(VietNamNet) - Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đang cơ cấu lại mạnh mẽ với mong muốn hoàn thành một "kịch bản cổ phần hoá".
Ông Lê Đào Nguyên - Phó tổng giám đốc BIDV đã cho biết như vậy trong Hội thảo Tăng cường quản trị doanh nghiệp cho các ngân hàng và định chế tài chính Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. BIDV dự kiến là ngân hàng quốc doanh lớn thứ hai tại Việt Nam sẽ được cổ phần hoá. Hiện, các công việc hoàn tất cổ phần hoá của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đang được đẩy mạnh để có thể đạt được mốc dự kiến cuối năm 2005 của Chính phủ.
Theo ông Nguyên, là một ngân hàng thương mại Nhà nước, cổ phần hoá chính là việc tạo nên một sự chuyển đổi sâu sắc về quản trị điều hành của Ngân hàng. Đây là việc rất cần thiết để hoàn thiện hơn nữa đối với cơ cấu quản trị và tăng cường chất lượng cũng như "sức đề kháng" cho các ngân hàng.
Cổ phần hoá các ngân hàng thương mại quốc doanh Việt Nam là trông đợi từ rất lâu của các nhà đầu tư tài chính. |
Thời gian qua, BIDV cũng đang xem xét và phân tích các khả năng "cải tiến" của mình theo các kịch bản khác nhau.
Trong đó, "kịch bản thứ nhất" là sẽ tồn tại như một ngân hàng thuộc 100% sở hữu của Chính phủ. Khi đó về mặt hình thức, cơ cấu quản trị điều hành của BIDV sẽ không thay đổi nhiều. Các thành viên của HĐQT sẽ vẫn là các công chức nhà nước (có thể là người của BIDV hoặc không).
Với kịch bản này, theo ông Nguyên, có thể xảy ra hai khả năng: Khả năng thứ nhất là đại diện chủ sở hữu của Ngân hàng vẫn là Bộ Tài chính mà không có một cơ quan đại diện trung gian nào khác. Theo khả năng này, BIDV sẽ cố gắng tiếp tục cải tiến cơ cấu quản trị điều hành của mình trên cơ sở cơ cấu hiện tại. Theo đó hệ thống kiểm toán nội bộ sẽ được hình thành, các chức năng của các cơ quan khác như Ban kiếm soát, hội đồng tư vấn và hội đồng quyết định thuộc Hội đồng quản trị, Ban điều hành sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ.
Khả năng thứ hai là Bộ Tài chính hình thành một cơ quan quản lý vốn nhà nước và người của công ty này (cơ quan trung gian) sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của BIDV. Nếu theo đuổi một trong hai hình thức này, thì bản chất sở hữu của Ngân hàng hoàn toàn không thay đổi. Và vấn đề khó khăn lớn là làm sao xác định được thể chế có quyền lực tối cao đối với Ngân hàng mà có tính năng tương tự như Đại hội cổ đông.
Còn "Kịch bản thứ hai" là BIDV sẽ được cổ phần hoá (với cổ phần ưu thế vẫn thuộc Chính phủ). Khi đó, mô hình của BIDV sẽ hoàn toàn tuân theo mô hình của một ngân hàng thương mại cổ phần. Cơ cấu quản trị điều hành của BIDV sẽ được tổ chức theo thông lệ. Nghĩa là, BIDV sẽ vẫn tồn tại Đại hội cổ đông; Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Hội đồng kiểm toán nội bộ.
Tuy nhiên, việc đi theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần đơn cấp hay mô hình ngân hàng thương mại cổ phần 2 cấp vẫn cần được tính toán.
Với chủ trương đổi mới hoạt động ngân hàng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thích ứng với tình hình hội nhập, BIDV đang cơ cấu lại thông qua việc tăng vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, đổi mới quản trị điều hành, cơ cấu lại Tài sản nợ - Tài sản có... Và như vậy, theo ông Nguyên, cổ phần hoá sẽ là lựa chọn đúng đắn của Ngân hàng.
Để nâng cao năng lực quản trị và điều hành, chuẩn bị cho cổ phần hoá, thời gian qua BIDV đã hình thành các cơ quan giúp việc cho Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc, các đơn vị chuyên môn đặc thù nhằm hỗ trợ ngân hàng trong quản lý và kiểm soát rủi ro. Đồng thời, áp dụng việc công bố và minh bạch thông tin, hướng hoạt động theo thông lệ quốc tế. BIDV hiện là ngân hàng thương mại Nhà nước duy nhất tại Việt Nam đã và đang công bố số liệu theo cả hai chuẩn mực quốc tế VAS và IFRS.
Hội thảo Tăng cường quản trị doanh nghiệp cho các ngân hàng và định chế tài chính tại Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 6-7/6/2005 tại Hà Nội. Hội thảo do BIDV phối hợp cùng Hiệp hội các định chế tài chính Phát triển châu Á - Thái Bình Dương (ADFIAP) và Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân Quốc tế (CIPE) tổ chức.
Các chuyên gia đến đây để bàn về một mối quan tâm của tất cả các doanh nghiệp, không chỉ riêng của lĩnh vực tài chính ngân hàng, đó là việc xây dựng một cơ chế quản trị hiệu quả và sử dụng cơ chế đó một cách nghiêm túc để phát triển vững mạnh và lâu dài.
-
Hồng Phúc