nguyên tắc ''anh trả tôi một khoản phí tôi sẽ dành cho anh quyền lựa chọn mua hoặc bán ngoại tệ theo tỷ giá đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo tỷ giá thị trường trong một khoảng thời gian thỏa thuận''. Việc ứng dụng vào thực tế tùy mục tiêu của DN là bảo hiểm hay kinh doanh kiếm lời từ tỷ giá. Chỉ sau một gian ngắn được giao dịch, Quyền lựa chọn đã được phép giao dịch trên tất các thị trường lớn như American Stock Exchange, Philadelphia Stock Exchange, Midwest Stock Exchange Pacific Stock Exchange; London Internatrional Financial Futures Exchange - LIFEE; Thụy Điển (Optionsmaklarna-OM); Pháp (Monep); Đức (Deutsche Terminborese - Eurex). (Nguồn: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank) |
-
Hồng Phúc